Giảng dạy hiệu quả chuyên đề học tập tại trường THPT chuyên

GD&TĐ - Thầy cô Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long chia sẻ thuận lợi, khó khăn, giải pháp triển khai chuyên đề học tập theo chương trình mới.

Cô trò Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) trong giờ học.
Cô trò Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) trong giờ học.

Cần tăng thời lượng cho chuyên đề chuyên sâu

Với chuyên đề dạy học môn Vật lí, giáo viên tổ Vật lí,Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận định việc triển khai có thuận lợi bởi phân phối chương trình xây dựng cụ thể, phân bố thời gian dạy hợp lý ở hầu hết các lớp. Giáo viên được tự chủ trong phân bổ số tiết ngay khi xây dựng chương trình.

Ngoài ra, tài liệu cập nhật kiến thức bổ ích, có liên hệ thực tế, có tính giáo dục. Hình ảnh rõ, đẹp, kiến thức chuyên đề lớp 10 đơn giản, dễ hiểu, gần gũi với thực tiễn. Phương tiện, thiết bị của nhà trường khá đầy đủ…

Bên cạnh thuận lợi, khó khăn khi giảng dạy chuyên đề học tập môn Vật lí là chuyên đề được cô đọng trong sách giáo khoa nhưng bao phủ một khối lượng kiến thức rất rộng. Học sinh được giảng dạy nhưng chưa thể hiểu sâu được vấn đề. Kiến thức ở chuyên đề học tập lớp 11 phần Điện tử khá khó, đòi hỏi giáo viên, học sinh phải tìm hiểu nhiều.

Không đủ số tiết phân bổ các chuyên đề chuyên sâu, không thể đáp ứng được yêu cầu đối tượng học sinh chuyên, cũng là một khó khăn của nhà trường khi triển khai giảng dạy chuyên đề học tập.

Khắc phục khó khăn này, kinh nghiệm của các thầy cô giảng dạy chuyên đề học tập môn Vật lí của nhà trường là nghiên cứu tài liệu, thiết kế bài giảng điện tử có lồng ghép hình ảnh, video trực quan sinh động, dễ hiểu. Với chuyên đề học tập lớp 10, giáo viên chia nhóm học sinh báo cáo. Với chuyên đề học tập lớp 11, giáo viên hỗ trợ học sinh nghiên cứu bài học và thiết kế bài báo cáo trực quan, sinh động.

Tuy nhiên, để việc giảng dạy hiệu quả hơn, thầy cô cho rằng cần có số tiết phân bổ riêng đối tượng chuyên; tăng thêm thời lượng (số tiết) cho các chuyên đề chuyên sâu. Chuyên đề học tập có thể giảm bớt (thành các tiết tự nghiên cứu có hướng dẫn).

Giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học để giảng dạy hiệu quả chuyên đề học tập.
Giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học để giảng dạy hiệu quả chuyên đề học tập.

Sử dụng đa dạng phương pháp giảng dạy

Với chuyên đề học tập môn Lịch sử, nhóm giáo viên giảng dạy Lịch sử,Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng: Chương trình cốt lõi và chuyên đề bổ trợ rất nhiều cho nhau trong quá trình dạy. Hình ảnh minh họa phong phú, nội dung biên soạn chi tiết. Giáo viên xây dựng phân phối chương trình phù hợp khi dạy chuyên đề cốt lõi và chuyên đề học tập.

Bên cạnh thuận lợi, khó khăn khi giảng dạy chuyên đề học tập môn Lịch sử là các chuyên đề có nội dung khối lượng kiến thức rất rộng. Chưa có sách hỗ trợ cho giáo viên trong quá trình dạy như sách giáo viên, sách tham khảo, sách bài tập…

Triển khai chuyên đề học tập môn Lịch sử, thầy cô Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thiết kế bài giảng kết hợp sử dụng video, tranh ảnh để trực quan bài học. Đồng thời, tìm tòi, nghiên cứu các nguồn tài liệu để phục vụ tốt cho việc dạy học với những nội dung mới này.

Giáo viên thiết kế và chuyển giao các nhiệm vụ học tập ở nhà cho học sinh để các em thực hiện bằng hình thức cá nhân, cặp đôi, nhóm hoặc kết hợp cá nhân và nhóm. Sử dụng đa đạng các phương pháp giảng dạy như: phát vấn, thuyết trình, thảo luận nhóm, xem clip, làm poster… để tạo hứng thú cho học sinh khi học.

Với chuyên đề học tập môn Địa lí, việc trình bày tường minh, đơn giản, dễ hiểu, chuyên đề và chương trình cốt lõi có nội dung sát nhau là thuận lợi cho giảng dạy.

Nhưng khó khăn là khối lượng nội dung kiến thức nhiều nên cần tổ chức, thay đổi phương pháp tạo một tiết học hấp dẫn, tạo cơ hội cho học sinh được rèn giũa kỹ năng bên cạnh việc tiếp thu kiến thức chuyên môn

Để giảng dạy hiệu quả chuyên đề học tập môn Địa lí, thầy cô Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, cần phân phối chương trình lại để từng chuyên đề bám sát theo nội dung cốt lõi; sử dụng đa đạng các phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú cho học sinh khi học.

Trong Chương trình GDPT 2018, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập, tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ