Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn to, dài ra và ngoằn ngoèo bất thường các tĩnh mạch nằm trong mạng tĩnh mạch thừng tinh phía trên tinh hoàn.
Trên 80% trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra ở bên trái. Giãn tĩnh mạch thừng tinh chiếm 8 – 16% nam giới và khoảng 20 – 40% ở bệnh nhân nam vô sinh.
Mặc dù được xem là thương tổn bẩm sinh, giãn tĩnh mạch thừng tinh hiếm khi được chẩn đoán trước tuổi đi học. Tần suất và mức độ trầm trọng thay đổi tùy độ tuổi, phương pháp chẩn đoán và giai đoạn.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra do máu của các tĩnh mạch này chảy ngược về chỗ thấp (thay vì về tim), nguyên nhân thường do các van bên trong tĩnh mạch bị hư hoặc do các tĩnh mạch tinh bị chèn ép bởi các tác nhân khác trên đường đi. Hầu hết giãn tĩnh mạch thừng tinh không có triệu chứng. Thỉnh thoảng, có thể đau nhẹ hay có cảm giác nặng ở vùng bìu.
Đau có thể nhiều hơn vào chiều tối, sau khi đứng lâu, ngồi nhiều hay làm việc nặng. Nếu tĩnh mạch thừng tinh giãn lớn, bạn có thể thấy khối phồng ở góc trên bìu do tĩnh mạch giãn to nổi ngay dưới da.
Mặc dù hiện nay có nhiều chương trình tầm soát cộng đồng ở một số quốc gia phát triển nhưng phần lớn giãn tĩnh mạch thừng tinh ở trẻ em và thanh niên chỉ được phát hiện tình cờ hay hiếm hơn do bệnh nhân than phiền về những khó chịu ở bìu hay sưng bìu.
Đau chỉ ghi nhận khoảng 2 – 11%. Trong vài trường hợp hiếm, giãn tĩnh mạch thừng tinh được chẩn đoán sau khi tĩnh mạch vỡ do chấn thương thể thao hay do các chấn thương khác. 15 – 20% bé trai bị tinh hoàn nhỏ kèm theo với giãn tĩnh mạch thừng tinh.
90% bệnh xảy ra bên tinh hoàn trái vì máu từ tinh hoàn hai bên được đưa về theo các mạch riêng và đổ về tĩnh mạch thận.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra khi thành tĩnh mạch mỏng, không chịu được áp lực máu. Bệnh thường gặp ở những người mặc quần áo chật, ngồi lâu thường xuyên, lao động nặng.
Phương pháp điều trị là thắt tĩnh mạch bằng kỹ thuật mổ nội soi, thường có kết quả tốt: sau mổ, đa số trường hợp tinh hoàn sẽ có kích thước và khả năng sản xuất tinh trùng bình thường.
Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh đều phải phẫu thuật, trường hợp tĩnh mạch thừng tinh không giãn to hơn và không gây khó chịu thì có thể không cần điều trị.
Ngược lại, khi bệnh tiến triển nhanh và gây đau đớn kéo dài, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật để cột các tĩnh mạch giãn chung quanh tinh hoàn.
Chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp: tĩnh mạch tinh lớn gây khó chịu, gây đau tức bìu kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cản trở trong sinh hoạt.
Làm giảm thể tích tinh hoàn, ảnh hưởng tới tinh dịch đồ, nhất là thay đổi tinh dịch đồ ở người trưởng thành trên 18 tuổi nguy cơ gây vô sinh.
Bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh không nên mặc quần lót quá chật, có chất liệu nilon gây ngứa ngáy và ứ đọng mồ hôi. Thường xuyên vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Không sờ, nắn thường xuyên vào tinh hoàn bị bệnh để tránh biến chứng.