Giám sát các hoạt động của nhà trường: Phụ huynh cần hiểu sâu về giáo dục

GD&TĐ - Theo Điều 15, Nghị định số 24/2021/NĐ-CP, phụ huynh được giám sát hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên, vấn đề là tăng cường sự giám sát, góp ý của phụ huynh thế nào để giúp ích cho quá trình giáo dục học sinh?

Ảnh minh hoạ. (nguồn: internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: internet)

Phụ huynh được giám sát hoạt động của nhà trường

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2021/NĐ-CP quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Một trong những nội dung thu hút được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh trong cả nước là những quy định về trách nhiệm của gia đình đối với nhiều hoạt động của nhà trường

Cụ thể, tham gia góp ý mục tiêu giáo dục và kế hoạch giáo dục của nhà trường của cơ sở giáo dục thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Tham gia góp ý nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục về các biện pháp giáo dục, khen thưởng, kỷ luật học sinh; nắm bắt tình hình và kết quả hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy học học sinh để phối hợp với cơ sở giáo dục trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Phối hợp với cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy học học sinh bảo đảm an toàn cho học sinh; tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng và các hoạt động giáo dục khác theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Phối hợp với cơ sở giáo dục trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh và đảm bảo an toàn cho học sinh theo quy định của pháp luật.

Cũng theo quy định tại nghị định này, gia đình mà cụ thể là phụ huynh học sinh còn được tham gia giám sát các hoạt động của cơ sở giáo dục theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.

Theo Thạc sĩ Trần Thị Lực, Hiệu trưởng trường THPT Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) việc giám sát của phụ huynh trong giới hạn cho phép sẽ rất tốt. Vì đây cũng là cách để nhà trường công khai các hoạt động giáo dục. Và đó cũng là cách để nhà trường cam kết với phụ huynh. Khi tham gia giám sát, góp ý kiến cho các hoạt động của nhà trường, phụ huynh sẽ hiểu, và khi hiểu thì sẽ có được sự đồng thuận với nhà trường.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: internet)

Tăng cường sự giám sát, góp ý của phụ huynh bằng cách nào?

Thạc sĩ Trần Thị Lực cho biết, hiện nay mọi giám sát, góp ý của phụ huynh đều thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh của mỗi trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường gồm đại diện cha mẹ học sinh được cử ra của mỗi lớp. Thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, phụ huynh được tham gia góp ý kiến về các hoạt động của con em mình ở trường.

Định kỳ, nhà trường có họp giao ban giữa Ban giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ học sinh. Thông qua buổi họp đó, đại diện cha mẹ học sinh sẽ được nghe báo cáo những nội dung nhà trường đã thực hiện và đưa ý kiến đóng góp tổng hợp từ buổi họp phụ huynh toàn trường. “Phụ huynh rất cần sự công khai, minh bạch. Nếu các hoạt động của nhà trường làm vì học sinh, vì mục tiêu chung thì phụ huynh sẽ luôn ủng hộ”, thạc sĩ Trần Thị Lực chia sẻ.

Các buổi họp phụ huynh là dịp để nhà trường chia sẻ với phụ huynh về sự giáo dục mà học sinh nhận được. Nhưng các buổi họp phụ huynh cũng là nơi để các phụ huynh tương tác và thảo luận với nhau. Trong buổi họp này, phụ huynh có thể xây dựng mạng lưới mối quan hệ và hành động tập thể để trình bày quan điểm của phụ huynh về nhà trường.

Tuy nhiên, muốn có được điều đó, chị Nguyễn Thị Quế, phụ huynh của trường THCS Thượng Thanh (Hà Nội) cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh phải là những người có hiểu biết, có tâm huyết và có năng lực. Tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh phải có tinh thần trách nhiệm cao, cùng chịu trách nhiệm trong những khoản thu chi mà các phụ huynh đã đóng góp. Nhất thiết, phụ huynh học sinh phải tìm hiểu, am hiểu các chính sách, quy định của ngành giáo dục mới có thể tham gia giám sát, góp ý hiệu quả cho các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Trong Đề án xây dựng Hội đồng giám sát trường học của GS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, hội đồng giám sát của cộng đồng ở trường học là tổ chức xã hội, tự nguyện của cộng đồng cha mẹ học sinh và đại diện dân cư sinh sống trên địa bàn được Mặt trận tổ quốc địa phương công nhận trên cơ sở kết quả bầu cử của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Những người được lựa chọn vào hội đồng phải thực sự tín nhiệm, muốn giáo dục trở nên trong sáng, có tâm huyết và năng lực. Nhiệm vụ của họ là thực hiện giám sát các hoạt động của trường học và các khoản thu chi mà cha mẹ học sinh đóng góp. Để thể hiện trách nh iệm,từng thành viên trong hội đồng, nhà trường và hội đồng cùng ký các khoản thu chi đó.

Tại Na Uy, những ban đại diện liên lạc và nhóm hành động của hội phụ huynh là một hiệp hội chính thức, theo yêu cầu của pháp luật. Đây là tổ chức gồm các đại diện của các phụ huynh có con theo học ở một trường nào đó. Đó là nơi để phụ huynh có thể đưa ra ý kiến về vấn đề hoạt động của một trường nào đó và là diễn đàn mà tại đó, quan điểm của phụ huynh về những thay đổi và phát triển trong nhà trường phải được lắng nghe và cân nhắc.

Phụ huynh được giám sát hoạt động của nhà trường được quy định tại Điều 15, Nghị định số 24/2021/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/5/2021. Tuy nhiên, phụ huynh muốn thực hiện giám sát, góp ý phải trên cơ sở hiểu giáo dục, có trách nhiệm, có tâm huyết với giáo dục và có năng lực. Đây có thể coi là bước đầu tiên để phụ huynh tham gia vào công tác giáo dục, góp phần vào thành công của quá trình giáo dục học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ