Hội phụ huynh cùng nhà trường giáo dục học sinh
Sáng thứ 7 hàng tuần, Ban đại diện Hội phụ huynh trường THPT Nam Đàn 2 lại cắt cử hội viên đến trường, “hội ý” với Ban giám hiệu, các thầy cô giáo và đoàn thanh niên các lớp.
Qua đó nắm bắt tình hình học tập, hoạt động của học sinh. “chúng tôi tìm hiểu và nghe thông tin xem có cháu nào xích mích nhau, nghỉ học đi chơi điện tử, vi phạm an ninh trật tự, hoặc có trường hợp vì hoàn cảnh gia đình khó khăn muốn bỏ học. Sau đó, sẽ liên hệ đến gia đình của từng em, để bàn bạc, đưa ra cách giải quyết vấn đề, bác Đặng Đức Hùng – Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh cho biết.
Chính nhờ sự phối hợp sát sao của hôi phụ huynh với nhà trường, mà tình hình an ninh trật tự Trường THPT Nam Đàn 2 được đánh giá tốt trong huyện. Giảm hẳn việc học sinh chơi game, đánh nhau, vi phạm luật an toàn giao thông… Bên cạnh đó, nhiều hoàn cảnh nỗ lực khăn được quan tâm, giúp đỡ kịp thời.
Có trường hợp 1 em học sinh lớp 10, nằng nặc xin gia đình mua xe đạp điện, đến lúc bố mẹ mua xe cho đi học được 1 tuần lại muốn nghỉ học. Chúng tôi cũng đã đến nhà để gặp trực tiếp cháu để tìm hiểu chia sẻ tâm tư. Cháu nói không thích đi học, học cũng không giỏi nên thấy chán. Tuy nhiên, sau khi được các bác động viên, cháu đã ổn định tư tưởng để đến trường.
Gần đây nhất là trường hợp cháu Hoàng Viết Nam, xóm 1 xã Nam Trung, huyện Nam Đàn. Bố cháu mất sớm, mẹ cháu hiện lại đang mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình vất vả, có thời gian cháu nghỉ học liên tục và có ý định nghỉ học hẳn.
Biết được hoàn cảnh này, hội phụ huynh đã đến nhà động viên, thăm hỏi cháu cố gắng vượt qua. Vì muốn có thời gian chăm sóc mẹ, lo toan việc nhà nên Nam xin nhà trường nghỉ và bảo lưu kết quả học tập. Năm học này, cháu đã quay trở lại trường học, hiện đang đi học bình thường.
Ngoài ra, những dịp lễ, tết, hội phụ huynh đều có phần thưởng cho học sinh giỏi, học sinh ngoan, có nghị lực vươn lên hoàn cảnh. Nguồn kinh phí cho các hoạt động này lấy từ quỹ hội. “Về quỹ hội, chúng tôi làm theo hướng dẫn của Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thống nhất các khoản thu theo thỏa thuận của phụ huynh học sinh.
Đồng thời việc chi dùng cho các hoạt động chúng tôi đều giải trình rõ ràng, tất cả mục đích đều vì học sinh nên mọi người đồng tình, nhất trí cao và ghi nhận những hoạt động tích cực của hội phụ huynh”.
Được biết, học sinh của nhà trường là con em của 5 xã: Khánh Sơn, Nam Kim, Nam Cường, Nam Trung, Nam Phúc… đều là vùng lụt và đời sống người dân khó khăn. Tuy nhiên, hoạt động của nhà trường luôn quy củ, nền nếp và ngày càng có chất lượng cao, trong đó có sự đóng góp ủng hộ và quan tâm của phụ huynh.
Thầy Từ Đức Toàn – GV nhiều năm làm công tác chủ nhiệm tại trường THPT Nam Đàn 2 cũng ghi nhận: Hội phụ huynh của trường nói chung và lớp nói riêng phân công vai trò, nhiệm vụ rất rõ ràng. Cùng với giáo viên nắm bắt tình hình học lực cũng như đạo đức, rèn luyện và cảm tâm lý của học sinh.
Cần tăng cường rõ vai trò hội
Sự phối hợp giữa nhà trường và hội phụ huynh nhằm chăm lo tốt nhất cho học sinh |
Tuy nhiên hiện nay, dư luận xã hội có một số ý kiến cho rằng hội phụ huynh không thể hiện rõ vai trò của mình, mà chủ yếu là “lá chắn” thu tiền hộ nhà trường, là “cánh tay nối dài của ban giám hiệu để lạm thu”. Thậm chí, còn có đề xuất “bỏ hội phụ huynh”.
Chị Hồ Thu H. (phụ huynh tại TP Vinh chia sẻ: Đầu năm đi họp phụ huynh chủ yếu là để nghe thông báo nộp tiền học, các loại quỹ. Tôi thấy mức đóng góp ở trường con tôi không quá cao, nhưng hội phụ huynh lâu nay như là “lá chắn” cho nhà trường để thu thêm những khoản khác.
Đơn giản như đầu năm đã đóng tiền xã hội hóa, mục đích sửa sang tăng cường cơ sở vật chất trường lớp. Nhưng giữa năm, lớp học có viên gạch vỡ, cửa kính bị gió đập hỏng lại thu tiền phụ huynh để thay mới, trong khi theo tôi đây là việc nhà trường phải đứng ra làm.
Tôi thấy ý kiến bỏ hội phụ huynh là ý kiến cực đoan, bởi có hội để có sự liên kết giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục con em. Tôi ủng hộ việc đóng quỹ để lắp điều hòa phòng học cho các cháu, mua quà tri ân thầy cô ngày lễ tết, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Nhưng mức đóng góp nên phù hợp và đặc biệt mục đích thu chi phải rõ ràng, minh bạch và hợp lý.
Thực tế, vai trò của hội phụ huynh rất lớn và còn thể hiện ở nhiều hoạt động khác. Thầy Cao Thanh Bảo – HIệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng cho biết: Hàng năm, trường đều tổ chức họp phụ huynh rất sớm. Ngoài việc thông báo các khoản đóng góp và vận động xã hội hóa, thì một trong những nội dung quan trọng là lấy ý kiến, thống nhất việc dạy và học của nhà trường.
Giáo dục đang thực hiện nhiều đối mới, và phụ huynh cũng cần phải biết, hiểu, yên tâm về mặt tư tưởng. Ví dụ, trước mỗi thay đổi, điều chỉnh về chương trình học hoặc quy chế thi cử, nhà trường đều phải nắm bắt thông tin chính xác và chính thống nhất từ Bộ GD&ĐT, rồi truyền tải cho phụ huynh. Hoặc công tác tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh THPT thì phụ huynh cũng là nhân tố quan trọng.
Như vậy để nói hội phụ huynh không thể thiếu được để trở thành một phía, một bên và đồng hành với nhà trường trong chăm lo, giáo dục học sinh. Ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cũng khẳng định không thể xóa bỏ hội cha mẹ học sinh tại các trường học, cơ sở giáo dục.
“Tuy nhiên, để hoạt động của hội được hiệu quả hơn nữa, thì các nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất công khai rõ ràng các khoản chi tiêu trong năm. Những khoản kinh phí không nằm trong danh mục thu của bộ GD&ĐT phải trên tinh thần đồng thuận, tự nguyện của phụ huynh, không đóng tiền cho các khoản chi không thật sự cần thiết... tránh xảy ra những bức xúc trong phụ huynh.
Đặc biệt, tăng cường phối hợp với nhà trường trong các hoạt động giáo dục, khuyến học, giúp đỡ học sinh khó khăn, bảo vệ quyền lợi học sinh, tuyên truyền phổ biến pháp luật. Khuyến khích phụ huynh đóng góp ý kiến với giáo viên, nhà trường về các chính sách, đổi mới dạy và học nhằm để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục tỉnh nhà”, ông Hoàn nói.