Với diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid–19 trên địa bàn, lần đầu tiên, phụ huynh thay giáo viên làm “giám thị” trong điều kiện HS tạm dừng đến trường.
Khẩn trương, linh hoạt và cẩn trọng
Sáng 12/5, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) khẩn trương làm thủ tục bàn giao cơ sở vật chất cho quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng trưng dụng làm điểm cách ly tập trung F1. Đồng thời, hoàn tất khâu in sao bài kiểm tra các môn, đóng gói theo danh sách từng HS để chuyển cho GV chủ nhiệm.
Cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do phụ huynh không thể đến trường nhận bài kiểm tra được nên nhà trường ủy quyền cho GV chủ nhiệm các lớp thảo luận với phụ huynh về cách thức giao nhận bài. Trên tinh thần tạo điều kiện cho phụ huynh, đề bài cũng như bài làm của HS có thể được chuyển qua email, Zalo hoặc phụ huynh nhận trực tiếp từ GV.
Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức thực tập phương án 1 cho phụ huynh nhận đề và nộp bài kiểm tra tại trường theo Thông điệp 5K. Cụ thể, phụ huynh vào cổng chính, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đến vị trí bàn của lớp con mình lấy đề kiểm tra trong thùng giấy, đọc to tên con để GV chủ nhiệm đánh chéo vào danh sách lớp. Mỗi lớp sẽ nhận đề theo khung giờ quy định để tránh tập trung đông người. Còn phương án 2, trường sẽ gửi đề kiểm tra qua mạng xã hội cho những HS không thể nhận đề trực tiếp.
Với khối Một và Hai, phân môn tiếng Việt đọc tiếng, mỗi trường có cách thực hiện khác nhau, tùy theo điều kiện của phụ huynh. Trường Tiểu học Ngô Gia Tự không thực hiện kiểm tra đại trà phần này. Theo cô Bình, nhà trường thống nhất với GV chủ nhiệm lên danh sách những HS đọc chậm, chưa đạt để kiểm tra. Hình thức kiểm tra sẽ nhẹ nhàng.
Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu) nhờ phụ huynh cho HS đọc bài theo yêu cầu, quay video gửi GV chủ nhiệm lớp. Hình thức gửi do GV thống nhất với phụ huynh.
Nếu gia đình học sinh thuộc diện F0, F1, F2 và vùng cách ly y tế, phụ huynh liên hệ trực tiếp với GV chủ nhiệm để có hình thức khác gửi bài kiểm tra.
Nêu cao tinh thần tự giác, trách nhiệm
Ông Trần Nguyễn Minh Thành - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Các trường, GV chủ nhiệm phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ đến phụ huynh và HS về quy định đánh giá HS tiểu học để phụ huynh và HS hiểu rõ, nghiêm túc thực hiện.
Cô Bình cũng chia sẻ: Nhà trường và GV chủ nhiệm, qua các kênh thông tin, đều phải tuyên truyền, động viên phụ huynh cùng hỗ trợ, mong phụ huynh thực hiện tốt vai trò làm “giám thị” thay cho thầy cô giáo trong quá trình con làm bài kiểm tra.
Trong đó, nhà trường rất mong phụ huynh hợp tác tốt để không có tình trạng bất thường xảy ra để sau đó phải tổ chức kiểm tra, đánh giá lại bất cứ một HS nào. Tình trạng bất thường tức là có sự chênh lệch giữa kết quả bài kiểm tra đánh giá định kỳ và đánh giá thường xuyên. Nếu HS có mức học trung bình, khá mà bài kiểm tra cuối năm lại được 10 điểm thì buộc phải kiểm tra lại.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành thì cho rằng, đây cũng là cơ hội để hình thành cộng đồng học tập khi phụ huynh thực sự tham gia vào quá trình đánh giá, nhận xét HS.
Trước ý kiến lo ngại phụ huynh sẽ tác động đến quá trình làm bài kiểm tra của HS tại nhà, anh Nguyễn Đình Hòa – phụ huynh HS Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hải Châu) chia sẻ: Trong điều kiện này, Sở GD&ĐT Đà Nẵng chọn giải pháp HS tiểu học hoàn thành bài kiểm tra cuối năm tại nhà là chấp nhận được. Nếu HS có “lọt” khâu cuối cùng vì có sự hỗ trợ của phụ huynh cũng là số ít. GV chủ nhiệm và nhà trường phải nắm được danh sách những em này để có biện pháp hỗ trợ, giáo dục phù hợp trong năm học mới.