Giảm nghèo bền vững ở huyện biên giới Vị Xuyên

GD&TĐ- Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện biên giới Vị Xuyên đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhiều hộ dân tại Vị Xuyên thoát nghèo từ chương trình cải tạo vườn tạp. Ảnh: Thu Biên
Nhiều hộ dân tại Vị Xuyên thoát nghèo từ chương trình cải tạo vườn tạp. Ảnh: Thu Biên

Đa dạng giải pháp

Vị Xuyên là huyện biên giới, có tổng chiều dài đường biên 31,252 km, với 44 cột mốc quốc giới, nằm trên địa bàn 5 xã gồm: Minh Tân, Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải và Lao Chải. Huyện có 19 dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83,91% dân số toàn huyện, trong đó, dân tộc Tày chiếm 42,22%, dân tộc Dao chiếm 27,25%, dân tộc Mông chiếm 16,04%, dân tộc Nùng 8,29%.

Đồng bào chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên đời sống còn nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, huyện Vị Xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG từ huyện đến cơ sở; xây dựng kế hoạch chi tiết, thường xuyên giao ban, báo cáo nắm bắt tiến độ, tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án ở cơ sở.

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, thời gian qua cấp ủy, chính quyền huyện chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác giảm nghèo bền vững; nội dung thông tin, tuyên truyền phù hợp, thiết thực; hình thức đa dạng, phong phú để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa chính sách giảm nghèo và khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo.

Đồng thời tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn Chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển dạy nghề, nâng cao dân trí; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Đồng thời, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, vốn vay ưu đãi...

Gia đình ông Nguyễn Văn Uyết là một trong những hộ cận nghèo của thôn Làng Cúng, xã Đạo Đức (Vị Xuyên). Năm 2023 gia đình ông được hỗ trợ 14 triệu 750 nghìn đồng từ chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, cùng với nguồn vốn của gia đình, ông Uyết đã đầu tư mua 1 con trâu sinh sản. Với sự hỗ trợ của nhà nước, cộng với ý chí vươn lên, gia đình anh Uyết phấn đấu cuối năm 2024 sẽ thoát hộ cận nghèo.

Điểm nổi bật trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện đó là huyện đã căn cứ vào đặc điểm tình hình của từng xã, thị trấn để triển khai nội dung giảm nghèo phù hợp với thực tiễn. Chủ động lồng ghép chương trình giảm nghèo với phát triển kinh tế, xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, hỗ trợ về y tế giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các chính sách an sinh xã hội.

Ông Trần Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Ngọc cho hay: Xã được đầu tư tổng nguồn vốn 3 chương trình MTQG là hơn 10 tỷ đồng, riêng nguồn vốn hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là trên 7 tỷ đồng, xã đã tập trung đầu tư vào làm đường bê tông, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa thôn, các dự án sinh kế, phát triển sản xuất cho nhân dân. Qua kiểm tra, giám sát nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, nhân dân rất phấn khởi.

Gia đình ông Nguyễn Văn Uyết được hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Gia đình ông Nguyễn Văn Uyết được hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Giảm nghèo hiệu quảbền vững

Bằng nhiều giải pháp thiết thực hiệu quả, công tác giảm nghèo của huyện Vị Xuyên đã đạt được những kết quả tích cực. Hết năm 2023, huyện duy trì Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế tại 24/24 xã, thị trấn. Huy động xã hội hoá trên gần 3 tỷ đồng xây được 44 nhà ở cho người có công, cựu chiến binh, người nghèo.

Giải quyết việc làm mới cho 3.706 người; mở được 59 lớp đào tạo nghề cho 1.888 học viên; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%. Số hộ nghèo giảm trong năm là 1.703 hộ, tương ứng với tỷ lệ giảm 6,43%, tỷ lệ hộ nghèo còn 22,12%.

Thực hiện tốt công tác xã hội hóa, thu hút nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho địa phương để xây dựng cầu, cơ sở vật chất giáo dục... được gần 30 tỷ đồng.

Hệ thống giao thông được đầu tư mở rộng, nâng cấp; nhà văn hóa bản, khu phố, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, đồng bộ. Những kết quả mà huyện Vị Xuyên đã đạt được trong công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội và thay đổi diện mạo nông thôn.

Điều đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo của huyện là nhiều hộ dân đã nỗ lực vượt khó, vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, vượt lên thoát nghèo.

“Quả ngọt” mà Đảng bộ và nhân dân huyện Vị Xuyên đạt được là động lực tiếp tục thực hiện những mục tiêu mới trong công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bài, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Vị Xuyên: Năm 2024, huyện phấn đấu giảm 1.110 hộ nghèo, cận nghèo tương đương tỷ lệ 4,2%, tương đương với 1.115 hộ, tạo việc làm mới cho 3.550 lao động. Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện tập trung các giải pháp trọng tâm như huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo về sinh kế, việc làm, học nghề, nhà ở, y tế, tiếp cận thông tin, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo trong kế hoạch thoát nghèo năm 2024 được hỗ trợ trực tiếp từ các chương trình, dự án. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức để hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo; nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

Ngoài ra, huyện tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở các xã khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo phát triển kinh tế. MTTQ và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình tương trợ, phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau thoát nghèo. Hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp thoát nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.