Mục tiêu phấn đấu vùng có thu nhập trung bình cao
Dự hội nghị có ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT; bà Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Theo Quy hoạch được Thủ tướng ký phê duyệt ngày 4/5/2024, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền của 14 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.
Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng có thu nhập trung bình cao, một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước, tiệm cận với ngưỡng thu nhập cao.
Đến năm 2050, vùng trung du và miền núi phía Bắc sẽ là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7,5-8%/năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.000-18.000 USD.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 3. |
Vùng trung du và miền núi phía Bắc được tổ chức thành 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế, 3 vành đai phát triển và 1 khu động lực.
Vùng sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối với Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và với Trung Quốc, Lào nhằm tháo gỡ một trong những nút thắt phát triển lớn nhất là năng lực kết nối giao thông, bao gồm cả trục dọc và trục ngang.
Về phương hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp, Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng Thái Nguyên, Lào Cai trở thành trung tâm luyện kim; Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang trở thành trung tâm cơ khí, điện tử có trình độ cao; Bắc Giang trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ; các sản phẩm hoá chất cơ bản, hoá dược chủ yếu tập trung tại Phú Thọ, Lào Cai và Bắc Giang.
Về nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô thích hợp gắn với chế biến, thị trường trong và ngoài nước; đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chế biến chè trong khi Lai Châu trở thành trung tâm chế biến mắc ca.
Phát triển vùng cây ăn quả, cây đặc sản chủ yếu tại Sơn La, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hoà Bình, Phú Thọ; vùng quế, hồi chủ yếu tại Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai và Cao Bằng.
Vùng trồng rau màu, hoa ôn đới chất lượng cao tập trung tại các địa bàn có điều kiện, khí hậu đặc thù như Lào Cai, Sơn La và Lai Châu; xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của khu vực Tây Bắc.
Tại Hội nghị đã công bố Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sơ kết báo cáo 1 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị; tham vấn cơ chế, chính sách đặc thù vùng trung du và miền núi phía Bắc và Kế hoạch điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc năm 2024.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 3. |
Quy hoạch vùng có ý nghĩa quan trọng
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, công tác quy hoạch, thể chế điều phối Vùng, triển khai các dự án quan trọng của Vùng đã được thực hiện tích cực; chuyển đổi mô hình kinh tế bước đầu đạt được kết quả; các nhiệm vụ về xây dựng các đề án, chính sách phát triển Vùng đang từng bước triển khai, nhưng còn chưa đạt so với tiến độ đề ra.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy các động lực phát triển kinh tế, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng, phát triển nguồn nhân lực là những vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, phát triển.
Một số chỉ tiêu nổi bật có thể kể đến như tăng trưởng GRDP của Vùng năm 2023 đạt 6,53%, cao hơn so với 5 vùng còn lại và bình quân cả nước; đặc biệt là Bắc Giang, cao nhất cả nước với mức tăng 13,5%, một số địa phương có mức tăng khá như Tuyên Quang (7,46%), Phú Thọ (7,45%)...
Quy hoạch vùng có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, có sự bứt phá hướng đến việc chủ động kiến tạo để phát triển, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.
Quy hoạch vùng nhấn mạnh 8 chữ: Bản sắc - Sinh thái - Liên kết - Hạnh phúc để thể hiện nội dung của Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham luận tại hội nghị, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị Hội đồng điều phối vùng xem xét, rà soát, điều chỉnh bổ sung Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước theo hướng tăng điểm tiêu chí, tăng nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho Vùng trong thời gian tới.
Tăng cường hỗ trợ nguồn vốn ODA cho các địa phương, giảm tỷ lệ vốn vay lại trong tổng nguồn ODA/dự án còn 10%; nâng tỷ lệ dư nợ vay từ ngân sách địa phương theo Điều 7 Luật Ngân sách; tăng tỷ lệ vốn góp Nhà nước tham gia dự án giao thông theo phương thức PPP lên mức 70% tổng mức đầu tư dự án. Xem xét điều chỉnh tỷ lệ điều tiết từ nguồn thu xuất nhập khẩu với các địa phương.
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 3. |
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm ban hành một chính sách chung, liên quan đến việc cấp chứng chỉ carbon, để các địa phương thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Có chính sách ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án về giao thông liên vùng; có các quy định cụ thể trong việc cho thuê tài sản công trong lĩnh văn hóa, thể thao.
Hội đồng điều phối vùng nghiên cứu xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể trong việc tổ chức sản xuất giữa các tỉnh trong vùng.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao với những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu dự hội nghị.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, vấn đề liên kết vùng đã có từ lâu, có ý nghĩa với sự phát triển của các địa phương. Hội nghị công bố Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cách tiếp cận mới, khoa học, bài bản hơn, đã định hướng, chỉ ra mục tiêu để các địa phương cùng phát triển bền vững.
Đối với khu vực trung du và miền núi phía Bắc là khu vực còn nhiều khó khăn, cần rất nhiều nguồn lực, thời gian, giải pháp đặc thù để phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện các đề án, kế hoạch, văn bản đã, đang triển khai, tạo thuận lợi cho việc thực thi.
Đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, nhất là công tác giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng giao thông.
Các địa phương cũng cần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác triệt để chuyển đổi số, đặc biệt là Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Với những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo Bộ KH&ĐT và các địa phương, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ xem xét căn cứ trong điều kiện các quy định đã ban hành và có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Trung ương vì sự phát triển chung của Vùng và của từng địa phương.
Toàn bộ hồ sơ Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chuyển giao cho các địa phương và được thông tin công khai tại Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch - Bộ KH&ĐT.