Hà Giang phát huy nội lực để giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Hà Giang đã nỗ lực triển khai các chính sách để người dân vươn lên thoát nghèo.

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hộ nghèo huyện Yên Minh (Hà Giang) phát triển chăn nuôi. Ảnh: Phạm Hoan
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hộ nghèo huyện Yên Minh (Hà Giang) phát triển chăn nuôi. Ảnh: Phạm Hoan

Vừa tiếp sức, vừa khơi dậy

Hà Giang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nguyên nhân nghèo đa chiều chủ yếu do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; không có lao động, công cụ, phương tiện, kiến thức về sản xuất. Đồng thời, các hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Từ thực tế trên, những năm qua, công tác giảm nghèo đa chiều luôn được Hà Giang xác định là nhiệm vụ quan trọng, được đặt trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh cũng như ở các địa phương.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đó là đã từng bước tạo được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên nhiều chỉ tiêu giảm nghèo đạt khá so với mục tiêu, kế hoạch.

Các ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến cơ sở để người lao động nắm bắt được thông tin giới thiệu việc làm, tham gia học nghề, đào tạo nghề theo nhu cầu, điều kiện của xã, xóm, thế mạnh sản xuất địa phương.

Hà Giang cũng đã có các kế hoạch nhằm hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất nâng cao thu nhập; nhân rộng mô hình giảm nghèo; thực hiện công tác khuyến công, khuyến nông; thực hiện các chính sách xã hội; thực hiện các chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; công tác quản lý, điều tra rà soát hộ nghèo; xã hội hóa công tác giảm nghèo.

Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Thực hiện đồng loạt các giải pháp, năm 2023, Hà Giang đã giải ngân trên 450 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư phát triển, đạt 92,63% kế hoạch.

Với những nỗ lực trên, số hộ nghèo đa chiều trên địa bản tỉnh Hà Giang đã giảm xuống còn 81.451 hộ, chiếm 42,61% tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 13.276 hộ, giảm 7,34% so với năm 2022.

Trong đó, số hộ nghèo là 59.496 hộ, chiếm 31,12% tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 10.822 hộ, giảm 5,96% so với năm 2022; số hộ cận nghèo 22.955, chiếm 11,49% tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 2.454 hộ, giảm 1,38% so với năm 2022.

Nông dân huyện Vị Xuyên (Hà Giang) có thu nhập cao từ trồng cây lá giang. Ảnh: Thu Biên

Nông dân huyện Vị Xuyên (Hà Giang) có thu nhập cao từ trồng cây lá giang. Ảnh: Thu Biên

Quyết tâm giảm hộ nghèo đa chiều

Năm 2024, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang được bố trí hơn 1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là trên 974 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 29 tỷ đồng. Vốn đầu tư phát triển gần 500 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 500 tỷ đồng.

Trên cơ sở nguồn vốn được bố trí, ngay từ đầu năm Hà Giang đã triển khai đồng loạt các giải pháp, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 4% tương ứng với giảm khoảng 7.821 hộ nghèo đa chiều. Các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%, hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới.

UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành phối hợp với địa phương thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án và hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, gồm: Dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế xã hội các huyện nghèo; hỗ trợ huyện Quản Bạ và Bắc Mê thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, giáo dục, việc làm, nhà ở, truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

Tập trung giải quyết việc làm cho 18.000 lao động, trong đó đi làm việc nước ngoài và các tỉnh trong nước 10.500 người; phấn đấu 100% lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ Bảo hiểm y tế. Bảo đảm tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt trên 98%.

Đồng thời, giáo dục nghề nghiệp cho 10.500 lao động, phấn đấu cuối năm 2024 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%.

Hỗ trợ nhà ở cho 4.184 hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về nhà ở trên địa bàn 7 huyện nghèo; trong đó, xây mới 3.004 hộ, sửa chữa 1.180 hộ. Phấn đấu 88% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 50% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh cuối năm 2024 đạt 94,8%.

Phấn đấu 85% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet...

Giám đốc Sở Lao động - TB&XH Hà Giang Sùng Đại Hùng cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện các chính sách giảm nghèo và triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Trong quá trình thực hiện các chương trình giảm nghèo, tỉnh chú trọng giảm chương trình hỗ trợ trực tiếp, cho không; ban hành các chính sách hỗ trợ có điều kiện để thay đổi tư duy, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của người nghèo để hướng tới xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn, góp phần đưa Hà Giang sớm trở thành tỉnh phát triển khá của vùng.

Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm trở lên. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên, hạn chế tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ