'Trái ngọt' trên hành trình giảm nghèo ở Vĩnh Phúc

GD&TĐ - Giảm nghèo bền vững là mục tiêu ưu tiên trong chương trình phát triển KTXH của tỉnh Vĩnh Phúc, từ đó nhiều hộ nghèo đã vươn lên ổn định cuộc sống.

Nhiều mô hình nông nghiệp mới giúp nông dân Yên Lạc có thu nhập khá. Ảnh: Trần Biển
Nhiều mô hình nông nghiệp mới giúp nông dân Yên Lạc có thu nhập khá. Ảnh: Trần Biển

Kết quả vượt chỉ tiêu đề ra

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều theo chuẩn mới còn dưới 1%.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án, tạo điều kiện giúp hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023, hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ còn 2.094 hộ nghèo đa chiều, chiếm 0,61% tổng số hộ dân trên toàn tỉnh, giảm 0,38% so với cuối năm 2022.

Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo khu vực thành thị giảm còn 0,49%, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 1,66%.

Tất cả 9/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.

Số hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo còn 1.370 hộ, chiếm 65,3% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Vũ Anh Nam, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã vượt trước 3 năm so với mục tiêu đặt ra về giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 là đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều Vĩnh Phúc dưới 1,0%. Dự kiến đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm về mức dưới 2,5% trong tổng số hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, thất nghiệp ở thành thị vẫn diễn ra.

Người dân ở vùng dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; trong khi nguồn lực để thực hiện chính sách giảm nghèo hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách tỉnh.

Việc đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành vùng sản xuất tập trung... vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, không ít người nghèo vẫn mang tâm lý trông chờ, ỷ lại vào những chính sách ưu đãi của nhà nước, chưa thực sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, Vĩnh Phúc đã nỗ lực đoàn kết các tầng lớp nhân dân cùng tham gia giúp đỡ người nghèo. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã đứng ra hỗ trợ người nghèo xây nhà, hỗ trợ tiền học phí, đỡ đầu trẻ mồ côi, nâng bước học sinh nghèo tới trường… Nhiều hộ nghèo của tỉnh đã được hỗ trợ tiền điện, dịch vụ viễn thông.

Hỗ trợ người nghèo ở Vĩnh Phúc không chỉ được thể hiện ở việc vận động nguồn lực xây dựng nhà, tặng quà vào các dịp lễ, Tết, tặng thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí, đỡ đầu trẻ mồ côi… mà còn được thực hiện qua nhiều chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập cho họ.

Trong năm, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc đã tổ chức 60 lớp tập huấn, tuyên truyền về các chính sách, quy định và nội dung hỗ trợ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cho 6.000 hộ nông dân, trong đó có 2.316 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại 60 xã, phường, thị trấn.

Nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Nguyễn Thị Sơn ở xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Dương Chung

Nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Nguyễn Thị Sơn ở xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Dương Chung

Duy trì thành quả, tạo bứt phá mới

Huyện Yên Lạc là một trong những địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững gắn với an sinh xã hội.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiều hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng các chính sách, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, cộng đồng, xã hội đã vươn lên thoát nghèo.

Nếu như năm 2021, số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 720 hộ, chiếm 1,6% thì đến cuối năm 2023 giảm xuống chỉ còn 258 hộ, chiếm 0,56%. Hộ cận nghèo là 1.196 hộ, chiếm 2,66%; đến cuối năm 2023 còn 650 hộ, chiếm 1,44%.

Về tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh, 15/15 xã có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 0,65%, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao; 2/2 thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 0,49%, đạt tiêu chí đô thị văn minh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Nguyễn Lê Huy cho biết: Giai đoạn 2020 - 2023, toàn huyện đã cho vay vốn ưu đãi trên 4.670 lượt hộ nghèo và cận nghèo với số tiền hơn 215 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, hỗ trợ khoảng 400 học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tiền ăn trưa với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 1.275 học sinh với số tiền hơn trên 1,4 tỷ đồng; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 81 của Chính phủ cho 327 lượt học sinh với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.

Huyện Yên Lạc phấn đấu đến năm 2025, 97% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên; mỗi năm có từ 2.500 - 3.000 lao động có việc làm mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn dưới 0,5%, hộ cận nghèo còn 1,2% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2020-2025.

Có thể khẳng định, những kết quả giảm nghèo tại Vĩnh Phúc chính là nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ và quyết tâm thoát nghèo của người dân. Qua đó cho thấy, các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội của Trung ương, của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Năm 2024, Vĩnh Phúc phấn đấu giảm khoảng 400 - 500 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh tiếp tục giảm xuống còn 0,48%. Toàn tỉnh có 270 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.

Để đạt mục tiêu này cũng như khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác giảm nghèo, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp.

Trong đó, đi đôi với việc khuyến khích ý chí, quyết tâm vượt nghèo của người dân, thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội gắn với cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong công tác giảm nghèo.

Đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở giúp người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; huy động các nguồn lực của xã hội để giảm nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Thu lời từ di sản

GD&TĐ - Mới đây, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công bố 6 tháng đầu năm tổng số khách quốc tế tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019...

Ảnh minh họa ITN.

Bước đi cần thiết

GD&TĐ - Tiền lương là vấn đề mà hàng triệu GV cả nước quan tâm, bởi đây là nhu cầu chính đáng tạo động lực để họ toàn tâm cho sự nghiệp “trồng người”.