Giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần gia đình hội viên, phụ nữ. Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Tĩnh đã tích cực chỉ đạo và cùng với các cấp Hội tập trung nguồn lực, đề ra nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả trong việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ nói chung, phụ nữ thuộc diện hộ nghèo nói riêng nổ lực vươn lên thoát nghèo theo hướng bền vững; qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.
Bà Phạm Thị Thu Hương - Trưởng Ban Kinh tế Gia đình xã hội Hội LHPN Hà Tĩnh cho biết, trong những năm qua, Hội LHPN Hà Tĩnh đã kiên trì thực hiện tôn chỉ, mục đích thông qua nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động, chương trình và nhiệm vụ của Hội nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tầng lớp phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đặc biệt, năm 2022 để góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, bình đẳng giới; các cấp Hội phụ nữ Hà Tĩnh đã tập trung vào giải pháp trọng tâm, tăng cường phối hợp, huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án giúp phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững góp phần thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.
Hội LHPN các cấp đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành liên quan, lồng ghép các chương trình, dự án, triển khai nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực như hỗ trợ mô hình sinh kế, vốn vay, các hoạt động đào tạo nghề, tập huấn nâng cao kiến thức nhằm tạo việc làm ngay tại địa phương, phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Từ đầu năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tiến hành rà soát, thống kê số lượng hộ phụ nữ nghèo và hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, xác định nguyên nhân để có giải pháp giúp đỡ cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ và điều kiện của tổ chức Hội. Trong đó chú trọng phát huy tinh thần tương thân tương ái, nội lực của chị em, quyên góp, hỗ trợ phụ nữ như: Giúp nhau cây, con giống, ngày công, xây dựng quỹ mái ấm tình thương từ các mô hình nuôi lợn tiết kiệm, ngôi nhà xanh…
Cán bộ Hội LHPN Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế do Hội hỗ trợ. (Ảnh: CTV). |
Tập trung xây dựng các Chương trình, Đề án kêu gọi, kết nối các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Tổ chức Đông Tây Hội ngộ, Bánh mì cho thế giới, Cosdomor (Pháp), Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ tín dụng vệ sinh quay vòng (ADB), Công ty INTRACO); đồng thời kêu gọi sự chung tay ủng hộ của cộng đồng thông qua các chương trình, sự kiện quy mô cấp tỉnh (Chương trình trực tiếp “Mẹ đỡ đầu và Triệu phần quà san sẻ yêu thương”)...
Hướng dẫn hỗ trợ phụ nữ nghèo, cận nghèo, nữ chủ hộ có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng khác như: Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh...
Song song với các hoạt động giúp phụ nữ nghèo, các cấp Hội tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ đổi mới tư duy, phát triển kinh tế hộ gia đình hướng đến liên kết; xây dựng, đăng kí các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap/OCOP…
Gắn với thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã xây dựng Đề án và ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ hướng đến liên kết trong sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2022-2026 và những năm tiếp theo”.
Hội LHPN tỉnh đã chủ trì tổ chức 13 cuộc Hội thảo đánh giá thực trạng, khảo sát nhu cầu phát triển kinh tế hộ tại 13/13 huyện, thành phố, thị xã. Theo đó, các cấp Hội đã tổ chức 441 lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, chuyển giao KHCN, 37 lớp đào tạo nghề; hỗ trợ, hướng dẫn 21 sản phẩm do phụ nữ làm chủ đăng kí sản phẩm đạt Ocop; vận động thành lập 2 Hợp tác xã, 49 Tổ hợp tác; 03 Câu lạc bộ "Nữ khởi nghiệp", “Nữ doanh nhân”.
Đặc biệt, Hội LHPN Hà Tĩnh đã tổ chức thành công chuỗi hoạt động Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2022 với các hoạt động tiêu biểu: Cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp”; trưng bày, giới thiệu 150 sản phẩm do phụ nữ làm chủ; phối hợp với Hiệp Hội nữ doanh nhân Hà Tĩnh tổ chức Gala dinner “Vượt qua giông bão”.
Kết quả thiết thực
“Bằng nhiều cách làm hiệu quả, năm 2022 đã có trên 3000 hộ nghèo, cận nghèo được các cấp Hội phụ nữ giúp đỡ bằng nhiều hình thức: Hỗ trợ xây mới 42 mái ấm tình thương, 1.542 mô hình sinh bò, gà; tặng 22.140 suất quà; huy động trên 99 tỷ đồng từ các nguồn cho các hộ khó khăn vay với lãi suất ưu đãi; 69 hộ nghèo, cận nghèo tham gia các tổ hợp tác phát triển sản xuất, chăn nuôi; đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo nhà vệ sinh đạt chuẩn bộ Y tế với số tiền trên 2,3 tỷ đồng.
Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh kêu gọi, kết nối với Công ty INTRACO hỗ trợ Chương trình “Phân phối miễn phí Bếp đun tiết kiệm năng lượng và Bình lọc nước” trao tặng 96.470 bếp đun tiết kiệm năng lượng, 12.150 bình lọc nước, 255.000 bóng đèn tiết kiệm điện miễn phí trị giá trên 45 tỷ đồng cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khó khăn”, bà Hương nói.
Theo bà Hương, để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, bình đẳng giới thực chất vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết: Trình độ, nhận thức của các hộ nghèo còn hạn chế, chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế; đối với hộ nghèo thuộc vào đối tượng già cả, đơn thân, tàn tật không có khả năng lao động việc giúp thoát nghèo là rất khó khăn; ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, rủi ro dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao; chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp, tính ổn định, tính bền vững không cao; định kiến giới và công việc gia đình vẫn là gánh nặng đối với phụ nữ, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp của phụ nữ...
Các cấp hội thường xuyên tập huấn cho các hội viên. (Ảnh: CTV). |
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Hội LHPN Hà Tĩnh đã tham mưu, định hướng kế hoạch cụ thể trong thời gian tới.
Theo đó, Hội LHPN Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và lao động nữ nói riêng; đi cùng với đào tạo nghề là hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp chị em tạo được việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao hiệu quả sau khi học nghề.
Có các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ khởi sự doanh nghiệp thông qua các hoạt động như cho mượn địa điểm, giúp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, cho vay vốn ưu đãi. Nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp cho lao động nữ vào thời gian nông nhàn.
Tăng cường phối hợp kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nữ trong thực hiện các chính sách về việc làm, đào tạo nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động ở các doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng, quan tâm đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và khu vực nông thôn. Phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ Hội LHPN thực hiện có hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.