Cây trồng chủ lực góp phần giảm nghèo cho nông dân Đại Từ

GD&TĐ - Cây chè đã trở thành điểm tựa cho công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Cây trồng chủ lực góp phần giảm nghèo cho nông dân Đại Từ.
Cây trồng chủ lực góp phần giảm nghèo cho nông dân Đại Từ.

Hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống

Xác định cây chè sẽ mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở địa phương, giúp bà con thoát nghèo bền vững, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay, đào tạo nhân lực, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Cây chè đã, đang và sẽ trở thành cây trồng chủ lực góp phần giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở huyện miền núi này.

Là 1 trong 72 hộ nghèo của xã Tân Linh được nhận phân bón thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chị Trần Thị Liên, Xóm 10, xã Tân Linh cho biết, nhận thấy cây chè rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi dần những diện tích đất đồi trồng cây kém hiệu quả sang trồng chè tập trung.

Cây chè đã giúp người dân xã Tân Linh ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Cây chè đã giúp người dân xã Tân Linh ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Năm 2023, được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình chị nhận được hơn 1 tấn phân bón và được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc, cây chè của gia đình phát triển rất tốt.

Đến nay, mỗi lứa thu được trên 5 tạ chè búp tươi. Từ trồng chè, mỗi năm gia đình chị có nguồn thu nhập tốt hơn, cuộc sống của gia đình đã dần ổn định, từng bước thoát nghèo.

Bà Lê Thị Súng, ở xóm 10, xã Tân Linh, huyện Đại Từ chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hơn 4 sào chè, mỗi lứa thu được từ 3,5 tạ chè, bán với giá khoảng 23.000 đồng/kg chè tươi. Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình tôi được hỗ trợ 8,5 tạ phân bón, qua đó giúp cho cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất và sản lượng chè tăng, số lứa hái chè đạt bình quân 8-9 lứa/năm, áp dụng vào sản xuất chè vụ đông có giá trị kinh tế cao, giá bán sản phẩm chè tăng trung bình từ 20.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg chè búp tươi, sản xuất chè đông có thể đạt tới 40.000 - 60.000 đồng/kg chè búp tươi, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định hơn”.

Đến nay, toàn xã Tân Linh có gần 600ha chè cho sản lượng 135 tạ/ha/năm. Từ trồng chè, thu nhập của bà con được nâng lên, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, ngô, nhiều gia đình có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm.

Với hướng đi đúng đắn, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, làm thay đổi diện mạo nông thôn, mở ra cơ hội thoát nghèo, góp phần ổn định sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tạo động lực giảm nghèo bền vững

Trao đổi với PV về hiệu quả của cây chè, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch xã Tân Linh (Đại Từ) cho biết, những năm qua, được sự hỗ trợ của UBND huyện, xã Tân Linh đã tập trung lãnh, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó xác định cây chè là cây trồng xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để nâng cao chất lượng cây chè, xã thường xuyên chủ động tập huấn khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống; gắn Chương trình Mục tiêu quốc gia với phát triển cây chè cho năng suất chất lượng, đầu tư cơ sở hạ tầng như: Đường, hệ thống tưới chè…

Dự án "Hỗ trợ phân bón hữu cơ sinh học phục vụ phát triển sản xuất chè theo hướng hữu cơ" trên địa bàn xã Tân Linh năm 2023 thực hiện với tổng kinh phí thực hiện Dự án hơn 1,1 tỷ đồng.
Dự án "Hỗ trợ phân bón hữu cơ sinh học phục vụ phát triển sản xuất chè theo hướng hữu cơ" trên địa bàn xã Tân Linh năm 2023 thực hiện với tổng kinh phí thực hiện Dự án hơn 1,1 tỷ đồng.

Đáng chú ý, xã cũng khuyến khích các hộ dân tăng cường liên doanh, liên kết nhằm nâng cao chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Trên địa bàn xã hiện có 5 làng nghề chè (1 làng nghề chè truyền thống, 4 làng nghề chè), 2 HTX, 22 tổ hợp tác, 2 vùng sản xuất chè tập trung.

Các mô hình sản xuất đã tạo sự nhận thức, chuyển biến tích cực của người dân từ việc canh tác, sản xuất, kinh doanh theo lối truyền thống sang áp dụng khoa học kỹ thuật; gắn sản xuất kinh doanh với bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và có tính thị trường, tăng cao thu nhập, định hướng phát triển bền vững.

Những thành công trong phát triển sản xuất nông nghiệp đang tạo động lực trong quá trình xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã Tân Linh đã giảm từ 7,1% năm 2023 xuống còn 4,4% năm 2024, hộ cận nghèo giảm từ 7,54% xuống còn 5,4%.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của nông nghiệp trong xóa đói, giảm nghèo, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, UBND xã sẽ tiếp tục thực hiện nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch phát triển cây chè, vùng chè trên địa bàn; ứng dụng khoa học - công nghệ - tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm chè cho giá trị cao, nhân rộng mô hình tổ hợp tác, HTX, vùng chè sản xuất an toàn chất lượng cao, Làng nghề chè phát triển hiệu quả bền vững, gắn quảng bá vùng chè với định hướng phát triển du lịch cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cung cấp Cây bàng đài loan Giá rẻ