Các chương trình giảm nghèo đã và đang mang lại hiệu quả cao

GD&TĐ - Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã được các cấp, ngành tỉnh Thái Nguyên tích cực triển khai và mang lại hiệu quả cao.

Các chương trình giảm nghèo đã và đang mang lại hiệu quả cao.
Các chương trình giảm nghèo đã và đang mang lại hiệu quả cao.

Các chương trình MTQG về giảm nghèo được triển khai quyết liệt, đồng bộ

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, được thể hiện rõ trong Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là một trong những nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, được các cấp ngành tỉnh Thái Nguyên triển khai quyết liệt, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền xuôi và miền ngược.

Các chính sách về giảm nghèo đã được tỉnh Thái Nguyên cụ thể hóa bằng nhiều hình thức, các chương trình như: 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số; trợ cấp xã hội cho học sinh vùng khó khăn; hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo việc làm mới cho lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh Thái Nguyên cũng chú trọng công tác hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp người dân, đặc biệt là người nghèo nâng cao năng lực, từ đó xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Theo số liệu thống kê, năm 2023 số hộ nghèo giảm 1%, giảm 0,4% số hộ cận nghèo và giảm 2% hộ nghèo là dân tộc thiểu số. Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai nhân rộng 20 mô hình sinh kế, hỗ trợ ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động có việc làm bền vững; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng nâng cao về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm;…

Tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên xác định cây chè không chỉ mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân mà còn giúp bà con thoát nghèo bền vững, huyện Đại Từ đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay, đào tạo nhân lực, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Gia đình bà Dương Thị Thuận vô cùng vui mừng và phấn khởi khi được hỗ trợ một ngôi nhà khang trang an toàn.
Gia đình bà Dương Thị Thuận vô cùng vui mừng và phấn khởi khi được hỗ trợ một ngôi nhà khang trang an toàn.

Từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch xã Tân Linh, huyện Đại Từ cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 5 làng nghề chè, gồm 1 làng nghề chè truyền thống, 4 làng nghề chè, 2 HTX, 22 tổ hợp tác, 2 vùng sản xuất chè tập trung.

Những năm qua, được sự hỗ trợ của UBND huyện, xã Tân Linh đã lãnh, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó xác định cây chè là cây trồng xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Các mô hình sản xuất đã tạo chuyển biến tích cực cho người dân từ việc canh tác, sản xuất, kinh doanh theo lối truyền thống sang áp dụng khoa học kỹ thuật; gắn sản xuất kinh doanh với bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và có tính thị trường, tăng cao thu nhập, định hướng phát triển bền vững. Qua đó, góp phần tạo động lực trong quá trình xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã Tân Linh đã giảm từ 7,1% năm 2023 xuống còn 4,4% năm 2024, hộ cận nghèo giảm từ 7,54% xuống còn 5,4%.

Còn tại huyện Phú Lương, song song với công tác đào tạo nghề, triển khai các mô hình trồng trọt chăn nuôi, huyện còn đẩy mạnh công tác xoá nhà dột nát. Bà Dương Thị Thuận, 85 tuổi, là hộ nghèo lâu năm của xóm Làng Huyện, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương trong căn nhà nhỏ mới được Học viện Quân y hỗ trợ xây mới. Bà Thuận chia sẻ: Những năm trước, bà sống cùng một người con bị khuyết tật nặng, sức khỏe yếu trong căn nhà dột nát, xuống cấp trầm trọng. Mỗi khi mưa bão, hai mẹ con bà phải sơ tán để tránh ngập, lụt. Trước hoàn cảnh của bà, năm 2023, Học viện Quân y đã hỗ trợ 80 triệu đồng; các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp cùng gia đình, anh em họ hàng, làng xóm cũng chung sức đóng góp cả tiền và công để ngôi nhà kiên cố được hoàn thành.

Bà Thuận xúc động cho biết: “Được sự giúp đỡ của các cấp, ngành và bà con trong làng, tôi mới có được ngôi nhà khang trang này. Có nhà mới, sức khỏe và tinh thần của tôi được nâng lên rất nhiều, nhất là khi tuổi đã cao. Đây sẽ là động lực giúp tôi ổn định cuộc sống”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.