Giảm lớp, sáp nhập trường - không thể theo cách “cào bằng“

GD&TĐ - Quy hoạch mạng lưới trường lớp cần đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Bởi đây là ngành đặc thù, việc giảm lớp, sáp nhập trường không thể tính toán số học sinh, số giáo viên rồi chia ra số lớp một cách “cào bằng”.

Trường THCS Hồng Long (Nam Đàn) chỉ có 4 lớp, dự kiến sắp tới sẽ sáp nhập vào Trường THCS Tân Dân
Trường THCS Hồng Long (Nam Đàn) chỉ có 4 lớp, dự kiến sắp tới sẽ sáp nhập vào Trường THCS Tân Dân

Biến động quy mô trường lớp

Năm học 2017 – 2018, toàn phường Đông Vĩnh, TP Vinh có 800 học sinh ở bậc THCS nhưng các bậc phụ huynh phải xin cho con em mình đi học ở các phường lân cận. Lý do, từ cách đây 10 năm, Trường THCS Đông Vĩnh đã bị xóa sổ do quy mô học sinh giảm mạnh.

Hiện nay, số học sinh trên địa bàn tỉnh tăng trở lại, chính quyền phường cũng lập tờ trình, xin thành phố cho được mở lại trường THCS trên địa điểm cũ, nhưng chưa được thông qua. Ông Cao Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường cho biết: “Nếu được lập lại trường, phường sẽ chủ động cân đối ngân sách để sửa sang cơ sở vật chất. Tuy nhiên, việc thành lập một ngôi trường còn phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên, mà điều này lại phụ thuộc vào chỉ tiêu biên chế giáo dục của thành phố”.

Tại TP Vinh, tình trạng thiếu trường học cũng xảy ra ở nhiều phường khác như phường Lê Lợi chưa có trường mầm non, phường Hưng Phúc chưa có trường mầm non, tiểu học.

Ở các địa phương khác, quy mô, mạng lưới trường lớp cũng có nhiều tồn tại. Nhiều trường có số lớp rất thấp như Trường THCS Hồng Long (huyện Nam Đàn) có 4 lớp, Trường THCS Cam Lâm (huyện Con Cuông) còn dưới 5 lớp… Dự kiến đến năm 2020 – 2021, số trường THCS có số lớp dưới 8 lớp sẽ còn tiếp tục tăng với 60 trường. Thực trạng này gây lãng phí về cơ sở vật chất, cùng với đó là thừa thiếu giáo viên cục bộ, khó sắp xếp bố trí việc giảng dạy ở các trường.

Hằng năm, UBND tỉnh Nghệ An có điều chỉnh về quy hoạch mạng lưới trường lớp. Đồng thời, cứ 5 năm 1 lần, tỉnh lại quy hoạch tổng thể để có phương án đầu tư xây dựng lại cơ sở vật chất lớp, sắp xếp lại trường lớp, đội ngũ giáo viên. Đây được xem là biện pháp nhằm tập trung cơ sở vật chất, đội ngũ nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, thực tế triển khai thì “quy hoạch” chưa giải quyết được hết bất cập, thậm chí lại nảy sinh thêm những khó khăn mới.

Lớp học có sỹ số 5 em tại điểm Nậm Tột, Tiểu học Tri Lễ 4, Quế Phong, Nghệ An
Lớp học có sỹ số 5 em tại điểm Nậm Tột, Tiểu học Tri Lễ 4, Quế Phong, Nghệ An

Không máy móc trong triển khai

Năm học 2017 - 2018, UBND tỉnh quyết định giảm 213 lớp ở những trường có sĩ số học sinh giảm. Theo dự thảo quy hoạch trường lớp đến năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh sẽ tiếp tục giảm 6 trường tiểu học, 13 trường THCS. Trừ bậc THPT và mầm non khuyến khích tăng hệ thống trường ngoài công lập. Trong 5 năm tới, ngành Giáo dục phải giảm 10% số cán bộ, giáo viên làm việc trong các đơn vị công lập.

Tuy vậy, trên thực tế, thực hiện được chủ trương này là một áp lực lớn đối với nhiều trường và địa phương. Ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghi Lộc nói: “Năm học tới, toàn huyện sẽ tăng hơn 2.000 học sinh tiểu học. Nếu giảm lớp, bắt buộc phải tăng sỹ số học sinh/lớp, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và an toàn cho trẻ.

Bên cạnh đó, việc thành lập trường tư thục rất khó khăn do các xã đều có trường công. Với bài toán lợi ích, giữa học phí công lập và học phí tư thục thì người dân sẽ không chọn cho con đi học ngoài công lập”.

Ông Ngô Quang Long – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu cũng chia sẻ: “Nhiều xã đề xuất xây dựng thêm phòng học ở trường công để đáp ứng nhu cầu học sinh tăng lên, và hỏi Phòng liệu có tham mưu huyện, tỉnh mở thêm lớp được hay không? Chúng tôi không thể trả lời được vì trong quy hoạch không tăng trường lớp công lập, không thêm định biên giáo viên”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lượng Minh (huyện Tương Dương) cho biết: Hiện toàn trường có 9 điểm lẻ, trung bình mỗi điểm từ 25 – 30 học sinh và hầu hết thực hiện học ghép lớp. Trường cũng không tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Việc sáp nhập các điểm trường lẻ là thiết thực. Thế nhưng, các bản cách nhau quá xa, xóa bỏ điểm lẻ sẽ dẫn đến nguy cơ không duy trì được sỹ số học sinh.

Thực tế, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh vẫn đang còn 10 trường tiểu học và 23 trường THCS đã có chủ trương sáp nhập nhưng vẫn chưa triển khai được. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng phản ánh trong thực hiện tinh giản biên chế hiện nay nhiều trường học thực hiện cho giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm một số nhiệm vụ. Từ đó nảy sinh 2 vấn đề:

Thứ nhất, chế độ làm việc, tiền lương như thế nào. Hiện chưa có văn bản nào cụ thể của Sở GD&ĐT và Sở Tài chính, Sở Nội vụ.

Thứ 2, việc sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp cần sự thống nhất của Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT. Bởi đầu năm học này, Sở GD&ĐT đã duyệt kế hoạch trên cơ sở danh sách đã được cân nhắc, tính toán kỹ càng của Phòng GD&ĐT và địa phương. Nhưng sau đó, Sở Nội vụ lại đi thẩm định lại, khiến cho nhiều trường lo lắng, không yên tâm giảng dạy.

Tại buổi làm việc mới đây với Sở GD&ĐT Nghệ An, bàn về công tác quy hoạch mạng lưới trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông yêu cầu hai ngành Nội vụ và Giáo dục cần xây dựng kế hoạch cho sát với thực tế, việc tăng sỹ số tối đa là cần thiết nhưng lưu ý đến các vùng khó khăn, vùng miền núi. Có sự khảo sát kỹ càng và đánh giá lại đội ngũ giáo viên dôi dư. Từ năm học 2019 – 2020, Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng sẽ chính thức được triển khai. Vì thế, quá trình quy hoạch lại mạng lưới trường lớp cũng cần phải tính toán kỹ yếu tố nhân lực, lấy chất lượng giáo dục đặt lên hàng đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.