Chìa khóa mở cửa chất lượng

GD&TĐ - Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã và đang được triển khai ở tất cả các địa phương. Với đặc thù không giống nhau nên mỗi địa phương đã tìm ra các giải pháp cho riêng mình.

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là cú hích cho chất lượng giáo dục.
Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là cú hích cho chất lượng giáo dục.

Hiệu quả nhìn từ đổi mới

Như một số tỉnh vùng cao khác, quá trình Lào Cai tiến hành Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục (giai đoạn 2016 - 2018) cũng gặp những khó khăn.

Lào Cai là tỉnh miền núi có 2/3 cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên trên 70% học sinh vùng cao. Tình trạng người dân bỏ đi khỏi địa phương, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn; đời sống người dân vùng cao còn nghèo… đã ảnh hưởng tới tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, học sinh bỏ học, duy trì phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, việc rà soát mạng lưới trường lớp học vẫn cần tiếp tục; cơ sở vật chất cho các trường chưa đáp ứng hết yêu cầu dạy và học; đội ngũ giáo viên còn thiếu, chất lượng một bộ phận giáo viên chưa cao; Nhận thức về bản chất, yêu cầu đổi mới giáo dục của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý và giáo viên chưa sâu sắc dẫn tới việc thực hiện đổi mới giáo dục còn gặp nhiều khó khăn...

Tuy thách thức không nhỏ, song Lào Cai đã tìm ra và thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp một cách phù hợp, sáng tạo, hiệu quả với thực tiễn.

Đó là rà soát, đánh giá sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhân viên gắn với tinh giản biên chế; Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn quốc gia...

Với những giải pháp này, Lào Cai đã đạt được kết quả có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Nổi bật về quy mô giáo dục - đào tạo, mạng lưới trường lớp tiếp tục cơ bản phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của tỉnh; đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Loại hình trường PTDTNT, trường PTDTBT phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện, trở thành hệ thống trụ cột của sự nghiệp phát triển giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số...

Hà Giang cũng là một trong những tỉnh vùng cao thực hiện triển khai Nghị quyết “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục” khá hiệu quả.

Giáo dục đã tập trung vào các giải pháp chính như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác đổi mới giáo dục; Đổi mới nội dung phương pháp dạy học; thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục; Bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; Hoàn thiện hệ thống cơ sở giáo dục, tập trung nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; Triển khai đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Giang…

Từ việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục mà hệ thống các trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố mở rộng về quy mô, nâng tầm chất lượng; trường học được giao quyền tự chủ về giáo dục, đào tạo, tài chính; việc xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục luôn được quan tâm thực hiện…

Hạn chế nhìn từ thực tế

Đến nay đã 4 năm kể từ khi Nghị quyết 29 NQ/TW năm 2013 của Hội nghị TW 8 khóa XI về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đi vào thực hiện, việc triển khai tại các địa phương đã khẳng định chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực.

Tuy vậy từ đây cũng bộc lộ những hạn chế chung. Đó là ngành GD- ĐT các địa phương cần bám sát hơn nữa thực tế triển khai để tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền các giải pháp thực hiện linh hoạt, phù hợp nhất với địa phương mình.

Công tác quản lý, chỉ đạo cần có sự phát hiện các cá nhân điển hình, các tập thể làm tốt để có thể khen thưởng kịp thời từ đó khuyến khích hơn nữa đội ngũ giáo viên, xã hội cùng tích cực chung tay vào quá trình đổi mới. Đặc biệt, công tác quản lý trong các nhà trường cần có sự đổi mới tích cực hiệu quả. Loại bỏ tư tưởng trông chờ, thiếu năng động sáng tạo từ cấp quản lý sẽ dẫn đến tư tưởng đi theo, thiếu linh động… từ cấp dưới.

Đáng lưu ý, quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục luôn đòi hỏi những tiền đề nhất định song không vì thế mà đầu tư quá dàn trải, gây lãng phí không cần thiết. Vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy, quản lý ở không ít cơ sở giáo dục dù đã triển khai song còn mang tính hình thức đối phó hoặc hoạt động thiếu hiệu quả…

    Đến nay, ở tất cả các địa phương việc “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” được xác như cú hích để nâng chất cho giáo dục. Chính vì vậy, việc thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và có sự đúc rút kinh nghiệm từ bản thân cũng như học hỏi kinh nghiệm của các địa phương có sự đổi mới thành công. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Diệu kỳ Điện Biên

GD&TĐ - Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những đường chiến hào vây, đánh lấn đã trở thành kỳ tích huyền thoại.