Đó là 3 nội dung được thảo luận tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – Lê Minh Thông – với Sở GD&ĐT sáng ngày 2/4.
Cùng dự buổi làm việc có đại diện các sở, ngành liên quan và các lãnh đạo các huyện, thành, thị trong tỉnh.
Quy hoạch mạng lưới trường lớp đã phê duyệt vẫn bất cập
Ông Lê Minh Thông chủ trì buổi làm việc |
Chủ trì buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông tỉnh nhấn mạnh 3 vấn đề nóng của giáo dục càng nóng hơn mỗi dịp bắt đầu năm học mới của những năm qua. Tác động trực tiếp việc tổ chức giáo dục trong các nhà trường.
Ông Lê Minh Thông yêu cầu cuộc họp phải nhìn nhận các vấn đề một cách khách quan, cầu thị và phân tích rõ những mặt ưu điểm, hạn chế và cả những tồn tại. Từ đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ để chuẩn bị cho năm học 2018 – 2019 sắp tới.
Về vấn đề quy mô mạng lưới trường lớp, bố trí đội ngũ giáo viên, báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo nêu: Trong năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh đã sáp nhập được 2 cặp trường tiểu học có quy mô nhỏ tại huyện Tân Kỳ và Con Cuông, giải thể một trường mầm non ở Nam Đàn, sáp nhập được 283 điểm trường lẻ.
Tuy vậy, việc sáp nhập vẫn còn khó khăn khi tình trạng phòng học tạm, mượn vẫn còn với hơn 1200 phòng. Ngoài ra còn gần 4000 phòng học cấp 4 xuống cấp, hư hỏng.
Tại buổi làm việc, nhiều huyện cho ý kiến rằng việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường lớp hiện nay đang có nhiều bất cập. Chủ trương chung là sáp nhập để tinh giảm biên chế và tăng sỉ số các lớp.
Tuy nhiên, điều này là chưa sát với điều kiện thực tế tại từng địa phương khi nhiều nơi vẫn đang còn nhiều điểm trường lẻ, cơ sở vật chất chưa đảm bảo.
Đặc biệt, có tình trạng Sở Giáo dục và Đào tạo duyệt quy hoạch mạng lưới trường lớp và các trường đã thực hiện ổn định thì sau đó Sở Nội Vụ đi kiểm tra, thẩm định lại gây khó khăn, xáo trộn cho cơ sở.
Để công tác quy hoạch mạng lưới trong thời gian tới triển khai hiệu quả, đảm bảo tốt công tác dạy và học, ông Lê Minh Thông yêu cầu việc sáp nhập vẫn phải tiến hành, trên tinh thần giảm được 10% biên chế và tính toán, đánh giá lại đội ngũ giáo viên dôi dư.
Tuy nhiên, hai ngành Nội vụ và Giáo dục cần xây dựng kế hoạch cho sát với thực tế, việc tăng sỉ số tối đa là cần thiết nhưng lưu ý đến các vùng khó khăn, vùng miền núi và có sự khảo sát kỹ càng.
Những vấn đề nóng cần sớm thảo gỡ
Buổi làm việc của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – Lê Minh Thông với Sở GD&ĐT Nghệ An |
Về việcdạy học 2 buổi/ngày, tổng hợp hiện 98, 78% học sinh tiểu học Nghệ An đã được học 2 buổi/ngày (tỷ lệ cả nước là 71.19%).
Thực tế nhiều năm triển khai cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đáp ứng nhu cầu bức thiết của học sinh, phụ huynh. Nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho trẻ, như các nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhưng do trong quá trình triển khai đang có những vướng mắc ở những vùng đặc thù vì vậy PCT UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động.
Ông Lê Minh Thông cũng cho rằng: Hiện nay trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, việc xã hội hóa để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là phù hợp với điều kiện địa phương. Tuy vậy, cũng cần phải xem lại quy trình triển khai, đúng với tinh thần tự nguyện trên cơ sở đăng ký của phụ huynh.
Theo tổng hợp sơ bộ, mỗi năm tiền thu từ dạy học 2 buổi trên ngày của toàn tỉnh là khoảng 200 tỷ đồng
Ngành giáo dục cũng phải có một báo cáo đầy đủ về quá trình thực hiện, việc thu chi về dạy học 2 buổi/ngày trên quy mô toàn tỉnh để đánh giá chính xác hiệu quả thực hiện.
Đồng thời, tham mưu cho tỉnh đề xuất các giải pháp trong thời gian tới nhằm tạo sự đồng thuận trong đông đảo phụ huynh. Tránh đề trường hợp ảnh hưởng đến thành quả đã xây dựng và duy trì về dạy học 2 buổi/ngày nhiều năm qua.
Về vấn đề an ninh trường học, đồng chí yêu cầu các nhà trường tăng cường kiểm tra giám sát, giáo viên phải gương mẫu. Phối hợp với chính quyền địa phương có trách nhiệm trong đảm bảo an toàn cho nhà trường, cán bộ, giáo viên và nhân viên học sinh.