Giảm gánh nặng

GD&TĐ - Bộ Công Thương kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại Dự thảo Nghị quyết mà Bộ Tài chính đưa ra.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chính phủ đã quyết nghị thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu được đề xuất giảm một nửa so với hiện hành, tức giảm 2.000 đồng mỗi lít với xăng. Mức giảm với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng mỗi lít, mỡ nhờn là 1.000 đồng mỗi kg, dầu hỏa 700 đồng mỗi lít.

Theo lí giải của Bộ Công Thương, giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới liên tục tăng cao ảnh hưởng đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước và công tác tạo nguồn của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã lên mức dầu WTI là 125,68 USD/thùng, dầu Brent là 130,53 USD/thùng (ngày 9/3) và vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng lên mức 142 - 158 USD/thùng (giá ngày 7/3), tăng 51 - 69 USD/thùng so với giá ngày đầu tháng 1/2022.

Để có dư địa điều hành, bình ổn giá trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh ảnh hưởng đến giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu trong nước, tác động bất lợi đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không còn nhiều (số dư quỹ đang ở mức thấp, hiện còn khoảng 620 tỷ đồng, số dư quỹ tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm), Bộ Công Thương kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại Dự thảo Nghị quyết mà Bộ Tài chính đưa ra.

Trước đó trong Công điện về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường. Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội, trong bối cảnh tình hình các doanh nghiệp khó khăn, đồng thời, chúng ta đang cần phục hồi nền kinh tế thì giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực. Chưa kể, giá xăng dầu là chỉ số quan trọng để tính toán các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát, nên cần thiết phải có biện pháp kiềm chế giá.

Vì thế, việc áp dụng các biện pháp nhằm giảm giá xăng dầu – trong bối cảnh mặt hàng chiến lược này đang đứng ở mức cao kỉ lục – sẽ tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp phần nào giảm bớt chi tiêu. Bởi với doanh nghiệp vận tải, xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí, do vậy việc tăng giá tiếp tục gây khó khăn.

Bởi theo đánh giá của Bộ Tài chính, nếu được áp dụng, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng.

Đây là sự chia sẻ rất đáng kể đối với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý I năm 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ