Chủ trương không tăng học phí năm học 2023 – 2024:

Giảm áp lực cho trường đại học

GD&TĐ - Chủ trương không tăng học phí năm học 2023 - 2024 khiến các cơ sở giáo dục đại học gặp nhiều áp lực khi thực hiện cơ chế tự chủ.

Sinh viên Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến trong giờ thực hành. Ảnh: INT
Sinh viên Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến trong giờ thực hành. Ảnh: INT

Các chuyên gia cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ các trường đại học tương tự như Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Trường đại học loay hoay

Theo dự kiến, năm 2023 – 2024 học phí của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội sẽ tăng không quá 10% so với năm học trước. PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận, nếu tăng học phí như trên không ảnh hưởng quá lớn đến sinh viên, bởi mỗi em tăng khoảng 1 triệu/năm.

Tuy nhiên, với nhà trường có khoảng 30 nghìn sinh viên, thì tăng học phí sẽ giải quyết được nhiều vấn đề; trong đó có việc đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, dịch vụ và tăng lương cho cán bộ, viên chức, người lao động theo quy định của Chính phủ.

“Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tự chủ hoàn toàn, nguồn thu từ học phí chiếm tỉ trọng lớn. Nếu năm học tới không tăng học phí thì chúng tôi gặp không ít khó khăn bởi hơn 2 năm qua, nhà trường không tăng học phí nhằm chia sẻ với người học do ảnh hưởng của dịch Covid-19” - PGS.TS Phạm Văn Bổng trao đổi.

3 năm nay, Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội không tăng học phí. “Chúng tôi chưa biết xoay xở kiểu gì nếu không được tăng học phí” - TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng trải lòng và cho hay, dự kiến năm học tới, quỹ lương của nhà trường tăng trên 5 tỷ đồng, trong khi học phí chiếm khoảng 80% nguồn thu.

Hiện Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội có trên 4 nghìn sinh viên. Theo tính toán của TS Hoàng Xuân Hiệp, nếu được tăng học phí như dự kiến (9,5%) thì nhà trường có thể được bổ sung khoảng 6 tỷ/năm học từ nguồn thu này.

Qua đó, có thể bù đắp vào phần dự kiến tăng lương cho cán bộ, giảng viên và các chi phí khác phục vụ công tác đào tạo. Trung bình, mỗi năm nhà trường chi tiền lương khoảng 75%; đầu tư về cơ sở vật chất từ 5% - 7%. Hai khoản này chiếm hơn 80% tổng chi phí của nhà trường.

Theo TS Hoàng Xuân Hiệp, 3 năm qua, có năm Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội dành 7 - 8 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, 4 năm liên tiếp không được tăng học phí sẽ là bài toán khó cho các trường khi yêu cầu về chất lượng đào tạo, dịch vụ giáo dục ngày càng cao. “Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các trường đại học tự chủ” - TS Hoàng Xuân Hiệp đề xuất.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tại Cuộc thi “Sáng tạo Robot Việt Nam 2023” cấp trường. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tại Cuộc thi “Sáng tạo Robot Việt Nam 2023” cấp trường. Ảnh: NTCC

Đề nghị có chính sách hỗ trợ

Tại Hội nghị về tự chủ đại học hồi tháng 4, nhóm chuyên gia của World Bank đưa ra số liệu về đóng góp của hộ gia đình cho giáo dục đại học sau khi khảo sát một số trường. Kết quả cho thấy, năm 2017, ngân sách Nhà nước chiếm 24% tổng nguồn thu các trường công lập; đóng góp của người học (học phí) là 57%. Đến năm 2021, học phí chiếm tới 77%, nguồn ngân sách chỉ còn 9%.

Có thể thấy, nguồn thu của các trường công lập ngày càng lệ thuộc vào học phí trong bối cảnh ngân sách chi cho giáo dục đại học thấp. Thực tế này trái ngược với các nước giáo dục đại học phát triển. Theo các chuyên gia, ba nguồn thu chính của đại học ở Việt Nam và thế giới gồm: Ngân sách Nhà nước, học phí và nguồn thu khác (thu từ chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ, hiến tặng, hợp tác công tư...).

Con số chính thức mà Bộ Tài chính đưa ra năm 2020, ngân sách chi cho giáo dục đại học chưa đến 17 nghìn tỉ, chiếm 0,27% GDP. Tuy nhiên, con số thực chi chưa được 12 nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng 0,18% GDP. Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tại chương trình Tọa đàm trực tuyến “Giáo dục đại học: Thách thức và Cơ hội”, nếu tính theo con số thực chi thì thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.

Nhìn nhận đầu tư ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học còn ít; PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện các cơ sở giáo dục đại học gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa nguồn thu. Các trường “muốn sống” phải tăng học phí dù biết có mâu thuẫn với mức sống, thu nhập của người dân.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, hai hoạt động chính của trường đại học là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hoạt động nghiên cứu khoa học gặp khó khăn khi không có tiền đầu tư. Vì vậy, nếu tự chủ đại học phải tự chủ hoàn toàn về tài chính thì các trường vẫn phải phụ thuộc vào học phí để tồn tại.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi, nhìn tổng thể về tài chính giáo dục nói chung và đại học nói riêng, học phí chỉ là một nguồn thu, nhưng với giáo dục đại học lại là nguồn thu chính. Chính sách học phí cũng chỉ là một trong nhiều chính sách liên quan. Nhìn xa hơn, dù học phí được giữ nguyên hay điều chỉnh thì tổng nguồn lực dành cho giáo dục (bao gồm cả tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất…) nếu không tăng thì cũng cần giữ vững.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, giáo dục đại học có sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ, kinh tế lâu dài bền vững đất nước. Về cơ bản, cơ chế tài chính cho giáo dục đại học là một trong 3 chân kiềng (gồm: Cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học, chính sách học phí và chính sách hỗ trợ người học).

Các chính sách về học phí (Nghị định 60 và Nghị định 81) hiện chưa thực hiện được. Nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.

“Chúng tôi đề xuất giải pháp hỗ trợ các trường, nhất là các trường tự đảm bảo chi thường xuyên. Có trường vừa tuyên bố tự đảm bảo chi thường xuyên thì ngân sách Nhà nước cấp về bằng 0, học phí không tăng. Vì vậy, làm sao để bù đắp được kinh phí thâm hụt này” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đặt vấn đề và cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ ngành để đề nghị có chính sách hỗ trợ các trường. Việc này tương tự như Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp tục sản xuất kinh doanh.

“Lĩnh vực giáo dục đại học có sứ mạng quan trọng để đảm bảo chất lượng đầu ra nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị những chính sách hỗ trợ phù hợp để ngành Giáo dục cùng với toàn xã hội thực hiện tốt sứ mạng này” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ