Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 (chiều 5/8), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ một số nội dung liên quan đến chủ trương không tăng học phí năm học 2023 – 2024.
Theo Thông báo số 300/TB-VPCP ngày 31/7/2023 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định này và không tăng học phí năm học 2023 – 2024 (Nghị định 81).
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ đặt ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, việc không tăng học phí giúp người dân giảm gánh nặng học phí phải chi trả cho con em.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81. Đây là thách thức lớn cho ngành Giáo dục.
Nhìn tổng thể, học phí không phải là nguồn thu duy nhất, chính sách học phí không phải chính sách duy nhất. Tuy nhiên, đối với giáo dục đại học, khoản thu từ học phí chiếm khoảng 50% - 90%.
Nhìn xa hơn, dù học phí được giữ nguyên hay điều chỉnh thì Bộ GD&ĐT cũng như toàn xã hội mong muốn: nguồn lực giáo dục nếu không tăng được thì ít nhất cũng giữ ổn định. “Ở đây vai trò của Nhà nước rất quan trọng” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, đối với giáo dục phổ thông có tính chất phúc lợi, an sinh xã hội và chủ yếu do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Vì vậy, các địa phương cần quan tâm, làm sao để giữ ổn định đời sống cho giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác, đặc biệt là việc bảo đảm chất lượng để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó chú trọng các giải pháp khắc phục giảm thiểu hiện tượng giáo viên bỏ việc.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Phạm Đông. |
Cho rằng, giáo dục đại học có tính chất khác, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, giáo dục đại học có sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ, kinh tế lâu dài bền vững đất nước.
Về cơ bản, cơ chế tài chính cho giáo dục đại học có 3 chân kiềng gồm: cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học, chính sách học phí và chính sách hỗ trợ người học.
Các chính sách về học phí (Nghị định 60 và Nghị định 81) hiện chưa thực hiện được. Nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.
Trong việc này Bộ GD&ĐT sẽ nỗ lực và đề nghị các bộ ngành quan tâm, phối hợp đề nghị Chính phủ chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ và giảm chi ngân sách Nhà nước theo Nghị định 60 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
“Chúng tôi đề xuất giải pháp hỗ trợ các trường, nhất là các trường tự đảm bảo chi thường xuyên. Có trường thì vừa tuyên bố tự đảm bảo chi thường xuyên thì ngân sách Nhà nước cấp về bằng 0, học phí không tăng. Vì vậy, làm thế nào để bù đắp được kinh phí thâm hụt này” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đặt vấn đề.
Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ ngành để đề nghị có chính sách hỗ trợ các trường. Việc này tương tự như Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp tục tục sản xuất kinh doanh.
"Lĩnh vực giáo dục đại học có sứ mạng quan trọng, để đảm bảo chất lượng đầu ra nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị những chính sách hỗ trợ phù hợp để ngành Giáo dục cùng với toàn xã hội thực hiện tốt sứ mạng này" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi.