Giảm áp lực cho giáo viên

GD&TĐ - Dự thảo quy định công nhận GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội. 

Chủ trương công nhận GV giỏi vẫn được duy trì nhưng cách thức sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Ảnh minh họa/ Internet
Chủ trương công nhận GV giỏi vẫn được duy trì nhưng cách thức sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Ảnh minh họa/ Internet

Không thể phủ nhận, những quy định hiện hành về hội thi GV dạy giỏi các cấp học đã phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ các thầy, cô giáo. Ở một góc độ nào đó là mục tiêu phấn đấu của đội ngũ nhà giáo. Nhưng xét trong bối cảnh hiện nay, những quy định đó dường như không còn phù hợp.

Theo lẽ thường, khi GV được dự thi GV dạy giỏi sẽ là niềm vinh dự đối với họ. Nhưng đâu đó lại trở thành gánh nặng, việc bất đắc dĩ phải làm. Ở nhiều nơi còn tổ chức thi GV dạy giỏi mang tính hình thức, chiếu lệ và trở thành “diễn” GV dạy giỏi.

Với khá nhiều thay đổi so với quy định hiện hành, nhiều người tin tưởng, nếu những quy định trong dự thảo trở thành hiện thực sẽ giúp GV giảm tải những áp lực vô hình và có thêm động lực để cống hiến cho nghề. Quan trọng hơn là ngành GD sẽ có được nhiều GV giỏi thực chất.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là những gì không còn phù hợp thì nhất quyết phải sửa đổi. Những áp lực không đáng có đối với GV, kiên quyết loại bỏ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng nói: Một trong những việc ngành GD kiên quyết thực hiện từ năm 2019 là: Để giảm áp lực và tạo động lực cho GV, cần giảm gánh nặng về sổ sách hành chính và các cuộc thi không cần thiết. Bộ trưởng cũng đề nghị địa phương và các bộ, ban, ngành liên quan chung tay giải quyết áp lực thi đua cho các trường; có chính sách lương bổng để nhà giáo yên tâm dạy học thật tốt.

Lời nói đi đôi với việc làm và hành động, vì thế Bộ GD&ĐT luôn tìm cách để có phương án điều chỉnh những áp lực về thành tích. Qua thăm dò ý kiến, mong đợi của các thầy cô là vẫn giữ hội thi GV dạy giỏi. Và với tinh thần cầu thị, lắng nghe, kế thừa phát huy những ưu điểm của cái cũ, dự thảo quy định về công nhận GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi được soạn thảo theo tinh thần trên.

Lắng nghe và thấu hiểu những tâm nguyện của GV, dự thảo lần này vẫn đề xuất hội thi GV dạy giỏi. Tuy nhiên điểm mới là hội thi bao gồm: Cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và không còn hội thi cấp toàn quốc. Hội thi dựa trên nguyên tắc tự nguyện của GV; không ép buộc và không tạo áp lực cho GV tham gia. Khi tổ chức hội thi phải bảo đảm tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Nghiêm cấm tổ chức hội thi trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành.

Có thể nói chủ trương công nhận GV giỏi vẫn được duy trì nhưng cách thức sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Hội thi GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi cũng không bị mất đi nhằm đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo.

Nhưng hội thi phải thực sự là “sân chơi” lành mạnh để tôn vinh những GV giỏi; để những tâm huyết, sáng kiến đổi mới trong giảng dạy của nhà giáo được lan truyền cho các đồng nghiệp khác nghiên cứu, tham khảo học tập. Bởi theo dự thảo, GV được công nhận GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi có trách nhiệm dạy lại tiết dạy, tiết hoạt động trải nhiệm hoặc báo cáo lại chuyên đề trong phạm vi cấp trường, liên trường trên địa bàn để chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm trong hoạt động dạy học và làm công tác chủ nhiệm lớp, GD đạo đức trẻ em, HS.

Song, điều mà dư luận mong muốn, mọi thay đổi phải theo hướng tích cực và bảo đảm thực chất, nếu không sẽ chuyển từ áp lực này sang áp lực khác cho đội ngũ thầy cô giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ