Đi tìm lời giải giảm áp lực cho giáo viên

GD&TĐ - Muốn có trường học hạnh phúc thì giáo viên (GV) phải là những người hạnh phúc! Đó là chia sẻ của GS Hà Vĩnh Thọ - nguyên Giám đốc Chương trình Trung tâm Hạnh phúc quốc dân Butan tại Hội thảo Trường học Hạnh phúc ở Việt Nam – Giấc mơ trở thành hiện thực.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điều chỉnh giờ làm của GV

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Từ 6 giờ 30 phút sáng, tôi đã phải có mặt ở trường để đón cháu, và chỉ rời trường khi phụ huynh cuối cùng nhận cháu về. Chúng tôi ở trường từ 10 – 12 tiếng/ngày như một điều hiển nhiên trong khi Luật Lao động chỉ quy định có 8 tiếng/ngày, 40 tiếng/tuần. Đây là một áp lực lớn đối với các giáo viên mầm non bởi nó ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, hiếm có anh chồng nào thông cảm mãi được”.

Giờ quy định đón cháu là từ 16 giờ 30 phút, kết thúc là 17 giờ 30 phút nhưng trên thực tế, có những phụ huynh do bận bịu công việc nên kéo dài đến 18 giờ mới đón con. Cô giáo, không còn cách nào khác, đành phải chờ bởi chỉ được phép rời trường khi phụ huynh cuối cùng nhận cháu về.

Chính vì vậy, trong buổi họp với Ban đại diện Hội phụ huynh để chuẩn bị cho năm học mới 2019 – 2020, Ban giám hiệu Trường Mầm non Bình Minh đã đưa ra đề xuất về thời gian nhận đón trẻ của trường sẽ chậm hơn khoảng 30 phút, bắt đầu từ 7 giờ sáng, giờ trả trẻ vào buổi chiều vì vậy cũng sẽ lùi lại 30 phút.

“Với phương án này, thời gian làm làm việc của giáo viên không thay đổi, chỉ là chúng tôi muốn tạo điều kiện cho các cô giáo có thêm khoảng 30 phút vào mỗi buổi sáng để chăm chút thêm cho gia đình như đưa con đi học, tranh thủ đi chợ sớm…” – cô Thư Trâm cho biết.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

Ban giám hiệu Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) có sự chia sẻ với GV bằng cách giảm bớt các công việc phụ khác. “Do đặc thù của HS tiểu học, thường giờ tan trường sớm hơn giờ tan sở của phụ huynh khoảng từ 30 - 45 phút. Khoảng thời gian này, GVCN các lớp không phải quản lý HS của mình, công việc này được giao cho bảo vệ và cán bộ thư viện, BGH sẽ có một người trực hỗ trợ. Chúng tôi tận dụng khoảng thời gian trong khi các em chờ đợi phụ huynh đến đón để phục vụ cho nhu cầu đọc của HS” – cô Ông Thị Thái Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Ngoài ra, GV Trường Tiểu học Trần Văn Ơn không phải thực hiện các khoản thu liên quan đến vận động tài trợ GD, ủng hộ HS nghèo… Cô Thái Hằng cho biết, tâm lý của GV rất ngại phải nhắc nhở phụ huynh về các khoản thu nên công việc này hoặc là do Ban đại diện phụ huynh đứng ra thu hoặc bộ phận tài vụ của nhà trường đảm trách.

“Chia lửa” cùng GV

Để tạo điều kiện cho những GV mới về trường làm tốt công tác chủ nhiệm, việc đầu tiên mà BGH Trường Tiểu học Bạch Đằng (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) làm là cung cấp cho GV tình hình KT-XH trên địa bàn, đặc điểm của phụ huynh… BGH cũng thường xuyên cập nhật các tình huống sư phạm để GV học tập, rút kinh nghiệm bởi nếu GV xử lý tình huống ở lớp không tốt thì rất dễ dẫn đến những phản ứng xấu từ phụ huynh.

Trước mỗi cuộc họp phụ huynh học sinh, ngoài thông báo nội dung sẽ phổ biến cho GV chủ nhiệm, BGH nhà trường cũng phải trao đổi kỹ với những GV trẻ như là một cách để chia sẻ kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử các tình huống.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “BGH phải “chia lửa” với GV, đừng tạo thêm áp lực và nặng nề với GV; quan trọng nhất là phải biết được sự cống hiến của GV”.

Chính vì vậy, các điều kiện hỗ trợ cho việc giảng dạy của GV luôn được nhà trường hỗ trợ tối đa. “Đôi khi, chỉ đơn giản là chúng tôi cho sửa chữa ngay khi GV báo đèn chiếu sáng hay quạt bị hư hỏng. Hay GV dự thi các cuộc thi nghiệp vụ hoặc phong trào, BGH đều cử người đại diện cùng sát cánh với họ, có những phần thưởng kịp thời…” - cô Nguyệt nói.

Nhiều cán bộ quản lý có cùng chung suy nghĩ rằng, nếu BGH nhận phần khó về cho mình, không dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt cho GV là cách hiệu quả nhất để thuyết phục được GV dạy học với tất cả sự yêu thương, tâm huyết và nhẫn nại với HS. Và người được lợi, không ai khác, chính là HS.

Trong suốt học kỳ 1 của năm học 2016 – 2017, sau khi Bộ GD&ĐT công bố các môn như Lịch sử, Địa lý, Toán, Giáo dục công dân chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm khách quan tại Kỳ thi THPT quốc gia, hầu như buổi sinh hoạt tổ chuyên môn của Trường THPT Tôn Thất Tùng (Đà Nẵng) cũng có sự tham gia của đại diện BGH. Cô Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: BGH cùng tổ trưởng tổ chuyên môn cùng nhau phân tích rất kỹ kết quả bài kiểm tra một tiết, 15 phút của HS khối 12 theo hình thức trắc nghiệm để đánh giá chất lượng đề, điều chỉnh phương pháp dạy - học…

“Từ kết quả bài kiểm tra cho thấy, thực ra, HS thích ứng rất nhanh với kiểu đề thi trắc nghiệm. Thế nên, một phần nguyên nhân của điểm bài kiểm tra một tiết của các môn xã hội và môn Toán thấp là do nhiều GV chưa xác định được mức độ đề phù hợp với kiểm tra một tiết. Thời lượng phải tương thích với mức độ khó của đề nhưng GV chưa hình dung hết được trong 45 phút đó thì HS làm được chừng nào” - cô Kim Vân phân tích.

Chính vì vậy, BGH Trường THPT Tôn Thất Tùng đã cùng sinh hoạt với các tổ chuyên môn, rút kinh nghiệm trên từng đề kiểm tra cụ thể. BGH nhà trường chủ trương những góp ý là để cho GV hoàn thiện hơn, chứ không phải là cơ sở để đánh giá thi đua. “Gỡ khó” cùng với GV trong thời gian đầu chuyển đổi hình thức kiểm tra, đánh giá, cô Kim Vân cho biết, nếu BGH chỉ cần lơ là, dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt cho GV mà không có sự hỗ trợ thiết thực thì GV sẽ căng thẳng, áp lực, khó tập trung cho công việc…

“Ngoài giảm thiểu tối đa hồ sơ sổ sách, báo cáo, thống kê, hội họp..… những cuộc họp không cần thiết thì sẽ được trao đổi qua Internet, tin nhắn; tích hợp, lồng ghép một số cuộc họp với nhau để đỡ tốn thời gian, công sức đi lại của GV. Người chủ trì phải có sự chuẩn bị chu đáo để cuộc họp diễn ra hiệu quả nhất. Sở cũng sẽ xem xét loại bỏ các loại hồ sơ không cần thiết, gây phiền hà cho GV, HS. Những năm qua, ngành GD-ĐT Đà Nẵng chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy – học, quản lý giáo dục để GV tập trung vào công tác chuyên môn”Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.