- Từng tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi, cô nhận định thế nào về hoạt động này?
Tôi vào ngành từ năm 2005, tính đến nay đã được 14 năm trực tiếp đứng lớp. Trong thời gian này, tôi đã từng tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp.
Nói một cách khách quan, tôi nhận thấy, Hội thi giáo viên dạy giỏi là một hoạt động nghiệp vụ, một cuộc sinh hoạt chuyên môn rất cần thiết và ý nghĩa.
Hội thi là “sân chơi” hữu ích để giáo viên có dịp vừa khẳng định được năng lực sư phạm của bản thân, vừa được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tích lũy, trau dồi thêm kiến thức và phương pháp dạy học, có được nhiều bài học quý về nghề dạy học.
Nhiều giáo viên như tôi trưởng thành, tự tin, tay nghề vững vàng hơn nhờ vào tham gia những hội thi như thế.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, Hội thi được tổ chức ở một số địa phương đã có sự biến tướng, gây tâm lý căng thẳng và chưa thực hiện được sự công bằng, tự nguyện.
- Thời gian vừa qua có một số ý kiến khác nhau về việc công nhận giáo viên dạy giỏi. Có ý kiến cho rằng nên xét công nhận giáo viên dạy giỏi để giảm áp lực cho giáo viên. Nếu thay hình thức thi bằng hình thức xét công nhận giáo viên dạy giỏi thì cô nghĩ sao?
Vừa qua, tôi cũng đã được đọc một số thông tin về việc Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu phương án xét công nhận giáo viên dạy giỏi thông qua hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp nhằm giảm áp lực cho giáo viên. Điều này rất đáng trân trọng, song để giảm áp lực cho giáo viên từ cuộc thi giáo viên dạy giỏi thì cần phải rà lại áp lực do đâu đâu để khắc phục.
Quay trở lại việc xét công nhận giáo viên dạy giỏi tôi thấy, việc xét công nhận giáo viên giỏi chắc chắn phải rơi vào cuối năm, trong khi cuối năm là thời điểm rất bận rộn với xét danh hiệu chiến sĩ thi đua, xét mức đạt chuẩn của giáo viên, cán bộ quản lý... nên không thực sự thích hợp. Bên cạnh đó còn phải kể đến các loại hồ sơ giấy tờ khi xét sẽ nhiều hơn là thi. Điều này cũng gây áp lực cho giáo viên.
Thi hay xét đều có những ưu điểm và áp lực nếu chúng ta thực hiện không đúng quy định. Do vậy, hãy để Hội thi trở về đúng thực chất là giao lưu, học hỏi, chia sẻ về chuyên môn nghiệp vụ và khẳng định tay nghề.
Ảnh minh họa/ Internet |
- Để hội thi trở về đúng thực chất là giao lưu, học hỏi, chia sẻ về chuyên môn nghiệp vụ và khẳng định tay nghề như vừa trao đổi ở trên, theo cô quy định về công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cần điều chỉnh như thế nào?
Tôi may mắn khi được là một trong nhiều giáo viên được tham gia trực tiếp vào Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THPT. Tôi nhận thấy, muốn Hội thi giảm được áp lực cho giáo viên mà vẫn lựa chọn được những giáo viên xứng đáng là giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi thì cần điều chỉnh một số nội dung như sau:
Thứ nhất là không bình bầu, lựa chọn, đề cử giáo viên đi giáo viên dạy giỏi như quy định hiện hành mà cần lấy tinh thần tự nguyện. Đặc biệt là không lấy kết quả Hội thi làm căn cứ để đánh giá, xếp loại thi đua của đơn vị;
Tiếp theo, không yêu cầu nộp sáng kiến kinh nghiệm mà thay vào đó là báo cáo chuyên đề. Chuyên đề này chỉ đơn giản là báo cáo lại giải pháp mà cá nhân đã áp dụng, thực hiện có hiệu quả trong hoạt động dạy học, giáo dục học sinh.
Thi tay nghề là điều cần thiết. Tuy nhiên đã có điều kiện: được tham gia Hội thi phải đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá thì tiết thi thực hành chỉ nên thi 1 tiết thay bằng 2 như quy định hiện hành. Và vì vậy, cũng nên lược bỏ quy định về bài thi năng lực mà trong thực tiễn đã gây mệt mỏi, áp lực đối với giáo viên.
- Để lựa chọn giữa 2 phương án xét công nhận giáo viên dạy giỏi và thi giáo viên dạy giỏi cô chọn phương án nào?
Cá nhân tôi thấy giữ lại Hội thi là cần thiết song cần điều chỉnh với những lý do tôi vừa trao đổi ở trên.
Tuy nhiên đây mới chỉ là ý kiến cá nhân của tôi. Để Hội thi đảm bảo tính thực tiễn và phù hợp với các đối tượng thì cần lấy ý kiến rộng rãi của giáo viên, cán bộ quản lý, đặc biệt là những vùng dân tộc thiểu số, miền núi để có sự điều chỉnh phù hợp.
- Xin cảm ơn cô!