Giải tỏa áp lực mùa thi: Mùa thi, mùa lo

GD&TĐ - “Giai đoạn nước rút ôn tập chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, cha mẹ dành sự quan tâm, đồng hành cho sĩ tử là cần thiết. Nhưng đôi khi việc đặt quá nhiều kỳ vọng, hay lo lắng thái quá của phụ huynh sẽ dẫn đến phản ứng tiêu cực và tâm lý không tốt cho con em mình”, TS Vũ Thị Hạnh, Phó Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường Đại học Hải Phòng chia sẻ.

Học sinh Trường THPT Hải An (Hải Phòng) miệt mài ôn luyện.
Học sinh Trường THPT Hải An (Hải Phòng) miệt mài ôn luyện.

Một người thi, cả nhà nơm nớp

Dù có định hướng chọn trường, ngành và kế hoạch ôn tập ngay từ đầu năm lớp 12, nhưng Nguyễn Thị Phương Thảo (Trường THPT Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) gặp không ít áp lực bởi sự kỳ vọng của gia đình trong Kỳ thi THPT sắp tới. 

Thảo chia sẻ: Bố mẹ luôn quan tâm, động viên và dành thời gian cho em ôn tập. Qua cử chỉ, hành động, em biết gia đình kỳ vọng nhiều vào mình. Đó cũng là động lực để em phấn đấu ôn tập tốt, chuẩn bị cho kỳ thi và sẵn sàng hành trang bước vào giai đoạn mới. Tuy vậy, nhiều lúc em cũng bị áp lực chính từ sự quan tâm của người thân.

Năm nay, “cậu ấm” chuẩn bị thi THPT, chị Hoàng Anh (chủ cửa hàng quần áo tại  quận Lê Chân, Hải Phòng) đôn đáo tiếp sức cho con bằng việc đưa đón đến trường và ôn thi ở trung tâm. Chị Hoàng Anh cho hay: Trong năm học, con tự đi xe đạp điện đến trường nhưng đợt ôn thi, lịch học kín, khoảng cách giữa các điểm học xa nhau nên tôi đóng cửa quán vào buổi chiều để làm “xe ôm” chở con đi học cho yên tâm. Sau mỗi lần nhà trường báo điểm thi thử của con, chị Anh gọi điện nhắn tin với một vài phụ huynh trong lớp để tham khảo, chia sẻ kinh nghiệm rồi truyền đạt và dặn dò con. Dù biết con không đồng tình nhưng vì lo lắng, mong con đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới, chị Anh vẫn âm thầm theo sát từng bước.

Đỗ Đức Hoàng (nhà ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng) đang gấp rút ôn tập. Không chỉ học trên trường, Hoàng đăng ký học ôn các môn tuyển sinh đại học với thầy cô giáo có uy tín. Hoàng tâm sự, bố mẹ không yêu cầu em làm việc nhà, chỉ cần chú tâm vào học là được nên nhiều khi muốn nghỉ ngơi, vận động… cũng không được.

Thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại Hà Nội. Ảnh: Thiên Thanh
Thí sinh trong Kỳ thi  THPT quốc gia năm 2019 tại Hà Nội. Ảnh: Thiên Thanh

“Lỡ nhịp”…  vì áp lực từ phụ huynh

Dù công tác tư vấn hướng nghiệp được các trường THPT tiến hành từ sớm nhưng vẫn còn tình trạng nhiều HS chọn trường theo nguyện vọng của phụ huynh. Thậm chí không ít phụ huynh tìm mọi cách “nắn” con đi theo con đường mình sắp đặt sẵn. Nhưng không phải HS nào cũng đủ can đảm “bỏ đi hết để làm lại từ đầu” như những bạn trẻ mà chúng tôi tiếp cận.

Minh Th. là SV năm thứ nhất, khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Huế trong khi bạn của em hầu hết là SV năm hai. Học lớp chuyên Văn nhưng Th. học đều nên điểm tổng kết các môn tự nhiên luôn đạt trên 8,0. Th. dự định nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Sư phạm Văn và Báo chí. Nhưng cả ba và mẹ đều làm bác sĩ nên tư vấn con đăng ký vào Trường ĐH Y - Dược. Nhiều lần thuyết phục cha mẹ rằng mình không tự tin và tự thấy không phù hợp với nghề y, nhưng gia đình quyết chọn tương lai cho con. Vậy là Th. dồn sức ôn thi những môn lệch ban và chọn khoa Y học cộng đồng để nộp hồ sơ. Mất một năm học “thất thểu” vì không đúng đam mê, cũng không phải là sở trường, Th. chứng minh với ba mẹ là mình vẫn đỗ nhưng không thể theo nghề y được. Năm sau, Th. nộp hồ sơ thi đại học và đỗ đúng vào ngành mà mình yêu thích. 

Th. chỉ chậm một năm để được chọn trường, ngành mình thích. Nhưng Bình thì phải mất 4 năm theo học Y đa khoa rồi trở lại điểm xuất phát. Học lớp chuyên Văn và có nguyện vọng thi vào ĐH Ngoại thương nhưng ba mẹ Bình hướng con thi vào Trường ĐH Y – Dược. Bình một mặt vẫn theo học Trường Y, vừa học thêm cả Anh văn và tiếng Nhật rồi tự tìm học bổng du học tại Nhật Bản. Cô giáo cũ của Bình, khi xác nhận hồ sơ xin học bổng cho em đã không giấu được sự tiếc nuối: “Dù không thích theo nghề bác sĩ nhưng em theo học 4 năm rồi; kết quả học tập cũng tốt; chỉ còn 2 năm nữa là tốt nghiệp ra trường, em cân nhắc lại xem”. Bình tâm sự: “Em mất 4 năm để ba mẹ nhận ra được điều gì là phù hợp với con mình cũng không phải là muộn. Nhưng thêm 2 năm nữa mới là quá muộn”. Hiện Bình học xong năm thứ nhất ngành Ngoại thương tại một trường ĐH của Nhật Bản. 

Những kỳ vọng của phụ huynh về tương lai, nghề nghiệp của con cái, nếu không dựa trên sở thích, nguyện vọng cũng như năng lực con dễ dẫn đến hậu quả khó lường. Thế nên gần như trường ĐH nào cũng có tình trạng SV chểnh mảng học tập ngay từ học kỳ I năm thứ nhất để… ôn tập và thi lại cho kỳ tuyển sinh năm tới. Cũng có em tiếp tục theo học, dù không có sự yêu thích và đam mê. 

Áp lực từ cha mẹ đôi khi không phải đến từ sự kỳ vọng mà còn là sự quan tâm thái quá đến chuyện học hành, dự định tương lai của con trẻ. Cô Hồ Thị Tâm (GV Trường THPT Quốc học Huế, Thừa Thiên – Huế) kể về HS của mình khiến nhiều phụ huynh không khỏi suy ngẫm. 

“Cả HS và phụ huynh đều xác định sẽ theo con đường du học bằng nguồn học bổng, từ năm lớp 8 - 9, gia đình đưa con đi tham quan một số trường học ở Singapore để có thêm động lực phấn đấu. Khi một vài người bạn của con bắt đầu “săn” được học bổng và đi du học, ba mẹ của em bắt đầu sốt ruột. Từ sốt ruột lại quay sang hỏi han, hối thúc. Em bị áp lực đến mức rơi vào trầm cảm và bỏ nhà đi  gần một tuần lễ”, cô Tâm kể. Rất may sau cú sốc này, phụ huynh kịp nhận ra để điều chỉnh, hỗ trợ con tìm lại cân bằng trong học tập và vui chơi, giải trí. 

Học sinh lớp 12, Trường THPT Kiến An (Hải Phòng) trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.
Học sinh lớp 12, Trường THPT Kiến An (Hải Phòng) trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.

Giúp con giải tỏa tâm lý

Thầy Trần Bình Trọng, GV chủ nhiệm lớp 12A2 (Trường THPT Hải An, Hải Phòng) cho hay: Để tăng tốc cho kỳ thi, học sinh trong lớp phát động phong trào học đến 1 giờ đêm. Giai đoạn này, các em thường bị ảnh hưởng tâm lý do áp lực thi cử, vì thế nhà trường và thầy cô luôn để các em tự giác với việc học của mình. Các lớp vẫn duy trì việc sinh hoạt lớp đầu tuần để chia sẻ và động viên học sinh giảm áp lực thi cử. Thời gian ôn tập đúng lúc thời tiết oi nóng, nhưng được thầy cô động viên nên không khí trong lớp luôn thoải mái. Cho dù học hành vất vả nhưng các em thường dành thời gian cuối buổi để cùng nhau tập văn nghệ chuẩn bị cho lễ ra trường. Tâm lý thoải mái sẽ giúp các em học tốt hơn và tự tin bước vào kỳ thi, phía gia đình nên phối hợp với nhà trường động viên và không nên gây áp lực cho con em mình.

TS Vũ Thị Hạnh, Phó Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường Đại học Hải Phòng cho rằng: Trong giai đoạn nước rút, sự quan tâm đồng hành của cha mẹ giúp con giải tỏa căng thẳng trước áp lực thi cử là điều cần thiết. Nhưng đôi khi việc đặt quá nhiều kỳ vọng, hay lo lắng thái quá của phụ huynh dẫn đến phản ứng tiêu cực và tâm lý không tốt cho con em mình.

Theo TS Hạnh, thời điểm này, phụ huynh cần tạo không khí thoải mái trong gia đình, không nên hỏi han quá nhiều, có những hành động lo lắng thái quá trước mặt con em. Luôn động viên, nhắc nhở các con học tập và nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con bằng lời động viên: Khi con đã cố gắng hết sức dù kết quả thế nào, cha mẹ vẫn luôn ở bên cạnh và đồng hành cùng con.

“Bên cạnh việc ôn tập nên dành một khoảng thời gian ngắn trong ngày để tập thể dục, tránh tình trạng ngồi học quá lâu dẫn đến mệt mỏi. Sĩ tử nên chia sẻ những suy nghĩ, băn khoăn của bản thân về việc ôn tập và thi với thầy cô, cha mẹ, người thân, bạn bè. Trong một ngày, các em không nên tiếp xúc lâu với màn hình điện tử, máy tính, điện thoại; cập nhật thông tin về kỳ thi trên các phương tiện truyền thông và trang mạng chính thống để có chuẩn bị tốt nhất của bản thân”, TS Hạnh cho hay.

Chị Nguyễn Thị Thu Th. (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) đến giờ vẫn không khỏi xót xa khi biết chuyện trước Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, con gái mình đã nhờ thầy giáo mua giùm thuốc trợ tim để uống. Mãi sau này, khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào đúng trường ĐH mà gia đình mong muốn, em mới kể cho mẹ nghe chuyện này. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ