Giai thoại khó tin giữa ngôi làng cổ ở Hà Nội

GD&TĐ - Làng Đơ xưa vốn là cái nôi văn hoá rất mực thuần khiết. Ngôi làng nổi tiếng khoa bảng đất Hà Đông xưa còn ẩn chứa những sự tích dân gian huyền bí.

Làng Đơ cổ kính nổi tiếng với những giai thoại lạ.
Làng Đơ cổ kính nổi tiếng với những giai thoại lạ.

Làng Đơ nay thuộc phường Hà Trì (Hà Đông – Hà Nội), là một trong những làng còn giữ được nhiều công trình cổ kính xa xưa. Làng Đơ cũng giữ nguyên nếp văn hoá lễ hội truyền thống dù đã “phố hóa” từ lâu.

Những người già bảo rằng, một phần làng lưu giữ thành công truyền thống bởi những giai thoại, sự tích làm nên văn hoá và cốt cách sống từ xa xưa.

Anh em ruột tái sinh làng Đơ

Đình làng Đơ – nơi từng lưu giữ “chiếc khăn thấm máu” của danh tướng Đỗ Bí.
Đình làng Đơ – nơi từng lưu giữ “chiếc khăn thấm máu” của danh tướng Đỗ Bí.

Ngày xửa ngày xưa, khi mới lập làng, dân làng Đơ còn thưa vắng chứ không sầm uất như làng khác. Vì hiếm người nên ai cũng quý trọng nhau. Bỗng tai họa ập xuống vào một ngày đẹp trời, ngoài đường cái quan xuất hiện đoàn người đông đúc cờ quạt, kèn trống inh ỏi. Người làng ra hỏi mới biết đấy là đoàn hộ tống Bà Chúa từ Kinh thành đi du xuân.

Cùng lúc, ở bờ ao ven đường có một người câu ếch vốn ở làng bên, đang mải quăng mồi. Vừa khi kiệu Bà Chúa đến thì con ếch cụ đớp mồi. Người câu ếch khoái chí ra sức văng mạnh cần khiến lưỡi câu bay lên móc vào yếm đào Bà Chúa. Người câu ếch sợ quá giật mạnh thì lưỡi càng móc sâu, đến độ rách toang vạt yếm. Đoàn rước phải bỏ dở cuộc hành trình, quay về Kinh thành.

Chuyện gở qua đi nhưng mấy cụ già trong làng chưa nguôi lo lắng. Họ nói nhỏ với nhau: “Thằng câu ếch làng bên đã mất tung tích, họa này không khéo quýt làm cam chịu, rồi làng ta phải gánh đây”.

Nhằm đúng lúc trời sậm sùi mưa gió, giặc giã ở đâu kéo tới, lùng sục khắp ngõ hẻm ngách sâu, gặp ai giết nấy bất kể già trẻ. Ngập trời tiếng khóc la hét bi ai. Đến khi bọn ác biến hết bỏ lại xác người, nhà cửa đổ nát hoang tàn. Mãi sau này, người ta mới biết là Bà Chúa cho lính về trừng phạt dân làng Đơ về tội mà thằng câu ếch gây ra.

Mờ sáng cái hôm kinh hoàng ấy, có hai anh em nhà kia gồm anh trai, em gái được bố mẹ gọi dậy sớm sai đi chợ Gốt bán rau lú bú - vốn là thứ rau đặc sản của đồng làng. Đến khi tan chợ trở về thì chứng kiến cảnh chết chóc khiến anh em họ khóc lóc đau buồn.

Thấm thoắt qua đi, họ đã đến tuổi trai dựng vợ, gái gả chồng. Nhưng tìm đâu ra khi làng xóm thì hết người, thiên hạ thì xa lạ? Không biết hỏi ai, anh em họ đành sửa lễ mọn đặt giữa trời kêu hỏi thần linh. Người anh vừa dứt lời khấn, một ông Tiên phúc hậu hiện ra, nói: “Đúng giờ Tý đêm nay, hai con chia làm hai ngả cùng đi vòng quanh làng. Giữa đường các con gặp ai đầu tiên thì lấy người ấy làm chồng, làm vợ. Chúc các con ăn ở với nhau hòa thuận để sinh hạ lại dân làng”.

Nghe lời Tiên ông, chờ đúng nửa đêm, khi con cuốc ngoài bờ tre đã im tiếng, con dế dưới gốc bầu đã ngừng kêu, hai anh em lặng lẽ chia hai ngả để cùng bắt đầu cuộc hành trình cầu duyên linh thiêng.

Và rồi, không thể là ai khác, anh em họ đã gặp nhau đúng nơi trước kia làng dựng miếu thần. Họ làm lễ tạ ơn thiên địa, rồi từ đó ăn ở với nhau, sinh năm đẻ bảy, lần nào cũng vuông tròn, suôn sẻ. Đời này tiếp đời kia, cứ thế, dân làng Đơ dần dần trở lại nhộn nhịp đông vui từ bao giờ chẳng mấy ai để ý.

Để ghi nhớ đại họa xưa, sau đó dân làng Đơ mỗi năm có chung một ngày giỗ, gọi là “Ngày giỗ trận”. Hôm ấy nhà nào cũng làm cỗ cúng tổ tiên và mời con cháu họ hàng ở xa về dự để cùng nhắc lại chuyện cũ, cũng là để nhắc nhau chân lý “sinh ra từ một cội”.

Bức tranh treo tại đình Cầu Đơ tái hiện trận đánh lịch sử của quân Lê Lợi.
Bức tranh treo tại đình Cầu Đơ tái hiện trận đánh lịch sử của quân Lê Lợi.

Phỗng đá làm gái làng chửa hoang

Theo các cao niên làng Đơ, trước kia ở bốn phía giáp ranh giữa đồng làng với cánh đồng các thôn lân cận có chôn bốn tảng đá cõi làm mốc giới. Ba tảng kia đã mất từ lâu, tảng cuối cùng cắm ở bên này Cầu Cháy cạnh làng La Khê. Khi xây lại cầu Chùa Ngòi (trên đường Ngô Thì Nhậm bây giờ) bắc qua sông Đào cũng bị nhổ nốt.

Bốn tảng đá cõi vốn là những ông Phỗng đá từng được bày xung quanh cây đa cổ thụ ở trước cửa ngôi đình cũ của làng. Nhưng vì sao đang ngự ở gốc đa lại bị đầy ra giãi dầu mưa nắng chốn đồng?

Người làng kể lại rằng, khi dân làng Đơ còn quần tụ đông đúc hai bên đường thượng đạo - con đường thiên lý từ xứ Thanh ra kinh thành Thăng Long (nay là đường số 6). Vào những đêm trăng thanh gió mát, các cô gái ở xóm Chợ thường rủ nhau lên gốc đa trước cửa đình hóng gió, vui chơi.

Chẳng biết nguồn cơn vì đâu, sau đó năm nào trong số các cô gái nọ cũng có mấy ả chửa hoang. Làng họp dân tra hỏi, các ả một mực kêu oan là chẳng làm gì mờ ám, vụng trộm. Rồi khi thai đến kỳ, chỉ đẻ ra một bọc nước.

Theo dõi mãi, cuối cùng người làng biết là do mấy ông Phỗng đá gây nên. Thế là họ bảo nhau mang cuốc thuổng đập vỡ đầu rồi đày các ông Phỗng đá ra đồng cắm làm tảng đá cõi.

Người làng Đơ bảo rằng, bốn ông Phỗng đá bị mất đầu cũng chẳng oan. Vì kể từ khi bị đầy ra làm mốc giới, những đêm gió mát trăng thanh các cô gái xóm Chợ vẫn rủ nhau lên gốc đa cửa đình hóng mát như trước kia mà không hề có cô nào phải tội chửa hoang nữa.

Hai tượng ngựa chiến bằng gỗ của danh tướng Đỗ Bí.
Hai tượng ngựa chiến bằng gỗ của danh tướng Đỗ Bí.

Chiếc khăn thấm máu

Tương truyền ngày xưa trong khám hậu cung đình làng Đơ có lưu một chiếc khăn thấm máu. Đó là kỷ vật cuối cùng trước khi hóa của Đức thành hoàng.

Chuyện kể rằng, thuở ấy vào một buổi chiều u ám trên đầu cầu Đơ qua sông Nhuệ có cụ bà bán nước chè. Khi cụ sắp dọn hàng về thì thấy một ông tướng ghìm ngựa ngay trước lều. Cụ chưa kịp định thần thì người này cất tiếng:

- Chào cụ, cụ có thấy ai bị đứt cổ như ta mà sống được không?

Bấy giờ, cụ mới nhìn kỹ thấy trên cổ ông thắt một chiếc khăn trắng đã loang máu đỏ. Chẳng hay cơ sự gì đã xảy ra với ông? Cụ già thầm nghĩ. Cụ đâu có biết mấy tháng nay trong thành có loạn. Cụ định tìm một lời an ủi, nhưng bản tính thật thà, cụ đành ái ngại nói:

- Thưa ngài, già ngồi ở đây đã lâu, chưa thấy ai bị đứt cổ mà còn sống được!

Ông tướng nghe dứt, thở dài, lướt nhìn xung quanh hỏi tiếp:

- Đây là đâu?

- Thưa Ngài đây là làng Đơ ạ!

“Ta nhớ ra rồi, mảnh đất này đã có tình nghĩa với ta, nơi ta từng ém quân để tiến đánh giặc Minh trong trận Ba La Kiều”. Nói xong, vị tướng đưa tay cởi chiếc khăn trên cổ trao cho cụ và nói:

- Ta cho giọt máu này đem về mà thờ!

Đoạn ông phi ngựa chạy tiếp về phía tây. Nghe nói khi đến Tốt Động (vùng Chương Mỹ hiện nay) thì hóa.

Vị tướng ấy là Đỗ Bí, một trong những danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu vào đầu thế kỷ 15. Vì thế sau này cả làng Đơ, làng Tốt Động đều thờ Đỗ Bí làm Thành hoàng làng.

Mỗi linh vật, tảng cổ của làng Đơ đều gắn với những câu chuyện kỳ lạ.
Mỗi linh vật, tảng cổ của làng Đơ đều gắn với những câu chuyện kỳ lạ.

Cây đa báo tin tiến sĩ!

Ngôi đình cũ của làng Đơ trước kia ở gần  bờ  hữu dòng sông Nhuệ. Vào năm Bính Tuất (1866) ngôi đình ấy chuyển về xây mới ở vị trí hiện nay. Họ dành đất cho việc quy hoạch xây dựng tỉnh lỵ Hà Đông thời bấy giờ.

Trước mặt ngôi đình cũ có một cây đa cổ thụ mấy người ôm, tán xòe hàng mẫu đất. Cây đa có bộ rễ phụ rất dày, cành vươn tới đâu rễ chen nhau buông xuống tới đấy, giăng mành lớp lớp, đung đưa diệu huyền.

Vào một ngày, dân làng hoảng hốt thấy rễ cây buông mành tự cuộn hết vào thân cây, từng vòng như đai trống. Dân chưa hiểu thế nào thì có tin vui từ Kinh thành truyền về: Sĩ tử nhà họ Lưu đi thi đã đăng khoa tiến sĩ.

Ngày tân khoa vinh quy bái tổ, dân làng vui như mở hội, lúc này họ mới biết cây đa thiêng báo trước điềm lành. Tuy nhiên cũng có người không tin.

Một thời gian sau, những chùm rễ phụ của cây lại cuốn chặt thân cây như lần trước. Và trùng hợp làm sao, năm ấy sỹ tử họ Nguyễn lên kinh ứng thí đã báo tin về vừa đăng khoa tiến sĩ.

Từ đó, dân làng Đơ coi cây đa cổ thụ này là cây đa thần đem lại may mắn và thức đẩy sự học cho dân làng thành nơi khoa bảng. Họ xây dựng miếu thờ rất trang trọng, và dựa vào đó để suy tính điềm lành – điềm dữ trong một năm.

“Làng Đơ là một trong ít những ngôi làng cổ ở Hà Nội lưu giữ được những giai thoại, sự tích nói về tinh thần lập làng lập nước. Ngày nay, những sự tích ấy vẫn được truyền tụng và gắn bó mật thiết với những di tích địa phương. Đặc biệt là ngôi đình cổ đã được nhà nước xếp hạng, nơi ấy chứa đựng nghìn năm văn hoá của làng Đơ cổ kính”, ông Dương Thế Vinh – Chủ tịch UBND phường Hà Cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.