“Báu vật” làng cổ ở Hưng Yên

“Báu vật” làng cổ ở Hưng Yên

"Bỏ con, bỏ cháu, không bỏ mùng sáu chợ Nôm", khu chợ giờ vẫn còn vết tích của sự hoành tráng và sầm uất với những bệ đá dành cho khách thương hồ. Đồ đồng nát khắp đất nước đã một thời hội tụ ở chính chợ Nôm, như là một sự tất yếu mang tính nhân quả: "Đồng nát lại về Cầu Nôm, con gái nỏ mồm về ở với cha".

Mỗi viên gạch, mái nhà cổ kính ở làng Nôm đã làm nên một báu vật vô giá cho phố Hiến xưa. Để rồi hôm nay, làng Nôm không chỉ là chốn yên bình trăm năm vọng lại mà còn trở thành địa chỉ lý tưởng cho những người hoài cổ ngẫm tưởng về một thời đã qua.

Tĩnh lặng làng Nôm

“Báu vật” làng cổ ở Hưng Yên ảnh 1
Vẻ yên bình của làng Nôm.

Từ Hà Nội về làng Nôm chỉ chừng ba chục cây số men theo con đường sát đường sắt đi Hải Phòng, qua ga Lạc Đạo rồi rẽ tay trái đi sâu vào xã Đại Đồng. Phía đầu làng Nôm, người ta làm tấm biển ghi "Quần thể di tích" theo lối cuốn thư lạ mắt.

Nhưng con đường láng mịn bê tông mang vẻ hiện đại lại không ăn nhập cho lắm với lối cuốn thư nho học kia. Thất vọng nhưng cố đi tiếp, ô kia cái cổng làng cổ! Vẻ đẹp xưa đã hiện về trước mắt lữ khách. Cổng làng bốn trụ vuông vức như cổng thành quách có vòm đắp nổi ba chữ: Đồng Cầu Nôm.

Nghe người làng Nôm kể, cổng làng đã được xây từ 200 năm trước. Dù thời gian đã làm bức cổng hư hại và rơi rụng vôi vữa loang lổ nhưng hóa ra lại hay. Những hàng gạch sẫm màu bị thời gian ăn mòn rêu hóa mà trông xa như được điểm xuyết bởi những đường bút mực xanh ngẫu hứng.

Qua cổng làng không gian như tĩnh lặng hẳn. Một hồ nước trong xanh, bao quanh là những ngôi nhà cổ, cây già tuổi ngả bóng mặt nước. Cứ một đoạn ngắn lại một bến gạch xây tam cấp dẫn xuống hồ cho những chị, những mẹ giặt giũ, gánh nước đồ xôi.

Thật khó mà tìm được ở nơi nào có không gian bình yên đậm nét quê đến thế. Ngôi đình Tam Giang của làng Nôm mới thật hồn cốt. Ngôi đình thờ Đức Thánh Tam Giang là tướng thời Hai Bà Trưng, sau hiển linh giúp Lê Đại Hành đánh thắng quân Tống.

Trước sân đình ấy là cây đa vài người ôm ngả bóng mát cho cả một khoảng sân tới tận giếng nước hình lục lăng xếp đá vỉa xanh. Tôi để ý phía gần giếng có tấm bia đá ghi hai chữ nho "Hạ Mã". Phải chăng, đây là chốn thiêng của làng, xưa chức sắc hay dân thường cưỡi ngựa qua đều phải xuống dắt bộ.

Từ ngôi đình này, chẳng cần đi đâu xa mà phóng tầm mắt quanh hồ cũng thấy những ngôi nhà cổ đã hàng trăm năm tuổi. Sau những bức cổng ấy đều là những hàng ô rô, cúc tần thẳng tắp bởi được tỉa tót tỉ mỉ từ những con người chuộng cổ và hoài cổ.

Những ngôi nhà làng Nôm là minh chứng cho một thời kỳ hưng thịnh của làng. Theo sử sách ghi lại, làng Nôm được hình thành từ đầu công nguyên và đến thế kỷ 15 thì dân cư bắt đầu tập trung đông đúc. Làng có đến 7 dòng họ lớn sinh sống quần tụ nhiều đời như: Tạ, Lê, Phùng, Đan… Khác hẳn với các làng Bắc Bộ khác, làng Nôm có hệ thống nhà thờ họ dày đặc.

Cầu đá cổ 200 năm tuổi

“Báu vật” làng cổ ở Hưng Yên ảnh 2
Cầu Nôm 9 nhịp.

Một điểm nhấn có lẽ là tuyệt vời nhất của làng Nôm là chiếc cầu đá 9 nhịp hơn 200 năm tuổi mà tôi đồ rằng, đó là cây cầu cổ duy nhất còn nguyên của vùng đồng bằng sông Hồng. Cây cầu này bắc qua sông Nghĩa (hay còn gọi là sông Bất Nghĩa theo một truyền thuyết ở làng) cho dân làng sang chợ buôn bán và sang chùa mỗi dịp tuần tiết.

Cầu được làm hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối có bề mặt rộng gần 2m được gắn khít nhau. Những phiến đá đều được các hiệp thợ xưa đục đẽo tỉ mỉ với bố cục 9 nhịp vĩnh cửu.

Ở hai bên thành cầu với các mỏm đá dầm chạm vân mây uốn lượn tựa long đình. Phần chân cầu là 16 cột đá trụ gác dầm. Dù từ mặt - mố - chân cầu chỉ gác lên nhau mà không dùng chất kết dính nhưng 200 năm đã trải qua mà những nếp xếp vẫn không xê dịch.

Theo các bậc cao niên trong làng bảo rằng, đầu tiên cầu được làm bằng gỗ lim nhưng để thuận tiện cho việc buôn bán vào chợ Nôm nên các cụ xưa mới bàn nhau làm cầu bằng đá. Nhiều nhà nghiên cứu về làng đều trầm trồ trước vẻ đẹp và sự bền vững của cây cầu này. 

Cây cầu đá cổ là sự khác biệt trong kiến trúc của làng Nôm và cũng là một biểu tượng của ngôi làng cổ khi tên làng - tên cầu hòa làm một để đi vào câu ca dân gian: Ai về cầu đá làng Nôm/Mà xem phong cảnh nước non hữu tình.

Một số ý kiến cho rằng, sở dĩ làng Nôm có cây cầu vĩ đại như vậy là vì liên quan đến nghề buôn bán. Trong khi một số làng ở Hưng Yên xưa chọn nghề đúc đồng thì làng Nôm lại trở thành làng chuyên cung cấp vật liệu kim loại cho các nơi khác.

Với nghề đúc đồng, việc thực hiện công việc rất vất vả, vậy nên người làng Nôm đã chọn nghề buôn bán, trở thành "cầu nối" giữa người sản xuất và người tiêu dùng và cung ứng nguyên liệu cho các lò đúc.

Người làng Nôm tin rằng, thế đất làng mình có hình con thuyền cạnh bờ sông Dâu. Đã là thuyền thì phải ra khơi, càng đi xa "thuyền" càng nhiều cá. Có ý kiến lại tin rằng, khi thầy Tả Ao chọn đất đã sắp xếp cho làng cái thế "kề sông ôm hồ" giống như một cái cân: Mũ đồng cân là cây đa cổng đình, dọc cân là con đường trục xuyên suốt làng, quả cân là văn chỉ.

Cũng vì buôn bán phát đạt mà người làng Nôm mới có tiền xây cây cầu đá 9 nhịp vững chãi kia. Nhiều người đến đây tấm tắc, xuýt xoa về một công trình mà 200 năm trước phải là những người thợ có tay nghề cao mới có thể hoàn thành đến độ hoàn mĩ như vậy.

Những báu vật xưa cũ

“Báu vật” làng cổ ở Hưng Yên ảnh 3
Đường vào làng Nôm.

Ở làng Nôm này, nếu muốn chiêm ngưỡng nhà cổ và đẹp thì có lẽ nên đến nhà cụ Nhật. Ngôi nhà ba gian hai chái với tuổi thọ 200 năm tuổi đã qua mấy thế hệ sinh sống mà những rường những cột dù đã bị mối mọt làm hư hao đôi chút nhưng cái dáng ấy, vẻ ấy vẫn nguyên vẹn như thuở mới dựng.

Ngôi nhà xưa nép dưới những tán cau buổi đầu hạ khơi gợi ra bao nhiêu những hoài niệm xưa cũ. Ở làng Nôm, nhà nào cũng có gia phong riêng. Đời này giữ được truyền dạy đời sau, cứ thế mà giữ. Ở trong nếp nhà cổ các cụ để lại, chẳng cần nói nhiều mà con cháu cứ răm rắp làm theo những điều hay lẽ phải.

Có những ngôi nhà cổ trải qua 6 thế hệ sinh sống nên những cốt cách dường như cũng tụ lại ở ngay mái hiên. Dưới mái hiên này là nơi con cháu kính cẩn sửa soạn trang phục, mái tóc và chuẩn bị cho một lời ăn tiếng nói lễ phép cùng cái vái chào bề trên sau khi bước qua bực cửa.

Nhà của gia đình ông Phùng Văn Long được dựng từ năm 1825, nhà ông Phùng Văn Thiện xây năm 1901, nhà ông Tạ Quang Tần hoàn thành năm 1905... Đặc biệt, còn có một ngôi nhà cổ độc nhất vô nhị ở trong làng, đó là ngôi nhà 5 gian hoàn toàn bằng tre của bà Phùng Thị Hường. Ngôi nhà này ước tính khoảng 110 tuổi.

Về làng Nôm, không một ngóc ngách nào không hiển hiện nét thời gian. Từ những bức cổng nhà đến cái bể nước, từ viên gạch lát nghiêng đến bức tường trát mật rơi rụng… Nét thời gian đã tạo tác cho làng Nôm những báu vật xưa cũ mà quý giá hiếm nơi nào có được.

Làng Nôm giữ được những nét cổ thuần Việt rất đáng quý. Bởi vậy mà nhiều khách tham quan đến với làng Nôm mà da diết không muốn rời xa. Các đoàn làm phim cũng thường xuyên về làng Nôm "mượn" phong cảnh cổ kính để làm nền cho các làng Việt cổ - Ông Nguyễn Xuân Vũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.