Khám phá “linh hồn” làng cổ Triều Khúc

Khám phá “linh hồn” làng cổ Triều Khúc

Hai làng hợp nhất

Cây di sản ở quán thờ xóm Lẻ.

Cây di sản ở quán thờ xóm Lẻ.

Xã Tân Triều (Thanh Trì - Hà Nội) gồm hai làng xưa gộp lại mà thành. Hai làng ấy gồm Triều Khúc và Yên Xá. Làng Yên Xá, xưa gọi là Đơ Bùi, phát xuất tên gắn với nghề trồng được thứ khoai rất bùi và ngọt. Nghe đâu, thứ khoai ấy được các triều vua thích thú tựa như vua bên Trung Quốc thích khoai sọ Lệ Phố.

Làng cũng nổi tiếng với món bánh đúc, được dân kinh thành xưa ưa chuộng. Cho đến bây giờ, những thứ ấy đã tàn lụi. May còn đôi câu đối cổ ngợi ca đất thiêng của làng: “Mạch dẫn Tây Hồ chung tú khí/ Phái tùng Nhuệ thủy dũng văn lan”. Lược dịch: Sóng gợn lung linh theo sông Nhuệ/ Khí thiêng hun đúc tự Tây Hồ.

Bên kia làng Yên Xá là Triều Khúc, tên nôm là Đơ Thao. Chữ “Thao” là phát xuất từ việc dệt quai cho nón quai thao: “Ai làm ra nón quai thao/ Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”.

Người xưa đã ví làng Triều Khúc là một xã hội thu nhỏ. Làng cũng là nguyên mẫu của câu nói “bách nghệ trăm nghề”. Ngoài dệt quai nón, Triều Khúc còn miệt mài với nghề đồng nát, nghề làm chổi lông gà lông vịt, trồng cây cảnh tiến vua…

Nếu lấy những tư liệu của khảo cổ học soi sáng cho sử làng, thì Triều Khúc có đến 3.500 năm tuổi. Lấy đâu ra số tuổi lâu như thế? Thì trên gò Cây Táo ở cánh đồng Miễu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy di chỉ với 140 hiện vật đá, gốm thuộc Văn hóa Phùng Nguyên.

Gần hơn thời ấy, là thời Bố Cái Đại vương Phùng Hưng chọn đất Triều Khúc làm doanh trại. Cuộc chiến đánh thành Tống Bình diễn ra thắng lợi, phần rất lớn góp công của người Triều Khúc. Từ ấy, điệu múa “con đĩ đánh bồng” xuất hiện. Đấy là tích xưa khi Phùng Hưng cho lính tráng giả nữ nhi uốn éo múa mừng công. Điệu múa lạ ấy, người Triều Khúc nay vẫn giữ nguyên vẹn.

Hai làng hợp một, nhưng để hỏi đặc sắc nhất còn lại là gì? Thì có lẽ chỉ còn những cái cổng nhà cổ còn sót lại. Xin nhắc lại, cổng nhà chứ không phải cổng làng. Triều Khúc không có cổng làng.

Cổng nhà Đơ Thao

“Hiện nay làng Triều Khúc còn khoảng 12 bức cổng cổ. Trong đó, số nhiều đều bị rơi rụng, xuống cấp. Việc tôn tạo, gìn giữ bảo vệ cổng cổ vẫn do các gia đình sở hữu đảm nhiệm”. Ông Đặng Ngọc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều

Đi sâu trong làng Triều Khúc, xen lẫn những khung cảnh của một vùng quê đương đô thị hóa mới thấy những oái oăm. Nói là oái oăm không sai tí nào. Xen lẫn giữa những ngôi nhà cao tầng, bê tông nặng nề là những ngôi nhà gỗ cổ, có cái đã xiêu vẹo tựa thời đói kém.

Và ở những con đường làng, chỗ gồ ghề đổ xi măng, chỗ thoai thoải trải nhựa. Đường bé, chật nhưng xe cộ đi lại thì đủ loại, cố nhích vào nhau. Những cây đề, cây đa cổ thụ của làng vẫn còn đấy nhưng không tỏa bóng nổi nữa vì nhà cao tầng đã che đi cả những cây kia rồi.

Nhưng, đó chỉ là những hình ảnh khập khiễng về làng đang kỳ chuyển mình lên phố mà thôi. Khách quen hay lạ, nếu cái tâm tưởng hoài cổ và còn nhận biết cái đẹp thời gian sẽ đứng lại ngắm nghía những bức cổng cổ và lạ kia.

Cổng cổ hàng trăm năm tuổi của nhà cụ giáo Đồng ở xóm Chùa nổi tiếng lắm. Bức cổng sau nhiều biến thiên đã vôi vữa hoang hóa và rơi rụng lắm rồi. Nhiều lần vôi ve, sơn màu quết lên nhưng chỉ bảo vệ cho bức cổng ở những phần áo phía trên. Phía dưới, “phần áo” đã lột để lộ ra hàng gạch đỏ càng làm cho cổng nhà cụ thêm cổ kính.

Cụ giáo Đồng bảo rằng, xưa làng Triều Khúc có nhiều người giàu, nhiều vị chức sắc nên cơ ngơi cũng khá tựa làng cổ Cự Đà, hay làng Cựu chẳng hạn.

Xưa, khi xã hội còn nghèo thì nhà ai có bức cổng đẹp, cao thì đích thị là nhà giàu. Trước, ở cái thời nhà ngói cây mít là phú hộ thì Triều Khúc có lẽ nhiều phú hộ nhất vùng Hà Đông xưa.

Cạnh nhà cụ giáo Đồng là một bức cổng ghi năm 1913. Cổng khóa ngoài, khách gọi không thấy ai thưa, lại có một chậu hoa chắn giữa nên đoán chắc nhà đã bỏ hoang. Bức cổng xem chừng cũng mới được vôi ve vài năm trước, nhưng những rêu phong ở phần mái che thì không giấu được nét thời gian. Và ba chữ nho đại tự cùng đôi câu đối tả - hữu cũng chứng minh gia chủ trước kia là người hay chữ, quý chữ.

Triều Khúc hiện còn giữ được hơn 10 bức cổng cổ.
Triều Khúc hiện còn giữ được hơn 10 bức cổng cổ.
Khám phá “linh hồn” làng cổ Triều Khúc ảnh 3
Khám phá “linh hồn” làng cổ Triều Khúc ảnh 4

Kỷ niệm truyền đời

Ở tại xóm Lẻ, phải nhắc đến cổng nhà của ông Nguyễn Quyền. Trước đây, gia đình nhà ông vẫn nhà ba gian lợp ngói do cha ông để lại, cùng cổng cổ. Sau này khi đất chật người đông, ông buộc phải bỏ nhà cũ xây nhà mới. Thế nhưng rắc rối xảy ra là cái cổng cổ tính sao? Phá đi hay để lại? Để lại thì khác nào bình mới rượu cũ, còn phá đi thì tiếc mà hối cũng không kịp.

Đấu tranh tư tưởng cả mấy tháng, cuối cùng ông quyết giữ lại bức cổng – di tích cuối cùng mà các cụ để lại làm kỷ niệm truyền đời. Ông Quyền nói: “Cổng nhà chính là bộ mặt của cả một gia đình. Nó cũng thể hiện được lối sống, cách nghĩ và nền nếp gia phong của gia đình”.

Bức cổng nhà ông Quyền được các cụ xây dựng vào năm 1928. Gần 100 năm tuổi nhưng xem chừng vẫn còn chắc chắn. Có lẽ do các đời con cháu tôn tạo gìn giữ cẩn thận.

Bên cạnh nhà ông Quyền cũng là một bức cổng cổ ghi nhà số 2. Bức cổng này có thể nói là bề thế nhất làng Triều Khúc. Tuy nhiên, có lẽ do tôn tạo và làm mới lại nhiều lần nên nét thời gian bị che đi quá nhiều. Ở xóm Án, cũng còn vài bức cổng cổ lắm. Nhưng xem chừng, chủ nhân mới của những bức cổng này không còn mặn mà nữa.

Một trong những nguyên nhân là cổng bé quá, xe cộ ra vào khó khăn. Còn nói về xe ô tô thì chắc chắn không vào nổi, đến cái bao đựng phế liệu còn khó lọt nên họ không mặn mà là có cớ.

Cụ Vũ Lệ, thường được gọi là cụ Cả Lệ, cho rằng: Cổng nhỏ, cổng to, đẹp hay xấu cũng phân chia đẳng cấp người xưa. Cổng to, đẹp là của quan hay nhà phú hộ. Cổng nhỏ, khắc chữ nho là của cụ đồ; cổng bé, hoa văn ít là nhà bình thường.

“Ở làng Đơ Thao này ngày trước có sự phân biệt rõ ràng lắm. Cho nên nói cổng nhà là bộ mặt gia chủ là không sai tí nào. Đơ Thao xưa vốn đã là làng cổ, thì những bức cổng nhà đẹp đẽ chính là “linh hồn”, là thần thái văn hóa của làng. Chỉ buồn một nỗi là lớp trẻ bây giờ có biết cho điều ấy đâu”, cụ Lệ cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Biển Đỏ.

Mỹ phóng 200 tên lửa đối phó Houthi

GD&TĐ - Theo War Zone, Hải quân Mỹ phóng gần 400 quả đạn, trong đó có hơn 200 tên lửa, để đối phó các đòn tập kích của Houthi trong hơn 10 tháng qua.

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.