Giải pháp xóa bỏ bất bình đẳng giới trong giáo dục

GD&TĐ - Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã có một số sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho phụ nữ nông thôn được tham gia học nghề.

Chênh lệch về trình độ giữa nam và nữ tăng theo từng cấp học, đặc biệt là ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa
Chênh lệch về trình độ giữa nam và nữ tăng theo từng cấp học, đặc biệt là ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa

Để thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục, việc tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh thực hiện các quy định của pháp luật, chương trình hành động quốc gia được xem là vô cùng cần thiết.

Tỷ lệ nam, nữ biết chữ tương đương nhau

Theo Báo cáo về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam và Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp thực hiện cho thấy, tỷ lệ nam, nữ biết chữ hiện nay là tương đương nhau.

Tuy nhiên, chênh lệch về trình độ giữa nam và nữ ngày càng tăng theo từng cấp học, đặc biệt là ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số. Theo Báo cáo đánh giá độc lập rà soát và đánh giá tác động về giới của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, tình trạng bỏ học sau trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông đang khá phổ biến với trẻ em gái, đặc biệt là trong nhóm dân tộc thiểu số.

Nguyên nhân của tình trạng này được đánh giá không phải do kinh tế hay khoảng cách địa lý từ nhà tới trường học. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực từ bạn bè và các yếu tố xã hội khác.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ nữ thạc sĩ là 44,3%, chưa đạt so với mục tiêu đề ra là 50% trong khi tỷ lệ nữ tiến sĩ là 28%. Con số này vượt 3% so với chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ vẫn là thiểu số trong các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ và các ngành kỹ thuật nói chung.

Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã có một số sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho phụ nữ nông thôn được tham gia học nghề. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay chưa thực sự hiệu quả.

Đào tạo nghề nông nghiệp trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc qua xây dựng nông thôn mới chủ yếu nhằm mục đích phát triển kỹ năng nông nghiệp hơn là chuẩn bị cho lực lượng lao động nông thôn làm việc phi nông nghiệp.

Các hoạt động đào tạo nghề này hiện đang được đánh giá là không theo nhu cầu, thời gian đào tạo ngắn, ít mang tính ứng dụng thực tế. Đồng thời, thời gian tổ chức lớp học không phù hợp.

Đẩy mạnh các quy định của pháp luật

Theo ThS Nguyễn Thu Phương - Học viện Hành chính Quốc gia, việc thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo cần được tăng cường hơn. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh thực hiện các quy định của pháp luật, chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, bao gồm ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Ngoài ra, cần thực hiện lồng ghép bình đẳng giới vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới.

Thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của ngành Giáo dục, trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục của các địa phương. Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch về bình đẳng giới.

Tăng cường các chính sách bù đắp thích hợp dành riêng cho phụ nữ theo từng nhóm, như: Nhóm nữ cán bộ, công chức, viên chức, nhóm phụ nữ nông thôn, nhóm lao động nữ (nhất là lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động ngoài Nhà nước)…

Một giải pháp khác là xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới trong giáo dục. Trong đó, bao gồm trao đổi thông tin về dân số, lao động nữ trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật. Xây dựng hệ thống tiêu chí, yêu cầu thống kê thống nhất giữa Tổng cục Thống kê và các ngành, lĩnh vực quan tâm đến vấn đề giới.

Đề nghị Tổng cục Thống kê bổ sung nội dung về dân số theo nhóm tuổi đi học, theo nam - nữ, dân tộc và theo tỉnh/thành phố trong cuốn Niên giám thống kê hằng năm để làm cơ sở tính toán các chỉ tiêu về giáo dục - đào tạo, cũng như những nghiên cứu liên quan đến vấn đề giới, làm cơ sở đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách về giới sát thực hơn.

Ngoài ra, cần rà soát, đánh giá thực trạng và nhu cầu đến trường của trẻ em gái và trẻ em trai ở một số địa phương trọng điểm (ví dụ, miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên). Rà soát tình trạng bỏ học của học sinh phổ thông, chú trọng trẻ em gái vùng dân tộc, trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt dễ bị tổn thương.

Đặc biệt, quan tâm việc triển khai các chương trình hỗ trợ học sinh nữ trong giai đoạn chuyển tiếp từ tiểu học đến trung học cơ sở; từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông, học nghề, trung cấp chuyên nghiệp hoặc đại học.

Tuyên truyền, vận động cộng đồng, triển khai chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin hướng đến gia đình và trường học. Từ đó, khuyến khích và huy động trẻ em đến trường. Tạo điều kiện hòa nhập cho những trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt.

Rà soát, đánh giá hiện trạng và xác định nhu cầu xóa mù chữ của nam, nữ trong độ tuổi từ 15 trở lên (chú trọng đến các địa phương có tỷ lệ mù chữ cao). Điều tra, cập nhật, thống kê số liệu mù chữ hằng năm có tách giới theo phần mềm quản lý phổ cập giáo dục và xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia các lớp xóa mù chữ cho phụ nữ dân tộc. Đẩy mạnh các chương trình hướng dẫn và tư vấn cho giáo viên làm việc với trẻ em gái dân tộc thiểu số, trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt dễ bị tổn thương.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng, phổ biến và tổ chức tập huấn sử dụng tài liệu hướng dẫn về lồng ghép giới trong chương trình, sách giáo khoa kèm theo các mẫu chỉnh sửa liên quan đến giới trong sách giáo khoa (bao gồm nội dung, hình ảnh, ngôn ngữ…) tới các ban biên soạn, thẩm định chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Xây dựng đề án, dự án về phương pháp giảng dạy giới, bình đẳng giới trong các cơ sở đào tạo giáo viên. Xây dựng tài liệu hướng dẫn, tài liệu tham khảo, chỉ dẫn nguồn, phổ biến, tập huấn cho giáo viên phương pháp tích hợp giảng dạy về giới tính, giới, sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới vào các môn Tự nhiên, Xã hội… Bảo đảm cân bằng của nam giới và nữ giới trong các khóa đào tạo, tập huấn ở tất cả các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.