Thu hẹp bất bình đẳng giới trong lao động, việc làm

GD&TĐ - Việt Nam được quốc tế đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua.

Bất bình đẳng trong tiếp cận việc làm còn được thể hiện trên góc nhìn về tỷ lệ thất nghiệp. Ảnh minh hoạ
Bất bình đẳng trong tiếp cận việc làm còn được thể hiện trên góc nhìn về tỷ lệ thất nghiệp. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, bất bình đẳng giới ở một số lĩnh vực vẫn là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm giải quyết. Trong đó, nổi bật là bất bình đẳng giới ở nơi làm việc.

Những con số “biết nói”

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc. Trong khi đó, việc làm này mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới được đánh giá dưới nhiều góc độ và được quy định tại Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11 ngày 29/11/2006.

Bình đẳng giới trong lao động và việc làm là một trong những nội dung quan trọng trong đánh giá bình đẳng về giới trong giai đoạn hiện nay. Ở nước ta, bình đẳng giới đã được cải thiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn khác biệt nhiều giữa thành thị và nông thôn cũng như giữa các vùng kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, quy mô dân số liên tục tăng trong các năm qua, cùng với lợi thế cơ cấu dân số vàng đã cung cấp nguồn nhân lực vô cùng lớn cho thị trường lao động tại Việt Nam. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với mức 76,8%.

Độ tuổi từ 25 - 49 tham gia vào lực lượng lao động rất cao từ 95,2 - 96,7%. Trong đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở phụ nữ là 76,8%. Đó cũng là tỷ lệ khá cao. Đồng thời, có thể bị hiểu nhầm là một chỉ báo về mức độ bất bình đẳng giới tương đối thấp trong tham gia lực lượng lao động. Bởi, tỷ lệ này ở nam giới cũng chỉ là 81,9%.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, điều đó lại gây ra “gánh nặng kép” một cách không tương xứng. Phụ nữ Việt Nam phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng có tính chất dai dẳng. Lý do là bởi vị thế việc làm có sự khác biệt tương đối rõ ràng giữa nam và nữ.

Trong các vùng kinh tế, sự chênh lệch giữa tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2019 ở nam và nữ cao nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 66,1%, nam là 83,8%. Tiếp đến là Đông Nam Bộ có tỷ lên tương ứng là 64,2% và 79,1%.

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có 75,2% và 83,3%. Tây Nguyên 80,3% và 87,7%. Đồng bằng Sông Hồng 70,8% và 76,8%, Trung du và miền núi phía Bắc có mức chênh lệch thấp nhất cả nước là 3,5 điểm phần trăm khi các tỷ lệ tương ứng lần lượt là 84,5% và 88%.

Số liệu về vị thế việc làm cho thấy những bất lợi đáng kể của phụ nữ khi tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận và làm công việc ổn định thấp hơn nam giới. Xem xét số liệu về cơ cấu lao động trong nền kinh tế theo vị thế làm việc cho thấy chỉ 43% phụ nữ có việc làm là lao động làm công ăn lương, so với 51,4% nam giới có việc làm. Trong khi lao động gia đình không được trả công ở nam giới là 9,2%, con số này ở nữ giới cao gấp hơn 2 lần, 19,4% trong năm 2019.

Vẫn còn sự chênh lệch

Bất bình đẳng trong tiếp cận việc làm còn được thể hiện trên góc nhìn về tỷ lệ thất nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam tương đối thấp, chỉ 2% năm 2019. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp đã che lấp chất lượng việc làm tương đối kém hơn ở phụ nữ.

Số liệu về vị thế việc làm đã chỉ ra phụ nữ chiếm đa số trong nhóm lao động gia đình không được trả công. Trong đó, đặc biệt là phụ nữ tại khu vực nông thôn, những vùng kinh tế kém phát triển, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nên chịu nhiều rủi ro, không được tiếp cận nhiều với các dịch vụ bảo trợ xã hội, thu nhập bấp bênh và dễ bị tổn thương.

Điều này cũng phần nào lý giải lý do tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực nông thôn 1,5% (nữ là 1,5%) thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ 2,9% (nữ 3%) khu vực thành thị.

Như vậy, dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng bất bình đẳng giới trong lao động và tiếp cận việc làm ở nước ta vẫn còn và có sự chênh lệch giữa thành thị - nông thôn. Đồng thời, có sự chênh lệch giữa các vùng kinh tế - xã hội. Tổng cục Thống kê nhận định, điều này đòi hỏi sự cố gắng nhiều hơn nữa của các cấp, ngành trong thu hẹp dần khoảng cách bất bình đẳng này.

Trong bối cảnh này, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, Việt Nam luôn cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực lao động và việc làm. Điều này đã được thể hiện trong những tiến bộ về cải cách luật pháp, chính sách như sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới gian đoạn 2021 - 2030.

Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm, đặc biệt là áp dụng các công nghệ dạy học tiên tiến, chương trình học tập linh hoạt từ xa. Qua đó, nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của lao động nữ.

Việt Nam cũng đã thông qua Nghị quyết 1325 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh và các Nghị quyết liên quan khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ban hành Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và tăng cường khả năng đáp ứng của cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

xuất khẩu lao động nhật bảnMẫu CV được NTD ưa thích