'Điểm sáng' trong thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Thực tế cho thấy, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, công tác bình đẳng giới cũng như công tác cán bộ nữ còn hạn chế.

Ngoài lao động kiếm sống hằng ngày, phụ nữ dân tộc thiểu số còn phải làm việc nhà và chăm sóc con. Ảnh minh họa
Ngoài lao động kiếm sống hằng ngày, phụ nữ dân tộc thiểu số còn phải làm việc nhà và chăm sóc con. Ảnh minh họa

Cùng với những chủ trương, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới nói chung, Việt Nam cũng đã quan tâm ngày càng nhiều đến việc thực hiện bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Gây tổn thất về kinh tế - xã hội

Kết quả điều tra quốc gia về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam của Tổng cục Thống kê và tổng hợp các nghiên cứu gần đây cho thấy, vùng dân tộc thiểu số đang gặp phải những vấn đề giới nghiêm trọng hơn so với các vấn đề giới nói chung ở Việt Nam. Đặc biệt, vấn đề nghiêm trọng trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc làm và thu nhập, chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản.

Tỷ lệ tử vong bà mẹ ở một số nhóm dân tộc thiểu số cao gấp 4 lần so với phụ nữ Kinh. Trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái thường là những nhóm thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, nguồn lực. Lý do là vì chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn giới hạn họ ở các hoạt động chăm sóc con và sản xuất hộ gia đình.

Bà Nguyễn Thị Tư - nguyên Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc cho biết, sự phân biệt đối xử đan xen gây ra thiệt thòi đối với phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số. Điều đó ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cũng theo bà Tư, bất bình đẳng giới khiến phụ nữ và trẻ em gái không được phát huy hết khả năng tiềm tàng của mình. Từ đó, gây ra các tổn thất về kinh tế - xã hội cho cộng đồng. Vì vậy, bình đẳng giới là chiến lược không thể tách rời trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Theo bà Vũ Phương Ly - chuyên gia UN Women Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với nguyên tắc “Không bỏ ai ở lại phía sau” thì vấn đề bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số cần được quan tâm trong quá trình xây dựng chính sách. Đồng thời, cần phải có cơ chế giám sát việc đầu tư nguồn lực cụ thể để thúc đẩy bình đẳng giới.

Đến nay, nguồn lực tài chính nhằm giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới nói chung, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Điều này cản trở không nhỏ đến việc thực hiện các kế hoạch và chương trình nhằm trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số Việt Nam.

Giải pháp thúc đẩy

Thực tế cho thấy, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, công tác bình đẳng giới cũng như công tác cán bộ nữ còn hạn chế. Tỷ lệ phụ nữ tham gia giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt còn khiêm tốn. Ở một số tỉnh cán bộ, công chức nữ chiếm tỷ lệ trên 50%.

Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 (phó giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên) còn chưa tương xứng với lực lượng cán bộ công chức nữ, như: Lai Châu: 25,94%; Lào Cai: 23,26%, Hòa Bình: 39,83%, Điện Biên: 28,05%.

Trong lao động, việc làm, phụ nữ dân tộc thiểu số có thời gian làm việc nhiều hơn nam giới. Ngoài lao động kiếm sống hằng ngày, phụ nữ còn phải làm việc nhà và chăm sóc con.

Pháp luật quy định trong gia đình vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt, cùng nhau bàn bạc, quyết định mọi vấn đề chung, cùng chia sẻ mọi công việc cũng như chăm lo cho con, cha mẹ... Song, thực tế, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng.

Vì vậy, phụ nữ dân tộc thiểu số ít có cơ hội để học tập nâng cao trình độ, nghỉ ngơi giải trí hay tham gia các hoạt động xã hội. Ở một số vùng theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ không chỉ gánh vác mọi công việc, chăm sóc con, mà còn là lao động chính trong gia đình.

Trong bối cảnh này, cùng với những chủ trương, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới nói chung, Việt Nam cũng đã quan tâm ngày càng nhiều đến việc thực hiện bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó, bao gồm: Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng “Phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”; Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng “Phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015”; Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng “Phê duyệt đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”; Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng “Phê duyệt Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”… Những quyết định đó đã tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, đề án, chính sách được giao quản lý hoặc chủ trì triển khai thực hiện có nội dung liên quan giới, bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025”…

Từ năm 2022, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 được triển khai thực hiện. Chương trình gồm 10 dự án. Trong đó, có dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Tiểu dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ