Giải pháp xây dựng ngân hàng ngữ liệu trong dạy học Ngữ văn

GD&TĐ - Với yêu cầu mới, việc xây dựng ngân hàng ngữ liệu với môn Ngữ văn là cần thiết. Tuy nhiên, việc này cần sự đầu tư khá công phu của thầy cô.

Cô Nguyễn Thị Giang Hương và học trò trong giờ học.
Cô Nguyễn Thị Giang Hương và học trò trong giờ học.

Yêu cầu quan trọng

Cô Nguyễn Thị Giang Hương, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết: Chương trình GDPT 2018 đã hướng dẫn về cách đánh giá môn Ngữ văn như sau:

Trong việc đánh giá kết quả năm học, cuối cấp học, cần đổi mới cách thức đánh giá (cấu trúc đề, cách nêu câu hỏi, phân giải độ khó…); sử dụng và khai thác ngữ liệu đảm bảo yêu cầu đánh giá được năng lực của học sinh; khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học.

Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn cũng yêu cầu: Trong đánh giá kết quả học tập cuối kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh…”.

“Từ đặc trưng môn Ngữ văn, cùng với những yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá, việc xây dựng ngân hàng ngữ liệu đóng một vai trò hết sức quan trọng, góp phần quyết định cho chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Ngân hàng ấy bảo đảm đầy đủ tất cả các loại văn bản, các thể loại văn học quy định trong Chương trình Ngữ văn 2018. Yêu cầu này là rất cần thiết, nếu muốn có những đề thi hay, chất lượng cho các bài kiểm tra thường xuyên cũng như định kì trong nhà trường”, cô Nguyễn Thị Giang Hương nhấn mạnh.

Xác định được sự cấp thiết ấy, việc xây dựng ngân hàng ngữ liệu cho kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở Trường THPT Trần Quang Khải được Ban giám hiệu, Ban chuyên môn rất quan tâm, triển khai đến tổ thực hiện ngay từ đầu năm học, đầu kì học.

Tổ Ngữ văn - Giáo dục công dân bàn bạc, xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai nhiệm vụ đến mỗi cá nhân giáo viên trong tổ chuyên môn, sưu tầm, tạo lập ngân hàng ngữ liệu với nhiều mức độ, cấp độ: xây dựng ngân hàng ngữ liệu của từng giáo viên, của tổ bộ môn, để có những văn bản phù hợp đối tượng, rèn luyện cho học sinh cách đọc, cách viết trong quá trình dạy học.

Trên cơ sở đó, tổ chuyên môn xây dựng ngân hàng đề, kho dữ liệu dùng chung để ra đề, căn cứ, tham khảo các văn bản trong sách giáo khoa để chọn ngữ liệu, tổ chức phân tích, báo cáo chuyên đề về chọn ngữ liệu trong các buổi họp tổ, sinh hoạt nhóm.

Các nhóm chuyên môn có trách nhiệm thẩm định, phản biện chéo nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan và bảo mật, để có được ngân hàng ngữ liệu phong phú phục vụ việc ra đề kiểm tra.

Từ việc xây dựng được ngân hàng ngữ liệu, giáo viên trên các lớp dạy xây dựng được kế hoạch dạy học, phạm vi, cách ôn luyện và ra đề kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo yêu cầu mới là các thể loại và kiểu văn bản quy định trong chương trình chứ không phải những văn bản cụ thể đã được học trong cả ba bộ sách giáo khoa.

Tuy nhiên, quy trình này, theo cô Nguyễn Thị Giang Hương gặp không ít khó khăn. Ngữ liệu để lựa chọn quá phong phú, đa dạng, có rất nhiều nguồn để giáo viên tham khảo từ sách báo, tạp chí, các tác phẩm văn học kinh điển đến những tác phẩm mới ra mắt của các nhà văn, nhà thơ…

Quyết định chọn tác phẩm nào đưa vào đề kiểm tra, đánh giá là một quyết định khó. Ngữ liệu phải phù hợp với năng lực đọc hiểu của mọi học sinh: văn bản được chọn không được quá khó với nhiều tầng nghĩa gây rối cho học sinh đại trà; nhưng cũng cần nâng cao hơn mới phân hóa, đánh giá đúng năng lực các em học sinh giỏi…

Xây dựng ngân hàng ngữ liệu đóng vai trò quan trọng, góp phần quyết định cho chất lượng dạy và học Ngữ văn trong nhà trường.

Xây dựng ngân hàng ngữ liệu đóng vai trò quan trọng, góp phần quyết định cho chất lượng dạy và học Ngữ văn trong nhà trường.

Giải pháp xây dựng ngân hàng ngữ liệu

Từ thực tế triển khai xây dựng ngân hàng ngữ liệu cho kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn chuẩn bị cho quá trình tạo lập đề thi bộ môn, cô Nguyễn Thị Giang Hương cho biết đã thực hiện theo các giải pháp chính, cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần có và bám sát vào bảng đặc tả, ma trận trước khi ra đề.

Giáo viên cần chịu khó đọc, tìm tòi, tích luỹ ngữ liệu từ những nguồn tin cậy, tra cứu, thẩm định kĩ trước khi chọn lựa làm ngữ liệu mới cho việc dạy học, để rèn luyện và ra đề kiểm tra, đánh giá.

Chú ý độ khó của ngữ liệu, cần tương đương các văn bản trong sách giáo khoa về thể loại, dung lượng, cách diễn đạt, chủ đề, nội dung, mang tính giáo dục cao… Ngữ liệu và yêu cầu đảm bảo đánh giá được năng lực, phẩm chất của học sinh.

Cần cung cấp thêm phần ghi chú, giải thích, cung cấp thêm những thông tin giúp học sinh hiểu rõ hơn văn bản. Ngữ liệu cần đảm bảo tính vừa sức, có độ phân hoá, đảm bảo phù hợp giữa yêu cầu của đề với giới hạn thời gian quy định.

Thầy cô trước hết phải là người hiểu đúng ngữ liệu và yêu cầu của bài học, sau đó mới dẫn dắt học sinh đọc hiểu và vận dụng tri thức tích hợp để diễn đạt ý hiểu thành câu chữ, thành đoạn, thành bài văn ngắn.

Giáo viên cũng cần nắm vững tri thức về lý luận văn học, thể loại, cách đọc hiểu văn bản theo thể loại và hướng dẫn học sinh tìm hiểu ngữ liệu theo thể loại. Những thông tin về tác giả, thời đại…(như Tiểu dẫn của sách Ngữ văn cũ) học sinh sẽ tự tìm hiểu, giáo viên chỉ chú trọng gợi mở giúp trò khám phá các giá trị nội dung và nghệ thuật của ngữ liệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.