Đánh giá bằng trắc nghiệm môn Ngữ văn: Hay nhưng khó ra đề

GD&TĐ - Hiện còn ý kiến khác nhau về việc sử dụng hình thức trắc nghiệm trong bài thi, kiểm tra môn Ngữ văn.

Thầy và trò Trường THPT Gia Hội (thành phố Huế, Thừa Thiên Huế) trong giờ ôn tập. Ảnh minh họa: ITN
Thầy và trò Trường THPT Gia Hội (thành phố Huế, Thừa Thiên Huế) trong giờ ôn tập. Ảnh minh họa: ITN

Nhiều giáo viên và chuyên gia khẳng định ưu điểm của hình thức này; tuy nhiên cũng thừa nhận, biên soạn được câu hỏi trắc nghiệm cho đúng, hay, có chất lượng cao... với môn Ngữ văn là rất khó.

Phù hợp với phần Đọc hiểu

Theo ý kiến một chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn Phòng GD&ĐT Thanh Trì (Hà Nội), câu hỏi trắc nghiệm có khá nhiều ưu điểm vì quét được phổ rộng kiến thức, dạng câu hỏi khá đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, nhược điểm là không hỏi được chiều sâu kiến thức và không khách quan nếu không tạo ra được các mã đề khác nhau.

Vì thế, chuyên viên này cho rằng, có thể sử dụng câu hỏi trắc nghiệm môn Ngữ văn khối 6, 7, 8 trong kiểm tra, đánh giá định kỳ, thường xuyên với tỷ lệ phù hợp (khoảng 20%) và sử dụng trong phần Đọc hiểu văn bản. Riêng với lớp 9, nhất là đề thi vào lớp 10 THPT, không nên sử dụng câu hỏi trắc nghiệm. Ở Thanh Trì, kiểm tra đánh giá môn Văn lớp 6, 7, 8 vẫn sử dụng câu hỏi trắc nghiệm cho phần Đọc hiểu văn bản với tỷ lệ điểm là 20%.

Về vấn đề này, cô Hồ Thị Lệ Hằng - Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) cho biết, với môn Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018, phần kiểm tra, đánh giá vẫn sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận.

Câu hỏi trắc nghiệm được xây dựng theo các cấp độ: Nhận biết, hiểu, dùng ở phần Đọc hiểu. Sử dụng câu hỏi trắc nghiệm trong môn Ngữ văn phát huy hiệu quả nhất định ở kỹ năng nhận diện kiến thức. Tuy nhiên, với Trường THPT Phú Bài, năm học 2023 - 2024, nhà trường sử dụng hình thức tự luận trong kiểm tra đánh giá, giống cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 môn Ngữ văn.

Trường Tiểu học & THCS Văn Minh (Na Rì, Bắc Kạn) sử dụng câu hỏi trắc nghiệm trong đề kiểm tra Ngữ văn từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6 (năm học 2021 - 2022). Câu hỏi có mức độ từ dễ đến khó; mỗi câu hỏi, học sinh chỉ cần khoanh tròn vào đáp án đúng nhất. Theo cô Dương Thị Hồng Minh - giáo viên nhà trường, nên dùng câu hỏi trắc nghiệm trong đề kiểm tra Ngữ văn phần Đọc hiểu, đáp ứng yêu cầu của chương trình, phát huy năng lực học sinh.

Theo quan điểm của cô Đoàn Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Phenikaa (Hà Nội), hiện nay, xu thế kiểm tra, đánh giá năng lực dưới hình thức trắc nghiệm được các trường đại học lớn áp dụng, có hiệu quả, sức lan tỏa. Trước thực tế đó, nhà trường, giáo viên cần cân nhắc dạy học sinh có kỹ năng đáp ứng được hai hình thức làm bài kiểm tra (trắc nghiệm, tự luận), giúp các em phát huy tối đa năng lực, chủ động giải quyết yêu cầu của các kỳ thi khác nhau.

Nếu biết áp dụng đúng, kiểm tra trắc nghiệm vẫn phát huy được năng lực người học; giúp giáo viên, học sinh tiếp nhận xu hướng kiểm tra của giáo dục hiện đại. Tuy vậy, áp dụng như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu, tần suất nhiều hay ít còn phụ thuộc vào điều kiện nhân lực, năng lực thực tế học sinh, mục tiêu đào tạo của nhà trường…

Tại Trường THCS&THPT Phenikaa, hình thức kiểm tra môn Ngữ văn được thực hiện linh hoạt, đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình, chú ý đón đầu xu hướng kiểm tra, đánh giá các kỳ thi lớn. Vì vậy, nhà trường chú trọng rèn học sinh cả hai kỹ năng làm bài dưới hình thức tự luận và trắc nghiệm. Việc áp dụng các hình thức cũng linh hoạt, xen kẽ trong quá trình dạy và các kỳ học.

Cụ thể, bài trắc nghiệm, tự luận ngắn thường kiểm tra ở hệ số điểm thường xuyên, ở bài tập thực hành ngay sau bài học (tỷ lệ trắc nghiệm - tự luận có thể là 50 - 50). Các bài kiểm tra trắc nghiệm kết hợp tự luận (viết đoạn, bài văn) thường ở bài kiểm tra định kỳ (tỷ lệ thường là 30% trắc nghiệm, 70% tự luận).

Bài kiểm tra trắc nghiệm 100% thường thực hiện dạng test nhanh sau bài học, hoặc thực hiện trong hoạt động thực hành đọc hiểu để học sinh làm quen với hình thức thi đánh giá năng lực của các trường đại học. Kiểm tra tự luận 100% tiến hành ở bài thi định kỳ (chủ yếu ở cấp THPT theo cấu trúc minh họa của Bộ GD&ĐT).

Cô Dương Thị Hồng Minh - Trường Tiểu học & THCS Văn Minh (Na Rì, Bắc Kạn) và học trò trong giờ học. Ảnh: NVCC

Cô Dương Thị Hồng Minh - Trường Tiểu học & THCS Văn Minh (Na Rì, Bắc Kạn) và học trò trong giờ học. Ảnh: NVCC

Điều kiện tiên quyết

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình GDPT Ngữ văn 2018, với môn Ngữ văn, đánh giá năng lực viết và đọc hiểu là 2 yêu cầu quan trọng, phù hợp thực tế Việt Nam. Năng lực viết đương nhiên phải thông qua yêu cầu viết kiểu văn bản.

Năng lực đọc hiểu, hoàn toàn có thể thông qua câu hỏi trắc nghiệm khách quan và tự luận, phù hợp với quy định của Chương trình môn Ngữ văn 2018. Mỗi hình thức có ý nghĩa, vai trò riêng, đều mang lại tác dụng tốt, hiệu quả trong việc đánh giá nếu vận dụng đúng và xây dựng được hệ thống câu hỏi, bài tập chất lượng.

“Trắc nghiệm khách quan bảo đảm được phạm vi kiểm tra có độ phủ rộng, khách quan, công bằng, nhanh gọn, dễ chấm, thuận tiện trong xử lý kết quả... Tuy nhiên, biên soạn được các câu hỏi trắc nghiệm cho đúng, hay và chất lượng cao... với môn Ngữ văn rất khó”. Nhấn mạnh điều này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết, với môn Ngữ văn, lâu nay trên thế giới khi đánh giá năng lực đọc hiểu, người ta dùng trắc nghiệm khách quan rất nhiều. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) là một ví dụ.

Ở Việt Nam, một số kỳ thi lớn chưa đánh giá bằng trắc nghiệm do mục tiêu, tính chất và trình độ thiết kế câu hỏi trắc nghiệm còn hạn chế, không phải do bản thân hình thức câu hỏi trắc nghiệm kém, không phù hợp... Chẳng hạn, thi tốt nghiệp THPT, nếu kết hợp trắc nghiệm đọc hiểu và viết trong một bài thi thì khó xử lý chấm câu trắc nghiệm bằng máy như các môn chỉ đánh giá bằng trắc nghiệm. Nghĩa là, nếu chỉ kiểm tra đọc hiểu thì hoàn toàn có thể dùng trắc nghiệm.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các kỳ thi lớn của một số trường đại học tốp đầu như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Trường ĐHSP Hà Nội; các trường đại học tự chủ tuyển sinh, kỳ thi dự tuyển học bổng các trường ĐH quốc tế... vẫn dùng hình thức trắc nghiệm. Trên các phương tiện truyền thông, nhiều chương trình (Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú....) sử dụng hình thức câu hỏi trắc nghiệm đối với năng lực Ngữ văn...

“Chúng tôi cho rằng, trong đánh giá thường xuyên, kiểm tra nhanh, định kỳ, thi cuối năm, cuối cấp, vẫn có thể sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan với một tỷ lệ điểm phù hợp (nếu không phải chấm các câu trắc nghiệm này bằng máy). Trong dạy học có thể sử dụng trắc nghiệm để khởi động, kiểm tra bài cũ hoặc dùng để ra bài tập củng cố bài học... Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là cần xây dựng được bộ câu hỏi trắc nghiệm đúng, hay, phù hợp và chất lượng... Để đạt được yêu cầu tiên quyết ấy cần sự nỗ lực và tính cẩn thận của người ra đề”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.

Trong Chương trình Ngữ văn 2018, phần hướng dẫn hình thức đánh giá ghi rõ: “Đề thi, kiểm tra có thể yêu cầu hình thức viết tự luận (một hoặc nhiều câu); có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan (câu hỏi trắc nghiệm khách quan) và tự luận (câu hỏi mở) để đánh giá đọc hiểu và yêu cầu viết bài văn về một chủ đề nào đó theo từng kiểu văn bản đã học trong chương trình”. Đây chính là cơ sở pháp lý, giáo viên có thể dựa vào đó để thiết kế, biên soạn đề kiểm tra, thi nhằm đánh giá năng lực của học sinh trong môn Ngữ văn. Việc còn lại chỉ là làm sao biên soạn câu hỏi trắc nghiệm cho đúng, hay và phù hợp với mỗi kỳ thi. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.