Giải pháp nào gia tăng năng suất lao động quốc gia?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm 55% quy mô dân số nhưng chất lượng nguồn nhân lực và năng suất còn thấp.

Muốn gia tăng năng suất lao động cần có nguồn nhân lực chất lượng.
Muốn gia tăng năng suất lao động cần có nguồn nhân lực chất lượng.

Tốc độ gia tăng năng suất lao động chững lại

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội vừa qua có nêu tốc độ tăng năng suất lao động nước ta năm 2022 dự kiến chỉ đạt 4,7 - 5,2%, không đạt chỉ tiêu 5,5% như theo kế hoạch. Trong khi đó, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 có đặt rõ mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm.

Theo TS Nguyễn Thúy Quỳnh, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, để hiện thực mục tiêu trên, Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu hoàn thiện khung pháp luật về phát triển thị trường lao động, nghiên cứu xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm trình Chính phủ và Quốc hội xem xét theo hướng phù hợp với các hình thái việc làm mới, quan hệ lao động mới trong kỷ nguyên kỹ thuật số, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

“Thực tế, vài năm trở lại đây tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam là tương đối cao. Năm 2016 và 2017 là 6,2%, năm 2018 và năm 2019 là 6,6%, năm 2020 gần 4%, năm 2021 dự kiến đạt 4,7 - 5,2%. Kết quả trên là do tỷ lệ lao động qua đào tạo của chúng ta tăng lên; chuyển dịch cơ cấu lao động theo nhóm ngành với xu hướng tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản có mức năng suất lao động thấp nhất đã giảm xuống. Trong khi, tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng có mức năng suất lao động cao nhất đã tăng (từ 22,8% lên 33,1%), tỷ trọng của nhóm ngành dịch vụ có mức năng suất lao động cao thứ hai cũng đã tăng lên (từ 33,6% lên 37,7%)”, TS Thúy Quỳnh chia sẻ.

Sự chững lại của năng suất lao động năm 2021 theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM Trần Anh Tuấn là có nguyên nhân từ tác động của dịch Covid-19. Nhưng nguyên nhân chính vẫn nằm ở tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; một số ngành, lĩnh vực, vùng miền tỷ lệ này còn chênh lệch nhiều. Bên cạnh đó là sự hạn chế về chất lượng đào tạo, cơ cấu đào tạo giữa lý thuyết và thực tế, kết hợp giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng. Tỷ trọng trình độ công nghệ thấp của công nghiệp chế biến, chế tạo của chúng ta cũng còn lớn. Đặc biệt là còn tình trạng trong nông, lâm nghiệp - thủy sản có một số nơi, ngành vẫn còn “lấy công làm lãi”; trong công nghiệp còn tình trạng công nghiệp hỗ trợ yếu…

Lao động khu vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn nhân lực.

Lao động khu vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn nhân lực.

Thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực

Số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, ngoài tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chất lượng lao động cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ đạt cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (36,96%), tiếp đến là vùng vùng Đông Nam Bộ (28,34%), vùng Trung du và miền núi phía Bắc (25,99%), vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (25,75%); thấp nhất là 2 vùng Tây Nguyên (16,51%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (14,61%). Con số chung của cả nước hiện mới chỉ đạt trên 26%. Nguyên nhân của tình trạng trên chính là do quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đô thị chưa đồng bộ, chưa tính đến phát triển nguồn nhân lực của từng vùng, miền, địa phương.

Theo TS Nguyễn Thúy Quỳnh, trong giai đoạn tới, các đơn vị đào tạo, quản lý cần định hướng giáo dục theo nhu cầu nhằm tạo ra sự cân bằng trong đào tạo và sử dụng nhân lực ở các ngành nghề, vùng, miền và các thành phần kinh tế, tránh lãng phí không cần thiết khi đào tạo lao động có bằng cấp mà không được sử dụng hay sử dụng sai so với nội dung đào tạo. Hệ thống giáo dục quốc dân cần được hoàn thiện theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

“Để rút ngắn khoảng cách về trình độ học vấn cũng như trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn, các chương trình mục tiêu quốc gia cần được xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân vùng nông thôn, các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa… Đầu tư cho giáo dục đào tạo cần được tăng cường bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó đầu tư từ ngân sách Nhà nước cần tăng lên, đồng thời huy động nhiều hơn, tốt hơn sức dân thông qua đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập”, bà Quỳnh nhấn mạnh.

Nhìn nhận năng suất lao động thấp bắt nguồn từ trình độ nguồn nhân lực còn thấp, ThS Nguyễn Anh Vũ, chuyên gia tài chính cao cấp, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, cho rằng kỹ năng của người lao động là vấn đề chính chúng ta cần khắc phục cải thiện. Hiện nay bản thân người lao động (kể cả người được đào tạo và chưa đào tạo) tính kỷ luật lao động phần lớn vẫn chưa cao. Tính tuân thủ kỷ luật lao động thấp, thiếu chặt chẽ dẫn đến trình độ thấp. Trình độ lao động thấp dẫn đến việc lao động Việt Nam không làm được việc ở vị trí then chốt, vị trí tạo ra giá trị cao.

“Vấn đề tiếp theo cần giải quyết nằm ở chính sách và chiến lược. Thực tế, hiện nay cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang đặt lao động phải làm việc ở khu vực không tạo ra được giá trị cao còn nhiều. Ví dụ như lao động ở khu vực nông nghiệp, chiếm tỷ trọng cao 40% lực lượng lao động, trong khi giá trị ngành nông nghiệp tạo ra chỉ có 15%. Ngược lại, trong các ngành công nghiệp, thu hút nhiều lao động, nhưng lao động Việt Nam chủ yếu nằm ở khâu gia công, chế biến, lắp ráp, vị trí làm việc yêu cầu rất thấp, đặt ra tình thế lao động Việt Nam làm việc không đòi hỏi trình độ cao, năng suất thấp, không có điều kiện nâng cao trình độ. Đây là những vấn đề cần giải quyết bên cạnh việc gia tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có trình độ cao”, ThS Nguyễn Anh Vũ nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.
Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.