Năng suất lao động tính theo giờ còn thấp

GD&TĐ - Năng suất lao động của chúng ta chưa bằng 1/10 của Singapore, 1/2 so với Philippines, khoảng 1/3 so với Indonesia, Thái Lan. Nhiều chuyên gia lo lắng về phát triển giáo dục nghề nghiệp bởi tuyển sinh ngày một dễ.

Cơ cấu nhân lực đang bị mất cân đối. Ảnh minh họa
Cơ cấu nhân lực đang bị mất cân đối. Ảnh minh họa

Cơ cấu nhân lực đang bị mất cân đối

Nói về công tác tuyển sinh gắn với đào tạo lao động và việc làm, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, cho hay, nếu so sánh những nhân lực của Việt Nam với các nước ở trong khu vực và trên thế giới thì năng lực cạnh tranh của chúng ta tương đối thấp.

Cụ thể, dẫn một thống kê xếp hạng 141 quốc gia về năng lực cạnh tranh năm 2019, Việt Nam đứng ở thứ 67, chỉ xếp trên Lào và Campuchia trong khu vực Đông Nam Á. Còn về năng suất lao động tính theo giờ làm việc, nếu như Singapore là 54,9 thì Việt Nam là 4,4.

“Tức năng suất lao động của chúng ta chưa bằng 1/10 của Singapore, bằng khoảng một nửa so với Philippines, bằng khoảng 1/3 so với Indonesia và Thái Lan. Như vậy, nếu so sánh năng suất lao động tính theo giờ làm việc, chúng ta đang đứng ở tốp rất thấp trong khu vực. Về chỉ số chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta xếp thứ 70/100 quốc gia xếp hạng, tức là so với các nước ở trong khu vực mà tham gia xếp hạng thì chúng ta chỉ đứng trên Campuchia, trong khi Singapore xếp thứ 2. Như vậy, chỉ số chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta cũng đang ở mức rất thấp”, ông Độ cho hay.

Cũng theo ông Độ, về lao động chuyên môn cao, Việt Nam đứng thứ 81/100 quốc gia. So với trong khu vực, chúng ta chỉ xếp trên Indonesia và Campuchia. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ ở mức 26,1%.

Về cơ cấu nhân lực, theo ông Độ, các nước trong khu vực, cứ có 1 người tốt nghiệp đại học sẽ có khoảng 3 người tốt nghiệp cao đẳng, 5 người tốt nghiệp trung cấp. Trong khi đó, ở Việt Nam, nếu có 1 người học đại học trở lên, thì có 0,35 người học cao đẳng, 0,65 học trung cấp và sơ cấp là 0,4.

“Cơ cấu nhân lực của chúng ta đang bị mất cân đối. Số học đại học trở lên chiếm tỷ lệ tương đối cao. Nếu tính ra, cứ 3 người học đại học, mới có 1 người học cao đẳng nghề. Tỷ lệ này đang bị vênh, nên nhân lực trực tiếp tham gia sản xuất đang bị thiếu”, ông Độ nhấn mạnh.

Theo ông Độ, thực trạng còn nhiều khó khăn khi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp hạn chế. Bên cạnh đó là việc phân luồng học sinh sau trung học đi học nghề còn bất cập. Đồng thời thách thức cũng đến từ việc tuyển sinh đại học dễ dàng với quy mô và số lượng lớn.

“Vấn đề thu hút FDI hầu như doanh nghiệp, tập đoàn lớn chuyển hướng. Đầu tiên chúng ta nghĩ họ đầu tư nhiều vào Việt Nam nhưng sau đó họ sang các nước khác nhiều hơn như Ấn Độ. Rõ ràng, năng lực cạnh tranh và nhân lực có kỹ năng tham gia sản xuất trực tiếp của chúng ta đang rất yếu”, ông Độ khẳng định.

Mục tiêu có khoảng 70 trường chất lượng cao

Nhiều đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến, khuyến nghị về chính sách với cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp. Hầu hết chuyên gia đều tỏ ra lo lắng khi việc tuyển sinh vào đại học ngày một dễ dàng khi các trường mở thêm nhiều ngành, xét tuyển bằng nhiều phương thức.

Bà Khương Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), cũng chia sẻ về kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, mục tiêu cụ thể của chiến lược là đến năm 2025 sẽ bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Từ đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.

Một số chỉ tiêu chủ yếu được đề ra như thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%. Đồng thời phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn, khoảng 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại. Mục tiêu có khoảng 70 trường chất lượng cao.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên - cho biết, tỉnh có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở đóng trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp nên nhu cầu nhân lực rất lớn, trung bình có 100.000 - 130.000 lao động.

Tuy nhiên, bà Hương nhìn nhận yêu cầu nâng cao chất lượng nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao có khó khăn khi cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được do đầu tư đã lâu. Trong khi nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp hiện nay đang cần tiếp cận trang thiết bị hiện đại công nghệ mới. Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có nhiều, mỗi năm bố trí được 20 tỷ cho đào tạo, trang bị cơ sở vật chất.

“Chúng tôi mong rằng, trong các văn bản, thông tư hướng dẫn, đề nghị có nguồn lực ưu tiên đối ứng của địa phương. Mục đích để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như mua sắm trang thiết bị để từng bước hiện đại hóa cơ sở thực hành cho học sinh”, bà Hương đề xuất.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - cho rằng, để thực hiện được mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, ở cấp vĩ mô cần phải có những hành động đột phá, dám nghĩ dám làm. Ở cấp cơ sở là các trường, các cơ sở giáo dục cần đổi mới tư duy, sẵn sàng thay đổi.

Theo ông Bình, chiến lược đã có, nhưng vấn đề cần quan tâm là đưa được chiến lược vào trong thực tiễn. Do đó, ông Bình kiến nghị lãnh đạo các sở LĐ-TB&XH đề nghị UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược cụ thể. Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, quan tâm đến học liệu dùng chung, nền tảng dùng chung...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Phạm Văn Quang đi xác minh hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ.

'Già làng khuyến học' đất Cà Mau

GD&TĐ - 77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).

Nguyễn Hạo Thiên nhận giấy khen của quận Tân Phú, TPHCM dành cho học sinh giỏi cấp thành phố. Ảnh: NVCC

Thủ khoa hay 'ra đề' đố bạn

GD&TĐ - Nguyễn Hạo Thiên là thủ khoa đầu vào có kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT cao nhất của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM)...

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…