Lời giải mới cho bài toán năng suất lao động

GD&TĐ - Để tăng năng suất lao động (NSLĐ), Việt Nam vẫn đang theo đuổi việc tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng, dịch chuyển cơ cấu lao động… Xoay quanh vấn đề này, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã bóc tách những khía cạnh mới nhằm thúc đẩy tăng NSLĐ hiệu quả.

Thu hút nhiều lao động nông nghiệp chuyển đổi việc làm, song NSLĐ ở ngành May mặc còn rất thấp.
Thu hút nhiều lao động nông nghiệp chuyển đổi việc làm, song NSLĐ ở ngành May mặc còn rất thấp.

Bất cập trong duy trì tăng trưởng

Báo cáo tại Diễn đàn năng suất lao động Việt Nam trong bối cảnh của CMCN 4.0 cho thấy, trong những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ những yếu kém nội tại. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, yếu tố chuyển dịch cơ cấu lao động đóng vai trò quan trọng vào tăng NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế. Đóng góp của chuyển dịch cơ cấu lao động vào tăng NSLĐ ở nước ta vẫn ở mức cao nhưng có xu hướng giảm, tỷ lệ này trong giai đoạn 2011 - 2017 đạt 39%, thấp hơn mức 54% của giai đoạn 2000 - 2010.

Chuyển dịch cơ cấu lao động tuy diễn ra khá nhanh nhưng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn, đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến NSLĐ thấp. Những năm qua, tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy đã giảm từ 48,4% năm 2011 xuống còn 37,7% năm 2018 (trung bình mỗi năm giảm 1,5 điểm phần trăm) nhưng vẫn lớn hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Đến năm 2018, nước ta vẫn còn tới 20,5 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi NSLĐ khu vực này chỉ đạt 39,8 triệu đồng/lao động, bằng 38,9% mức NSLĐ chung của nền kinh tế; bằng 30,4% NSLĐ khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 33,7% NSLĐ khu vực dịch vụ. Thời gian qua, khu vực nông thôn đang có sự chuyển dịch lao động từ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sang các ngành phi nông, lâm nghiệp, thủy sản đã góp phần nâng cao NSLĐ chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế lao động di chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp chủ yếu lại chuyển sang làm trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp.

“Bóc tách” cơ cấu lao động

Hiện nay, nước ta vẫn còn dư địa để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nhằm tăng NSLĐ. Tuy nhiên, xu hướng này không thể kéo dài khi Việt Nam phát triển lên mức cao hơn, thu nhập ở khu vực nông thôn gia tăng, cơ cấu kinh tế ổn định sẽ làm giảm đáng kể dư địa cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động.

GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn cho biết, NSLĐ của Việt Nam không phải lĩnh vực nào cũng thấp, có những lĩnh vực không hoàn toàn thấp. Có những lĩnh vực NSLĐ rất cao, có thể kể đến các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, IT... và một số lĩnh vực khác, đòi hỏi chất xám cao. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực vẫn còn thấp, rất thấp như nông nghiệp, chế biến thủy sản, lâm nghiệp... các lĩnh vực này sử dụng 42% lực lượng lao động nhưng chỉ đóng góp được khoảng 17% GDP.

“NSLĐ hay là chết”, đó là một khẩu hiệu, muốn vậy phải tìm được những điểm mạnh của từng cá nhân trong tập thể doanh nghiệp, tập trung đầu tư mũi nhọn, khơi dậy tinh thần yêu lao động, say mê cải tiến công nghệ, thì mới tăng NSLĐ hiệu quả  - GS Nguyễn Cảnh Toàn 
nhấn mạnh.

Hiện nay, chúng ta đầu tư về khoa học công nghệ còn thấp. Trong khi các nước trên thế giới và trong khu vực đầu tư rất cao vào lĩnh vực này. Muốn tăng NSLĐ chắc chắn phải áp dụng công nghệ mới.

Tuy nhiên, cho dù có áp dụng công nghệ mới đến đâu thì cũng phải cải thiện về tinh thần lao động. Mỗi người lao động phải có ước mơ, không cam chịu nghèo khó. Phải là một thực thể lao động chủ động, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất để tăng NSLĐ.

Bên cạnh đó, một trong những điểm yếu ảnh hưởng đến NSLĐ là năng lực quản lý. Hệ thống quản lý tại Việt Nam chưa hiện đại, trong phần lớn các doanh nghiệp vẫn là cách quản lý trong bước quá độ từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn. Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu phải là quản lý hiện đại, tư duy mới, đưa công nghệ của CM 4.0 vào quản lý. Bản thân người lãnh đạo phải có tư duy kỹ trị, am hiểu khoa học công nghệ thì mới có thể đưa NSLĐ lên cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.