Bảo đảm nguồn nhân lực giai đoạn phục hồi sau dịch
Thực tiễn cho thấy, phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định trong chiến lược phát triển du lịch của đất nước. Chiếm khoảng 40% thị trường lao động du lịch, nhóm nhân lực trẻ là một trọng tâm phát triển của ngành. Trong giai đoạn quan trọng hiện nay khi ngành du lịch triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả, việc khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trẻ là một yêu cầu tất yếu khách quan.
Bộ VH,TT&DL cho rằng, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi nguồn nhân lực du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc. Từ đó, đáp ứng yêu cầu tổ chức kinh doanh phục vụ khách du lịch.
Tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhóm nhân lực trẻ. Mục đích nhằm đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch ứng với lĩnh vực kinh doanh, các địa phương trong cả nước. Việc đào tạo cần chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi.
Tăng cường công tác nghiên cứu những thay đổi của thị trường trong lĩnh vực du lịch. Hành vi tiêu dùng của khách du lịch đã có những thay đổi đáng kể do những biến động từ tình hình dịch bệnh. Bởi vậy, việc nghiên cứu thị trường và những thay đổi trong tâm lý và hành vi du khách là đặc biệt cần thiết. Đây là một trong những nền tảng cốt lõi để định hướng mở cửa lại du lịch và là cơ sở phục hồi mạnh mẽ ngành du lịch Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường nâng cao kỹ năng nghề và bổ sung hình thành các kỹ năng chuyển đổi, các kỹ năng mới. Linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của thế giới việc làm đối với nguồn nhân lực du lịch.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần nâng cao năng lực của hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch. Đảm bảo đủ năng lực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành. Nhiệm vụ đầu tiên để phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn này là cần củng cố và hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục du lịch. Đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo và phân bố vùng, miền hợp lý phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia.
Bên cạnh đó, rà soát, phát triển ngành, chuyên ngành, nghề đào tạo lĩnh vực du lịch. Đại dịch Covid-19 đã có những tác động mạnh mẽ làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh kế, xã hội. Thêm vào đó là những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có những vị trí ngành nghề, công việc trong lĩnh vực du lịch sẽ dần mất đi. Đồng thời có những ngành nghề sẽ phát sinh cần có nhân lực để đảm nhiệm trong thời gian tới như phân tích, quản trị rủi ro, quảng bá số...
Điều đó đòi hỏi cần phải rà soát, điều chỉnh, phát triển danh mục các ngành, nghề phù hợp nhu cầu thực tiễn của ngành du lịch. Đầu tư, nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch. Khuyến khích triển khai thành lập các cơ sở giáo dục du lịch ở các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo ngoài công lập và các cơ sở có vốn đầu tư của nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, trung tâm và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng du lịch. Trong đó đặc biệt quan tâm đến đào tạo nhân lực cấp trung và cấp cao trong lĩnh vực kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo
Muốn chú trọng công tác đào tạo nghề du lịch, các cơ sở giáo dục ngành này cần nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên. Bên cạnh đó, cần cập nhật, đổi mới xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo du lịch tiên tiến đảm bảo hội nhập khu vực và quốc tế. Xây dựng chương trình đào tạo nhân lực du lịch, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu và năng lực tự chủ nghiệp vụ theo chuẩn đầu ra.
Đặc biệt, chú trọng tính thực tiễn trong đào tạo và tăng tối đa thời gian thực hành, thực tập ngay năm đầu tiên của chương trình học. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ xây dựng, đẩy mạnh triển khai các hoạt động đào tạo cán bộ trẻ cho ngành du lịch tại các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp uy tín, đầu ngành.
Các cơ sở đào tạo cũng cần tập trung bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số. Đảm bảo năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và điều kiện sau đại dịch Covid-19.
Theo đó, giáo viên phải cố gắng nhiều hơn để phân tích vấn đề, để sinh viên gắn kết giữa thực tế và lý thuyết. Học sinh, sinh viên sẽ phải được trang bị kiến thức với bối cảnh mới, cách quản lý và ứng phó rủi ro của doanh nghiệp du lịch, học thêm về du lịch trực tuyến hay các xu hướng du lịch mới.
Đồng thời, tăng cường phối hợp, gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp, đặc biệt là nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Để có được nguồn nhân lực du lịch chất lượng và bắt kịp xu thế của đất nước và khu vực, cần có cơ chế khuyến khích và tạo môi trường để gắn kết việc đào tạo nhân lực giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động. Nhà trường cần chủ động và doanh nghiệp cần xác định được những lợi ích tổng thể và lâu dài để đảm bảo việc hợp tác chặt chẽ và hiệu quả.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đặc biệt, khi mở cửa trở lại du lịch quốc tế, các quốc gia bắt buộc phải có sự hợp tác chặt chẽ với nhau trong quá trình xây dựng, tổ chức các hoạt động du lịch.