Phát triển du lịch gắn với kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Trường ĐH Kiên Giang vừa tổ chức hội thảo Phát triển du lịch gắn với kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quang cảnh Hội thảo Phát triển du lịch gắn với kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Quang cảnh Hội thảo Phát triển du lịch gắn với kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tham dự hội thảo có TS Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang; đại diện Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang; các trường CĐ, ĐH; các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên cùng hơn 200 sinh viên.

Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, phát triển du lịch, phát triển kinh tế biển đóng vai trò chủ lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng.

Hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch thảo luận về những tiềm năng và thách thức để phát triển du lịch gắn với kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Thúc đẩy hơn nữa việc kết nối nghiên cứu khoa học và thực tiễn, xác định một số định hướng chính nhằm phát triển du lịch và kinh tế.

Đại biểu tham dự trao đổi tại hội thảo.
Đại biểu tham dự trao đổi tại hội thảo.

Phân tích thực trạng phát triển kinh tế biển của tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Kiên Giang là 1 trong 28 tỉnh, thành trong cả nước có biển, là tỉnh có hệ sinh thái vùng ngập mặn ven bờ đa dạng, tài nguyên với tiềm năng đất đai, đồi núi, khoáng sản, rừng nguyên sinh, biển đảo.

Vùng biển Kiên Giang có diện tích khoảng 63.290km2, 140 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 40 hòn đảo có dân cư sinh sống. Vị trí và điều kiện tự nhiên đặc thù tạo ra cho tỉnh Kiên Giang nhiều lợi thế, tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế biển, đảo.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng để tạo sự đột phá trong phát triển tỉnh Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia cần phát triển thủy sản, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững đến năm 2030”, nâng dần tỷ trọng nuôi biển trong cơ cấu ngành thủy sản; phát triển đô thị biển mang đặc trưng của Kiên Giang; Đẩy mạnh hơn nữa phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, đảo mang bản sắc độc đáo của tỉnh Kiên Giang.

Để phát triển bền vững du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Quý, Khoa Du lịch - Khách sạn, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, các tỉnh nên tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển và cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực du lịch; Thực hiện khác biệt và đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển, đẩy mạnh phát triển du lịch xanh và bền vững.

“Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của ngành du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Quý nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những khó khăn, thách thức của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long; đặt ra những vấn đề, thực trạng về hoạt động phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng, bền vững, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch biển; định hướng phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch hiện nay của tỉnh Kiên Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Hội thảo đã nhận được 15 bài tham luận với các nội dung như: Phân tích thực trạng phát triển kinh tế biển của tỉnh Kiên Giang; Thực trạng, tiềm lực, giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển du lịch biển Kiên Giang gắn với phục hồi và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống; Giải pháp nâng cao công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; Giá trị lịch sử cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long; Lợi thế du lịch biển đảo ở Đồng bằng sông Cửu Long; Du lịch xanh - giải pháp phát triển du lịch bền vững; Phát triển du lịch cộng đồng nhằm đảm bảo sinh kế cho người Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ