Bảo tồn, phát huy văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

GD&TĐ - Quảng Bình có hơn 40 sản phẩm du lịch, trong đó khám phá văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang tạo được sức hút với khách du lịch.

Toàn cảnh Hội nghị phát triển sản phẩm du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình năm 2022.
Toàn cảnh Hội nghị phát triển sản phẩm du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình năm 2022.

Ngày 24/12 tại thành phố Đồng Hới, Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với các đơn vị đã tổ chức Hội nghị phát triển sản phẩm du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình năm 2022.

Tại hội nghị các chuyên gia, trao đổi thảo luận, đánh giá về thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số; tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững du lịch gắn với bảo tồn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Quảng Bình.

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị.
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị.

Từ đó, đề xuất các sản phẩm du lịch, khuyến nghị các cơ chế chính sách để thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm du lịch với trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số.

Quảng Bình được biết đến là một trong những địa phương giàu tài nguyên du lịch hàng đầu Việt Nam, vùng đất giao thoa, hội tụ của nhiều luồng văn hoá vật thể và phi vật thể của khu vực Bắc Trung bộ.

Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình phát biểu tại hội nghị.

Riêng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 15 xã và 3 bản trên địa bàn các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy, với 27.004 người. Đây là địa bàn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong dọc, theo hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Mỗi tộc người, dân tộc có giá trị văn hóa độc đáo riêng và từ lâu đã diễn ra quá trình đan xen văn hóa, giao lưu, vay mượn, học hỏi lẫn nhau giữa các tộc người thiểu số với tộc người thiểu số, giữa các tộc người thiểu số với người Việt và cả quan hệ xuyên quốc gia với các dân tộc ở Lào. Những tài nguyên thiên nhiên và văn hóa này có giá trị lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Lễ hội đập trống của người Macoong cùng với Lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều và Hò thuốc cá Minh Hóa đã trở thành các sự kiện văn hóa, du lịch thu hút sự quan tâm nhân dân và khách du lịch.

Lễ hội đập trống của người Macoong cùng với Lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều và Hò thuốc cá Minh Hóa đã trở thành các sự kiện văn hóa, du lịch thu hút sự quan tâm nhân dân và khách du lịch.

Theo thống kê, hiện Quảng Bình có hơn 40 sản phẩm du lịch hiện đang khai thác, trong đó các sản phẩm du lịch văn hóa, tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế như: Khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều; trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại xã Thượng Hóa; Khám phá khe Nước Trong, suối Tiên và Chinh phục thác Cổng Trời, Bãi Đạn; Khám phá thiên nhiên Hóa Sơn – hang Rục Mòn…

Quảng Bình có hơn 40 sản phẩm du lịch hiện đang được khai thác. Ảnh: Hoàng Táo.
Quảng Bình có hơn 40 sản phẩm du lịch hiện đang được khai thác. Ảnh: Hoàng Táo.

Ngoài ra, một số lễ hội văn hóa độc đáo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội đập trống của người Macoong, Lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều và Hò thuốc cá Minh Hóa đã trở thành các sự kiện văn hóa, du lịch thu hút sự quan tâm nhân dân và khách du lịch.

Việc phát triển du lịch tại khu vực này vừa làm đa dạng hóa, bổ sung dịch vụ cho các sản phẩm du lịch hiện có của các địa phương đồng thời góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

Các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng được thiết kế độc đáo, hấp dẫn du khách. Ảnh: Oxalis cung cấp.
Các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng được thiết kế độc đáo, hấp dẫn du khách. Ảnh: Oxalis cung cấp.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, du lịch tỉnh này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; các loại hình sản phẩm du lịch chưa đa dạng; chưa khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên văn hóa đặc biệt khu vực miền núi, biên giới.

Việc phát triển du lịch mới chỉ tập trung chủ yếu tại Phong Nha – Kẻ Bàng, thành phố Đồng Hới, chưa tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm tại nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh để mở rộng các phân khúc thị trường khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của du lịch, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, sản xuất phụ trợ…

Quảng Bình đang tạo ra những sản phẩm du lịch thu hút du khách, phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế về tài nguyên du lịch để đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Quảng Bình đang tạo ra những sản phẩm du lịch thu hút du khách, phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế về tài nguyên du lịch để đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Nhấn mạnh về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, du lịch văn hóa (hay du lịch di sản) phát triển khá mạnh mẽ và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế.

Đây là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Du lịch văn hóa có nhiều loại hình khác nhau, như du lịch tín ngưỡng, du lịch cội nguồn, du lịch trải nghiệm văn hóa…

Đu dây vượt thác khám phá Động Châu – Khe Nước Trong là sản phẩm du lịch mới hứa hẹn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Ảnh: Hoàng Táo.
Đu dây vượt thác khám phá Động Châu – Khe Nước Trong là sản phẩm du lịch mới hứa hẹn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Ảnh: Hoàng Táo.

Theo ông Phong, làm du lịch là cần phải sáng tạo, để tạo ra những sản phẩm du lịch thu hút du khách, phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế về tài nguyên du lịch để đa dạng hóa sản phẩm du lịch; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Về phía Tổng cục Du lịch, ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Tổng cục trưởng cũng nêu rõ, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững là vấn đề quan trọng, đồng thời cũng là yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ