Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông

GD&TĐ - Nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ khoa học giáo dục nói chung, các mã ngành lý luận và phương pháp dạy học bộ môn nói riêng là một trong những giải pháp vừa có tính cấp bách, vừa có tính chất lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đưa quan điểm này, PGS.TS. Nguyễn Văn Tứ - Phó trưởng phòng Đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Vinh - đồng thời chia sẻ một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo trình độ thạc sĩ Giáo dục học, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn (GDH - PPDH), đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông (GVPT) hiện nay.

Qua hệ hữu cơ giữa kiến thức khoa học cơ bản và khoa học giáo dục

Điều đầu tiên, PGS.TS. Nguyễn Văn Tứ cho rằng, cần xác định đúng mối quan hệ hữu cơ giữa kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức khoa học giáo dục trong đào tạo giáo viên bộ môn ở trường phổ thông.

GVPT không thể giảng dạy tốt nếu không có được những kiến thức cơ bản của môn học, nội dung giảng dạy. Tuy nhiên, nếu chỉ nắm được kiến thức giảng dạy mà không có được phương pháp giảng dạy khoa học thì cũng không làm tốt được nhiệm vụ của người GVPT.

Trường phổ thông có nhiệm vụ phát triển năng lực HS thông qua các môn học cụ thể, chứ chưa phải là đào tạo các em trở thành những nhà khoa học. Trong việc dạy học các môn học ở trường phổ thông, người GV phải tổng hòa trình độ, năng lực, phẩm chất, kỹ năng của một nhà khoa học cơ bản và của một nhà khoa học giáo dục.

Vì vậy, dù mô hình đào tạo GVPT dù là: a) Đào tạo 3-4 năm ở trường sư phạm (học kiến thức đại cương, chuyên ngành + học về giáo dục học + thực tập); b) Đào tạo 3-4 năm (CĐ, cử nhân khoa học) ở trường đại học chuyên ngành + kiến thức về giáo dục học + thực tập) thì mối quan hệ giữa kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức về khoa học giáo dục luôn luôn được xác định. Đây là một mô hình đã được khẳng định trong đào tạo GVPT ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tăng quy mô hợp lý và đảm bảo chất lượng

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Văn Tứ, cần tăng quy mô hợp lý và đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo trình độ thạc sĩ các mã ngành giáo dục học và phương pháp giảng dạy. Thay đổi nhận thức của đội ngũ GVPT về học thạc sĩ để phát triển năng lực dạy học và giáo dục chứ không phải chỉ đạt bằng cấp.

Tổ chuyên môn, các trường phổ thông, các cấp quản lý giáo dục (phòng, sở) khuyến khích, động viên GVPT tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ về các mã ngành GDH - PPDH để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của nhà trường.

Việc cử đi học cần đảm bảo chất lượng, tránh hình thức hóa bằng cấp cho đội ngũ GV. Định hướng cho số sinh viên tốt nghiệp ĐH đủ điều kiện để học thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH phù hợp, tránh hiện tượng thạc sĩ tốt nghiệp không có việc làm.

Kiểm soát chặt chẽ đầu vào đào tạo trình độ thạc sĩ. Đội ngũ cán bộ quản lý, các tổ trưởng chuyên môn cần đi học các chuyên ngành GDH - PPDH phù hợp với trình độ được đào tạo ở bậc ĐH. Tăng cường kiểm soát chất lượng ở các lớp liên kết đào tạo ở ngoài cơ sở đào tạo.

Phát triển chương trình đào tạo, mở mã ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Cho rằng, cần phát triển chương trình đào tạo và mở các mã ngành đào tạo mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phát triển năng lực nghề nghiệp cho GVPT, theo PGS Nguyễn Văn Tứ, các học phần chương trình đào tạo thạc sĩ mã ngành GDH - PPDH cần tiếp cận, chuyên sâu vào những vấn đề đổi mới của giáo dục phổ thông.

Nội dung các học phần phải kết hợp giữa khoa học cơ bản và khoa học giáo dục, giữa tri thức nền tảng và tri thức phương pháp; giữa những kết quả đã được khẳng định với việc cập nhật những thành tựu mới, hiện đại về phương pháp giáo dục, dạy học.

Phát triển chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH theo hướng tích hợp và liên môn, liên ngành... Trên cơ sở danh mục mã ngành đào tạo cấp IV, đề nghị các cấp cho thẩm quyền cho phép mở các mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ GDH - PPDH phù hợp với nhu cầu thực tế của trường phổ thông.

Hoạt động phát triển chương trình, nội dung các học phần của các mã ngành GDH - PPDH cần phát huy vai trò của người học trong việc phản ánh, kiến nghị những ưu điểm, khuyết điểm trong lý luận và thực tiễn dạy học bộ môn; tăng cường sự phản biện của đội ngũ GVPT; xác định tính hiệu quả, bền vững của chương trình, nội dung đào tạo trình độ thạc sĩ đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy học, trình độ đội ngũ GVPT. Tăng cường phát triển các mã ngành GDH - PPDH theo hướng nghiên cứu ứng dụng.

Phát triển chương trình đào tạo, mở mã ngành mới đi đôi với việc tăng cường kiểm định chất lượng quá trình đào tạo trình độ thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH từ tuyển sinh, quản lý ĐT, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra, đánh giá luận văn tốt nghiệp, đội ngũ giảng viên, các điều kiện đảm bảo khác.

Liên thông, kết nối với chương trình ĐT trình độ đại học, trình độ tiến sĩ. Học tập các chương trình ĐT trình độ sau đại học của các nước tiên tiến, tiếp cận với chuẩn mực và kinh nghiệm quốc tế về phát triển đội ngũ GVPT có trình độ thạc sĩ; kết hợp chặt chẽ giữa khoa học cơ bản và khoa học giáo dục, tích hợp liên môn để đáp ứng nhu cầu dạy học tích hợp ở trường phổ thông hiện nay.

Nghiên cứu, vận dụng, phát triển các phương pháp, phương tiện, hình thức dạy học hiện đại phù hợp với mục tiêu, nội dung dạy học, đối tượng và hoàn cảnh học tập môn học của chương trình mới.

Gắn hoạt động nghiên cứu với thực tiễn hoạt động dạy học ở phổ thông

Với nội dung này, PGS Nguyễn Văn Tứ cho rằng, trong quá trình đào tạo, cần góp phần giải quyết những yêu cầu thực tiễn của hoạt động dạy học ở trường phổ thông đang đặt ra qua giảng dạy các học phần, các bài tập lớn, thi học phần, chủ đề xemia, đề tài luận văn,...

Phân hóa vùng miền trong đào tạo trình độ thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH. Có các khóa đào tạo trình độ thạc sĩ phù hợp với GVPT giảng dạy ở vùng dân tộc thiểu số, các địa bàn có tính chuyên biệt.

Lựa chọn các đề tài nghiên cứu, các cụm vấn đề nghiên cứu trong luận văn thạc sĩ để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu theo nhóm, huy động đội ngũ GVPT cùng tham gia giải quyết những bài toán mà GD và hoạt động dạy học các môn học ở trường phổ thông đang đặt ra.

Vấn đề nghiên cứu ấy không những được thực hiện trong thời gian học thạc sĩ mà còn được GVPT tiếp tục bổ sung, mở rộng, phát triển trong quá trình công tác, giảng dạy, bồi dưỡng về sau.

Các bài thi học phần nên thực hiện dưới hình thức tiểu luận, bài tập nghiên cứu ứng dụng để giải quyết những vấn đề cập nhật trong giáo dục và dạy học ở trường phổ thông hiện nay.

Tăng cường liên kết giữa các cấp quản lý GDPT với các cơ sở giáo dục ĐH

Nhấn mạnh tính cần thiết của việc tăng cường sự liên kết giữa các cấp quản lý GDPT với các cơ sở giáo dục đại học về việc quản lý quá trình đào tạo trình độ thạc sĩ các mã ngành giáo dục học và phương pháp giảng dạy, theo PGS Nguyễn Văn Tứ, cần xây dựng kế hoạch của Phòng, Sở về việc bố trí GVPT đi đào tạo trình độ thạc sĩ;

Thực hiện ký kết giữa các cấp quản lý giáo dục với cơ sở đào tạo về số lượng, chất lượng, cơ cấu đào tạo trình độ thạc sĩ về các mã ngành GDH - PPDH. Tạo điều kiện để tổ chức nhiều học phần học tại địa bàn để giảm chi phí cho người học...

Các cấp quản lý giáo dục với tư cách là đơn vị sử dụng kết quả đào tạo trình độ thạc sĩ, cần cử các chuyên gia tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận văn, đánh giá kết quả học tập, đặc biệt là việc thẩm định, phản biện kết quả nghiên cứu, ứng dụng của học viên đã tốt nghiệp.

Có quy định người học phải ứng dụng được các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; trường phổ thông tổ chức cho GV vừa tốt nghiệp thạc sĩ báo cáo kết quả nghiên cứu (luận văn) của mình trước hội đồng sư phạm; có chế độ tuyển chọn, bố trí GV đạt trình độ thạc sĩ tham gia, chủ trì, quản lý các hoạt động giáo dục và dạy học quan trọng ở trường phổ thông.

Gắn hoạt động đào tạo trình độ thạc sĩ ở các mã ngành GDH - PPDH với chương trình, nội dung bồi dưỡng GVPT phục vụ thực hiện Chương trình GD phổ thông mới...

Đảm bảo các điều kiện đào tạo và sử dụng kết quả đào tạo

Giải pháp cuối cùng, theo PGS Nguyễn Văn Tứ, cần đảm bảo các điều kiện và hiệu lực hóa việc tạo động lực để nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH (tài liệu, giáo trình,, phòng thí nghiệm, thực hành, môi trường thực tập, thực nghiệm...).

Thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về thời gian và kinh phí cho GVPT đi học thạc sĩ theo kế hoạch của cơ quan chủ quản. Bổ sung tiêu chí về đạt trình độ thạc sĩ GDH – PPDH như là một tiêu chuẩn để thực hiện chế độ tuyển chọn, bố trí, đề bạt, nâng lương,... cho đội ngũ GV đang công tác tại các trường phổ thông. Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho đội ngũ GVPT...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.