Giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên Ngoại ngữ

GD&TĐ - “Để dạy được một ngoại ngữ, giáo viên ngoại ngữ không chỉ là người có khả năng sử dụng Ngoại ngữ mà còn phải có các kỹ năng giảng dạy hiệu quả thông qua quá trình đào tạo và được tiếp tục bồi dưỡng trong môi trường giảng dạy”.

Giờ học Tiếng Anh ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh, Nghệ An)
Giờ học Tiếng Anh ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh, Nghệ An)

Đó là ý kiến của TS Hà Văn Sinh – Giảng viên chính Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Phú Yên, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ phát triển tri thức cộng đồng.

TS Hà Văn Sinh là người có gần 35 năm tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, nhiều năm quản lý chuyên môn ở cấp tổ, khoa và 20 năm xây dựng và phát triển được một đội ngũ giáo viên có năng lực sư phạm cao của một trung tâm ngoại ngữ hàng đầu tại Nha Trang (Khánh Hòa).

Theo TS Sinh, có nhiều cách thức và hoạt động giúp giáo viên Ngoại ngữ tiếp tục nâng cao năng lực sư phạm của mình. Từ sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương đến các địa phương và sau cùng là đơn vị trường học, tổ bộ môn.

Mô hình thác nước

Người quản lý chuyên môn phải đánh giá được năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên Ngoại ngữ mình dang phụ trách, phải biết tiếp cận và hiểu rõ những hoạt động bồi dưỡng năng lực sư phạm có thể áp dụng và tận dụng và từ đó mới có thể lập kế hoạch và thực hiện việc hỗ trợ giáo viên Ngoại ngữ giữ vững và nâng cao chuyên môn.

Theo TS, mô hình này được hiểu theo phương pháp truyền đạt theo chiều từ trên xuống dưới. 

Đây là một mô hình bồi dưỡng giảng viên được sử dụng phổ biến khi người tổ chức là một cơ quan cấp Bộ, có trách nhiệm triển khai một chương trình bồi dưỡng, chẳng hạn để thay sách giáo khoa, cải tiến chương trình giảng dạy, truyền đạt một quan điểm, phương thức giảng dạy mới cho toàn thể giáo viên Ngoại ngữ của cả nước.

Đối tượng được bồi dưỡng trước tiên bao gồm chuyên viên Sở, các giảng viên cao đẳng, đại học và một số giáo viên phổ thông được xem là cốt cán. 

Sau khi được các chuyên gia bồi dưỡng, nhóm này có trách nhiệm bồi dưỡng cho cấp tiếp theo, có thể là nhóm những giáo viên phổ thông giỏi của tỉnh để những giáo viên này lại bồi dưỡng tiếp cho giái viên các trường.

Vai trò của người quản lý chuyên môn

 TS Hà Văn Sinh

Với nhiều năm kinh nghiệm làm quản lý chuyên môn cấp tổ, khoa và trung tâm Ngoại ngữ, TS Hà Văn Sinh cho rằng, để thúc đẩy được đội ngũ giáo viên của đơn vị chủ động tham gia vào các hoạt động bồi dưỡng năng lực sư phạm, người quản lý chuyên môn vừa phải giỏi quản lý, vừa phải có năng lực sư phạm cao và đi đầu trong việc tự bồi dưỡng chuyên môn và giảng dạy.

Theo đó, người quản lý chuyên môn cần làm tốt những vai trò sau đây: Đề xuất chính sách thúc đẩy giáo viên Ngoại ngữ tự nâng cao trình độ và chia sẻ với đồng nghiệp. 

Phải làm cho lãnh đạo hiểu rằng, cần có sự khác biệt trong chính sách đãi ngộ đối với người đạt chuẩn ngôn ngữ và sư phạm, với người có những nỗ lực vươn lên và đạt kết quả rõ rệt, với những người thật sự cầu tiến và luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hoặc nguồn tham khảo của mình.

Tiếp đến, người quản lý phải đảm bảo ý tưởng và kinh nghiệm được chia sẻ không tách rời thực tế lớp học của đơn vị. Hoạt động chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy hoặc bồi dưỡng chuyên môn là cốt lõi của toàn bộ chương trình nân cao năng lực sư phạm và phải gắn liền với thực tế lớp học tại đơn vị.

Ngoài ra, người quản lý chuyên môn phải biết tạo điều kiện cho các giáo viên đứng lớp trở thành các chuyên gia bồi dưỡng. Sau khi xác định được vấn đề, người quản lý chuyên môn sẽ xây dựng một chương trình hội thảo, hội nghị trong đó có sự tham gia của các giáo viên với vai trò báo cáo viên.

Biết rõ thế mạnh của từng giáo viên, người quản lý có thể giúp giáo viên xây dựng một phần báo cáo độc lập hoặc một phần minh họa trong báo cáo chung.

Bên cạnh đó, người quản lý chuyên môn cũng cần biết tập hợp và phổ biến thông tin, tạo thói quen chia sẻ các nguồn tài liệu, ý tưởng về giảng dạy và phát triển nghề nghiệp.

Đồng thời phải biết thu thập phản hồi từ người học nhằm cung cấp những thông tin xác thực cho việc tự bồi dưỡng, bồi dưỡng giáo viên, vừa là động lực thúc đẩy các giáo viên phấn đấu và biết cách hoàn thiện mình. Từ đó họ sẽ ra sức giữ vững và nâng cao năng lực sư phạm.

Kết quả phát triển năng lực chuyên môn có thể thấy qua trình độ ngoại ngữ được nâng cao và sự tiến bộ trong giảng dạy của các giáo viên. Sự thành công của các biện pháp này nằm ở 4 yếu tố sau:

- Có một chính sách khuyến khích giáo viên Ngoại ngữ tự học và chia sẻ.

- Các ý tưởng kinh nghiệm chia sẻ phải gắn với thực tế lớp học.

- Giảng viên tham gia trình bày, báo cáo trong các hội thảo, tập huấn nội bộ.

- Năng lực chuyên môn và vai trò hỗ trợ không thể thiếu của người quản lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ