Giải pháp giúp lao động giữ việc làm trước đại dịch

GD&TĐ - Các chuyên gia đã đề xuất giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đánh giá kỹ năng nghề để lao động có việc làm trước khó khăn do đại dịch.

Duy trì việc làm giữa dịch bệnh là yêu cầu cốt lõi để giữ chân lao động.
Duy trì việc làm giữa dịch bệnh là yêu cầu cốt lõi để giữ chân lao động.

Thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến thị trường lao động và việc làm có nhiều biến động trong thời gian qua. Theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Tào Bằng Huy, nguồn cung lao động đang giảm cực mạnh. Giảm gần 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong quý III là gần 1,6 triệu người, cao nhất trong 10 năm gần đây.

Dịch đã tác động tiêu cực tới gần 30 triệu người lao động, 80% lao động bị giảm thu nhập. Đồng thời, có tới 95% doanh nghiệp Đông Nam Bộ đã phải giảm quy mô sản xuất. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng, dịch bệnh và cách mạng 4.0 tạo ra nhiều thách thức, nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội trong việc nâng cao kỹ năng nghề đối với lao động.

“Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu lại sản xuất. Điều này khiến các đơn vị không thể sử dụng nhiều lao động nữa, thay vào đó sử dụng ít nhưng phải chất lượng. Đây là điều kiện thúc đẩy cơ sở nâng cao trình độ, kỹ năng cho lao động” – ông Tào Bằng Huy nhận định.

Ông Huy đề xuất giải pháp, cần phải xây dựng kế hoạch sẵn sàng khi doanh nghiệp hoạt động trở lại thì tái đào tạo lao động. Bên cạnh đó, tuyên truyền để lao động di cư từ phố về quê nắm được chính sách đào tạo nghề từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, để lao động học nghề.

Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, Tổng cục đang xây dựng đề án nâng tầm kỹ năng cho lao động.

Hiện tại lao động Việt Nam có 3 - 4 con đường để nâng cao kỹ năng nghề. Lao động có thể tự học tại nhà trường, học tại nơi làm việc, tự học, hoặc là áp dụng cả 3 hình thức trên để nâng tầm kỹ năng. Thế nhưng, theo ông Trường ngay cả khi lao động học xong, ra trường vẫn cần được gắn kết để học tiếp nhằm nâng tầm kỹ năng.

“Phải thừa nhận kỹ năng lao động còn thiếu hụt nhiều. Phần đa đều lao động phổ thông chưa qua đào tạo hoặc đào tạo thì chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp và sự phát triển”, ông Trường nói.

Bà Nguyễn Hồng  Hà – Đại diện lâm thời Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 26,1%. Điều này cho thấy nhu cầu được đào tạo lại cũng như đào tạo nâng cao về kỹ năng cho người lao động là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nhất là trong bối cảnh những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đang hạn chế cơ hội của người lao động. Từ đó tạo ra nhiều thách thức tiềm ẩn trong việc tiếp cận việc làm thỏa đáng của đối tượng này khi thị trường đang bị thu hẹp.

Đào tạo kỹ năng nghề để duy trì việc làm

Bà Trần Lan Anh - Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng tầm kỹ năng nghề cho lao động.

VCCI đã khảo sát tại 400 doanh nghiệp về việc các kỹ năng lao động cần có. Theo đó, một số kỹ năng số được nhiều doanh nghiệp, người lao động rất coi trọng. Trên 80% doanh nghiệp lớn có nhu cầu sử dụng công nghệ cho phát triển. 100% doanh nghiệp đều nhận thấy vai trò của dạy nghề. Nhưng nhiều cơ sở trong khảo sát đánh giá thấp chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại địa phương và cần phải đào tạo lại khi tuyển dụng lao động.

Để khôi phục lại thị trường lao động trong thời gian tới, Cục Việc làm đã đưa ra 10 giải pháp. Trong đó có giải pháp đã được quy định trong Nghị quyết 68. Đó là chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho lao động. Theo đó, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Doanh nghiệp cần đóng đủ bảo hiểm này cho lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.

Đối với lao động từ thành phố về quê, ông Tào Bằng Huy nhấn mạnh, theo quy định, chính sách bảo hiểm thất nghiệp có hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Vì thế, những đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp có thể đến trung tâm dịch vụ việc làm để liên hệ được đào tạo lại. Điều này giúp họ có thêm nghề mới cũng như nâng cao kỹ năng tay nghề.

Nhiều doanh nghiệp quan tâm ứng dụng các công nghệ 4.0 và có sự chuẩn bị nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng lần thứ tư. Bà Trần Lan Anh cho rằng, cần có khung tiêu chuẩn để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nhằm phù hợp với khung tiêu chuẩn trong nước quốc tế. Đây cũng là căn cứ để doanh nghiệp áp dụng khi cần đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở cũng cần đa dạng hình thức đào tạo, có thể trực tiếp hoặc liên kết với cơ sở GDNN đào tạo… hướng tới nâng cao kỹ năng cho lao động.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đề xuất 4 giải pháp thu hút người lao động tham gia hệ thống đánh giá để nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Trong đó, cần làm tốt công tác dự báo theo nhu cầu, xây dựng và cập nhật dữ liệu về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ. Đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT trong kết nối cung cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động. Ngoài ra cần xây dựng chiến lược kỹ năng nghề theo các ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho rằng, Bộ đã tham mưu ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở GDNN triển khai các chương trình, hoạt động về phát triển kỹ năng. Mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ