(GD&TĐ)-Ngày 16/3, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã thay mặt Bộ Chính trị, ký Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế xã hội năm 2011.
Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011 nêu rõ, tập trung ưu tiên hàng đầu là việc kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011, vừa là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo.
Trong năm 2011 và một vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011-2015, không quá câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 cao hơn năm 2010 để tránh tạo ra lạm phát cao, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm.
Từ giữa năm 2011, căn cứ tình hình thực tế 6 tháng đầu năm, Bộ Chính trị sẽ có chỉ đạo tiếp theo. Chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch năm 2011 vào lúc này.
Đồng thời với việc tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nghị quyết Chính phủ đã ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24-02-2011 "Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội", cần triển khai thực hiện những giải pháp đối với các vấn đề quan trọng sau đây:
1- Về tiền tệ, tín dụng
Tăng cường quản lý hoạt động các ngân hàng thương mại, khắc phục những bất hợp lý về lợi nhuận và thu nhập trong lĩnh vực này |
Áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt phải hướng tới kiềm chế lạm phát cao, góp phần ổn định giá trị tiền đồng Việt Nam, tăng dần dự trữ ngoại hối. Nhanh chóng xây dựng các cơ chế, chính sách tăng cường quản lý thị trường ngoại tệ (đô la) và vàng, khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép. Có lộ trình và biện pháp phù hợp trong từng thời kỳ, đảm bảo lợi ích hợp pháp của người có tài sản này; quan tâm đúng mức nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và nhân dân, tránh tạo ra các "cú sốc" về tâm lý gây bất ổn xã hội; khuyến khích, không gây trở ngại cho việc thu hút các nguồn ngoại tệ từ nước ngoài về nước, tổ chức lại thị trường kinh doanh vàng. Tăng cường quản lý hoạt động các ngân hàng thương mại, tránh rủi ro về nợ xấu, bảo đảm tính thanh khoản; khắc phục những bất hợp lý về lợi nhuận và thu nhập trong lĩnh vực này.
2- Về tài chính và đầu tư
Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công cần lưu ý: hướng tới giảm bội chi ngân sách nhà nước và nợ công ở mức phù hợp; kiểm soát chặt chẽ đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian hoàn thành công trình như lâu nay.
3- Về thị trường bất động sản
Cần có giải pháp đồng bộ chấn chỉnh thị trường bất động sản, không để trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao và nền kinh tế bong bóng. Việc kiểm soát, hạn chế dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản cần có lộ trình, bước đi và giải pháp phù hợp; chống đầu cơ nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường bất động sản, gây tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.
4- Về vấn đề nhập siêu
Tận dụng mọi cơ hội tăng cường xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là những mặt hàng xa xỉ, hàng trong nước sản xuất được; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Triển khai quyết liệt chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; thu hẹp dần sự mất cân đối trong cán cân xuất nhập khẩu, giảm nhập siêu.
5- Về cải cách doanh nghiệp nhà nước
Đẩy mạnh việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo hướng: cổ phẩn hóa các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước; tập trung phát triển ngành sản xuất chính của doanh nghiệp; không khuyến khích phát triển những ngành không liên quan đến ngành sản xuất chính; sớm xác định cơ quan nhà nước đóng vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp, khắc phục tình trạng không rõ ràng như hiện nay; sớm ban hành thể chế về quyền và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân sử dụng vốn nhà nước trong sản xuất, kinh doanh.
6- Về vấn đề điện
Song song với việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình điện; cần sớm có chính sách ưu đãi, biện pháp khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạnh các loại nguồn điện; xây dựng phong trào tiết kiệm năng lượng trong toàn xã hội, ban hành chính sách khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích tiết kiệm năng lượng; ưu tiên bảo đảm đủ điện cho sản xuất; không khuyến khích đầu tư và sản xuất, xuất khẩu những sản phẩm tiêu tốn quá nhiều điện.
7- Về bảo đảm an sinh xã hội
Thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội đã ban hành; đồng thời sâu sát nắm tình hình để hỗ trợ kịp thời các đối tượng khác, kể cả đối tượng cận nghèo, người thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn do tác động của lạm phát và điều chỉnh giá.
Tập trung ưu tiên nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất và quản lý tốt hoạt động xuất khẩu lương thực, thực phẩm, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn.
8- Về công tác tuyên truyền
Cần quán triệt sâu sắc tạo sự thống nhất nhận thức cao trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong toàn xã hội về tình hình và những chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước; củng cố niềm tin; động viên cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện và động viên các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, giải pháp, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
9- Về tổ chức chỉ đạo, điều hành
- Kiên quyết, nhất quán, đồng bộ trong điều hành triển khai các chính sách và biện pháp đã đề ra; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
- Thường xuyên nắm bắt, phân tích, dự báo kịp thời tình hình; tranh thủ thời cơ, hạn chế rủi ro nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội để phát triển bền vững.
- Nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành để có biện pháp động viên, khen thưởng và kỷ luật kịp thời.
Nguyên Bình