Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật
Từ thực tế triển khai các giải pháp phòng chống thuốc lá trong trường học, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) cho rằng: Giải pháp quan trọng nhất chính là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp kịp thời thông tin liên quan đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Hoạt động này giúp chuyển biến nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, người lao động, học sinh về tác hại của thuốc lá, tác hại của việc hút thuốc lá thụ động.
Việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng rất quan trọng. Cần chọn lựa nội dung cơ bản về tác hại của thuốc lá, những ích lợi của việc không hút thuốc lá chủ động, trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường làm việc, học tập và sinh hoạt để thực hiện dạy tích hợp vào các bộ môn học.
Cùng chung quan điểm này, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) cho biết: Nhà trường đã mời cán bộ trung tâm y tế huyện đến tuyên truyền sâu rộng về lĩnh vực sức khỏe, trong đó phân tích sâu tác hại của thuốc lá với người sử dụng và những người xung quanh. Tuyên truyền bằng những hình ảnh thực tế, theo đúng chuyên ngành sẽ có tính thuyết phục học sinh.
Trường học không khói thuốc là trường học không có hành vi hút thuốc tại các khu vực trong nhà trường và không có hiện tượng kinh doanh, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá trong toàn bộ khuôn viên nhà trường. Việc xây dựng trường học không khói thuốc lá là một biện pháp hữu hiệu, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá của học sinh, giảm tỷ lệ thanh thiếu niên hút thuốc.
Lãnh đạo nhà trường, cán bộ y tế học đường, Đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên dưới cờ, tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Giáo viên bộ môn lồng ghép giáo dục vào những thời điểm phù hợp, nhất là môn giáo dục công dân. Nhà trường cùng chính quyền địa phương đến tuyên truyền các quán xung quanh trường cam kết không bán thuốc lá cho học sinh.
Trường THPT Mỹ Quý cũng tổ chức phong trào viết về tác hại của thuốc lá trong và ngoài nhà trường để tất cả học sinh tham gia. Khi học sinh tự tìm hiểu, viết được tác hại của thuốc lá và hành động cụ thể để phòng chống tác hại đó, các em từng hút hoặc đang có ý định hút thuốc sẽ thay đổi, có ý thức trách nhiệm nhắc bạn không tham gia hút thuốc.
“Việc phát hiện và xử lý học sinh hút thuốc mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến gia đình và hạnh kiểm cá nhân học sinh. Nên việc tăng cường các giải pháp tuyên truyền, hình thức giáo dục phù hợp giúp học sinh nâng cao nhận thức để các em không tham gia hút thuốc trong và ngoài nhà trường là quan trọng nhất, mang tính quyết định nhất.” - thầy Trần Văn Hân khẳng định.
Đoàn viên, thanh niên Trường THPT Kỹ thuật Việt Trì (Phú Thọ) tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá. Ảnh: Hồng Nhung/dangcongsan.vn. |
Đưa vào tiêu chí thi đua
Để xây dựng môi trường học đường không khói thuốc, ngoài tăng cường công tác truyền thông, Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp cũng tổ chức để phụ huynh ký cam kết quản lý con em mình, không để vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, trong đó quan tâm đến việc không hút thuốc trong và ngoài nhà trường. Bản thân học sinh cũng ký cam kết thực hiện nghiêm túc, không vi phạm các nội dung nêu trên.
Nhà trường phát huy những thầy cô có kinh nghiệm thực tế để phát hiện học sinh có biểu hiện hút thuốc để tư vấn trực tiếp hoặc chuyển tổ tư vấn tâm lý học đường của nhà trường.
Hộp thư góp ý, tin nhắn zalo để cung cấp thông tin các trường hợp tham gia hút thuốc trong hoặc ngoài nhà trường cũng là giải pháp phát huy tác dụng tốt. Từ thông tin đó, trường sẽ tiến hành tìm hiểu, xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời giúp học sinh mạnh dạn thông tin các trường hợp vi phạm của bạn nhưng vẫn an toàn, không mất lòng bạn bè. Số điện thoại của lãnh đạo trường được công khai để tiếp nhận thông tin phản ánh từ phụ huynh học sinh và người dân.
“Một giải pháp đang được nhà trường triển khai hiệu quả là đưa nội dung không hút thuốc vào tiêu chí thi đua. Các em ý thức được nếu hút thuốc sẽ ảnh hưởng đến tập thể và các bạn cũng sẽ tăng cường nhắc nhở nhau không hút thuốc.” - thầy Trần Văn Hân chia sẻ.
Trên địa bàn huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), đại diện Phòng GD&ĐT cho biết: Các trường học chú trọng phát huy vai trò tích cực của các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Ban đại diện cha mẹ học sinh và các tổ chức, đoàn thể khác để vận động các thành viên giảm hút tiến đến không hút thuốc lá.
Phòng GD&ĐT chỉ đạo, tổ chức công tác kiểm tra và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đưa nội dung kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch kiểm tra ở nhà trường được tiến hành định kỳ, thường xuyên.
Cùng với đó, bổ sung vào nội quy, quy chế làm việc của nhà trường việc tuân thủ quy định của pháp luật về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đây đồng thời là một tiêu chí về thi thi đua, khen thưởng để xem xét, đánh giá kết quả thi đua cuối năm học của từng cá nhân trong đơn vị.
Môi trường học đường không khói thuốc đem lại rất nhiều lợi ích:
Giúp học sinh, cán bộ, giáo viên bảo đảm quyền được hít thở bầu không khí trong lành, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến khói thuốc lá.
Xây dựng được nếp sống văn minh, lịch sự trong trường học, giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe học đường; giảm tỷ lệ học sinh, cán bộ, giáo viên phải nghỉ học vì các bệnh liên quan đến khói thuốc lá.
Hạn chế được cháy nổ từ tàn thuốc lá, bật lửa, diêm; giảm chi phí cho việc vệ sinh môi trường, phòng học; giúp các gia đình giảm chi phí cho việc hút thuốc lá, tăng đầu tư cho việc học tập; giúp ngăn chặn các hành vi thử hút thuốc lá, giảm tỷ lệ thanh, thiếu niên bắt đầu hút.