Trường học tăng cường tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá

GD&TĐ - Thời gian qua, các trường học đã đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh về phòng chống tác hại của thuốc lá.

Trường học tăng cường tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá
Trường học tăng cường tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá

Đa dạng các mô hình tuyên truyền

Vừa qua, tại Trường THPT Đặng Tiến Đông (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ đã tổ chức buổi truyền thông trực tiếp về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho học sinh tại Trường học, học sinh nói không với thuốc lá.

Tại buổi tuyên truyền, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hạnh- cán bộ phòng Truyền thông Giáo dục sức khỏe huyện Chương Mỹ đã chia sẻ các các nội dung liên quan đến tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử, thuốc lá… tác động đến sức khỏe con người, môi trường cũng như những tác động tiêu cực của thuốc lá đến đời sống xã hội.

Cùng với đó, các em học sinh còn được tìm hiểu thêm về các bệnh tật liên quan đến việc hút thuốc lá, hút thuốc lá điện tử và hút shisha như: hút thuốc lá là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi; người hút thuốc lá có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 lần và ung thư thanh quản cao gấp 12 lần so với người không hút thuốc lá. Qua đó, giúp học sinh hiểu được sự nguy hiểm của thuốc lá, từ đó có biện pháp phòng tránh.

Còn tại Trường THCS Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) Trung tâm Y tế huyện Đông Anh phối hợp với các trường THCS tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tác hại của thuốc lá và luật phòng, chống tác hại của thuốc lá đến đông đảo học sinh, giáo viên.

Tại buổi nói chuyện, giáo viên, học sinh các trường đã được tìm hiểu về lịch sử ra đời của thuốc lá, tình hình sử dụng thuốc lá trên thế giới và Việt Nam, những tác hại của thuốc lá đến sức khỏe con người như: ung thư phổi, tai biến mạch máu não, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ.

Ngoài ra, giáo viên, học sinh được trao đổi, thảo luận về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, các biện pháp cơ bản về giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Các tuyên truyền viên đã trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết cho giáo viên, học sinh về tác hại của thuốc lá, nâng cao hiệu lực hiệu quả tuyên truyền về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá , trong thời gian vừa qua, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội luôn chủ động triển khai và duy trì tốt các hoạt động, các mô hình sáng kiến hay nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe nhân dân. Nhiều mô hình của quận được đánh giá cao như “Nơi làm việc không khói thuốc”, “Cơ sở y tế không khói thuốc”, “Nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm và không khói thuốc”, “Điểm du lịch không khói thuốc” và “Trường học không khói thuốc”.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ: Những năm qua, các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn quận, đặc biệt trong các trường học. Các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa sôi nổi nhằm truyền thông về tác hại của thuốc lá đến học sinh.

Đa dạng các mô hình tuyên truyền tác hại của thuốc lá

Đa dạng các mô hình tuyên truyền tác hại của thuốc lá

Xây dựng trường học không khói thuốc

Để tăng cường hiệu quả của công tác tuyên truyền, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định phê duyệt Tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông. Cán bộ, giáo viên, học sinh tham khảo tài liệu này tại Cổng thông tin điện tử của Bộ, tại địa chỉ https://moet.gov.vn.

Theo thầy Ngô Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường THCS Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội), tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông được biên soạn nhằm giúp các trường học triển khai tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới.

Để triển khai hiệu quả tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh, nhà trường đã nghiên cứu kỹ bộ tài liệu dài 62 trang của Bộ Giáo dục - Đào tạo về thuốc lá mới, coi đây là một cẩm nang để triển khai các hoạt động truyền thông trong nhà trường.

Để việc phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá đến các em học sinh không bị nhàm chán, các nội dung sẽ được chuyển hoá thành những slide phong phú hình ảnh, thông tin ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; đưa nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại trường học vào chương trình “Phát thanh măng non”.

Theo đại diện Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hút thuốc lá gây hại cho sức khỏe đối với người hút thuốc và những người xung quanh. Hút thuốc lá tại trường học tác động xấu tới môi trường giáo dục, gây ô nhiễm khói thuốc thụ động và là hình ảnh xấu đối với học sinh.

Hiện nay, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng sử dụng ở giới trẻ, đặc biệt là đối với học sinh. Rất nhiều chương trình quảng cáo và tiếp thị thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới hướng vào học sinh - nhóm đối tượng hiểu biết chưa đầy đủ và dễ bị tác động.

Tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông nhằm cung cấp cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các thông tin về thuốc lá mới. Cán bộ quản lý, giáo viên cũng có thể tham khảo tài liệu để xây dựng kế hoạch truyền thông, cách thức tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá...

Trong tài liệu truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông còn đăng tải địa chỉ và số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí. Theo đó, tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Bạch Mai, điện thoại 18006606; Bệnh viện Nhân dân Gia Định, điện thoại 18001214. Ngoài ra, còn có 9 địa chỉ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá trực tiếp tại 9 bệnh viện trên cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điều hòa phải bật 24/24 giờ để duy trì nhiệt độ tằm mới phát triển tốt.

Lắp điều hòa cho … tằm

GD&TĐ - Phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.