'Sân khấu hoá' truyền thông phòng ngừa thuốc lá trong nhà trường

GD&TĐ -  Công tác phòng ngừa thuốc lá được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động sinh động nhằm giáo dục học sinh nói "không" với thuốc lá.

Học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, Tây Ninh, đóng tiểu phẩm truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới. Ảnh: NVCC.
Học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, Tây Ninh, đóng tiểu phẩm truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới. Ảnh: NVCC.

Tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (tỉnh Tây Ninh), cô giáo Kim Hải Vân, Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, cho biết tình trạng học sinh hút thuốc lá đang gia tăng ở mức báo động.

Thậm chí, độ tuổi học sinh hút thuốc đã giảm xuống bậc THCS thay vì chỉ diễn ra ở học sinh THPT. Ngoài ra, bên cạnh thuốc lá điếu, hiện nay học sinh có thể dễ dàng tiếp cận với nhiều loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử (như vape), thuốc lá nóng...

Theo cô Vân, với mục tiêu giáo dục học sinh nhận thức và phòng ngừa hút thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới, các trường có thể tổ chức các chương trình truyền thông trong trường học với nhiều nội dung như tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh, tác hại của thuốc lá điện tử...

Hình thức tổ chức đa dạng như tổ chức cuộc thi rung chuông vàng, thuyết trình, diễn kịch tìm hiểu về tác hại của thuốc lá trong các buổi sinh hoạt dưới cờ.

Đơn cử, vào đầu tháng 10 vừa qua, Đoàn Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha đã tổ chức chương trình truyền thông về phòng ngừa tác hại của thuốc lá mới trong trường học. Hoạt động được xây dựng trong giờ sinh hoạt chào cờ đầu tuần.

Học sinh thảo luận về việc phòng ngừa tác hại thuốc lá mới trong trường học. Ảnh: NVCC.

Học sinh thảo luận về việc phòng ngừa tác hại thuốc lá mới trong trường học. Ảnh: NVCC.

Tại chương trình này, học sinh nhà trường đã tự lên kế hoạch, chuẩn bị và biểu diễn tiểu phẩm “Nói không với vape”. Tác phẩm được lấy ý tưởng từ những tình huống thật trong thực tế như việc học sinh bị sốc thuốc lá điện tử.

“Đây là lần đầu tiên Đoàn Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha tổ chức ‘sân khấu hóa’ chương trình truyền thông về phòng ngừa tác hại của thuốc lá mới. Tuy nhiên, hoạt động này đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của học sinh. Các em đã chủ động tìm hiểu, xây dựng tiểu phẩm mang thông điệp ý nghĩa về việc nói không với thuốc lá điện tử”, cô Vân chia sẻ.

Theo cô Vân, bên cạnh hình thức ‘sân khấu hóa’, thời gian tới, Đoàn Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha sẽ tiếp tục truyền thông về phòng, ngừa hút thuốc lá qua các bộ infographic, băng rôn... dán trong trường và đăng tải trên các phương tiện truyền thông của nhà trường.

Ngày 22/6, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 1751/QĐ-BGDĐT phê duyệt Tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông. Trong đó, chỉ ra thuốc lá mới được đưa ra thị trường, bao gồm: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các loại khác (thuốc hít, nhai…).

Tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ có xu hướng gia tăng ở các thành phố lớn và trong nhóm có mức sống khá.

Một số yếu tố làm gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên có thể kể đến như việc hiểu chưa đúng về tác hại của thuốc lá mới. Thanh thiếu niên là đối tượng mà các công ty thuốc lá hướng tới nhằm tạo lượng khách hàng mới. Ảnh hưởng của bạn bè và thiếu kỹ năng sống.

Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch truyền thông về phòng ngừa tác hại của thuốc lá mới trong trường học; đồng thời, hướng dẫn tổ chức một số hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học.

Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là hai loại sản phẩm thuốc lá mới có xu hướng sử dụng gia tăng và phổ biến nhất hiện nay trên thế giới và Việt Nam, đặc biệt là ở giới trẻ. Các sản phẩm này hiện không được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chưa được phép nhập khẩu và kinh doanh tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ