Nỗi lo thiếu trường lớp ở Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp khó khăn vì thiếu phòng học 2 buổi/ngày, đặc biệt là thiếu trường, lớp bán trú. Bước vào năm học 2020 - 2021, bảo đảm phòng học cho khối lớp 1 đã khó, năm học tới phải lo cho cả lớp 2 và lớp 6… càng khó.

Tại các đô thị lớn, sĩ số HS đông nên nhiều trường học gặp khó khi tổ chức bán trú. Ảnh minh họa
Tại các đô thị lớn, sĩ số HS đông nên nhiều trường học gặp khó khi tổ chức bán trú. Ảnh minh họa

Thiếu phòng học, trường lớp bán trú

TP Cần Thơ có 175 trường Tiểu học với 273 điểm trường (trong đó có 98 điểm lẻ, đa số thuộc các huyện vùng nông thôn). Toàn thành phố hiện có 2.935 phòng học/3.086 lớp, trong đó có 2.921 phòng kiên cố (tỷ lệ 99,52%), còn lại là phòng học tạm, mượn; tỷ lệ phòng học/lớp đạt 0,95. Số trường có đủ phòng chức năng theo Điều lệ trường Tiểu học 136/175 (tỷ lệ 77,11%). Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày là 85,39%. Năm học 2020 - 2021, TP Cần Thơ thiếu 165 phòng học để mỗi lớp/1 phòng học cấp tiểu học. Giai đoạn 2020 - 2025, thành phố thiếu gần 400 phòng học để bảo đảm mỗi lớp/1 phòng học cấp tiểu học. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở một số địa phương còn thấp do thiếu phòng học, gây không ít khó khăn trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học...

Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), quận có hơn 30 dự án khu dân cư mới, nếu lấp đầy các dự án này, cơ sở của quận không đủ đáp ứng nhu cầu đến trường cho con em trên địa bàn… “Quận đang đối mặt với áp lực về vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa trường lớp. Hiện có gần 60 trường công cần sửa chữa. Tuy nhiên, ngân sách địa phương đầu tư lại phân bổ không đủ (mặc dù hơn 40% ngân sách quận đầu tư cho Giáo dục). Đồng thời, việc sửa chữa mang tính cấp bách nhưng quy trình thủ tục xây dựng có nhiều vướng mắc”, ông Ánh cho biết.

Cà Mau cũng trong tình trạng thiếu hụt trường, lớp 2 buổi/ngày, đặc biệt là trường lớp bán trú cho học sinh tiểu học. Dù tỉnh rà soát cơ sở vật chất, ưu tiên sửa chữa, nâng cấp, đầu tư mới cho những nơi có điều kiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhưng thực tế mới đáp ứng được 60% cơ sở vật chất để tổ chức dạy 2 buổi/ngày; trong đó chưa tới 7% trường tiểu học tổ chức bán trú... 

Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, cơ sở vật chất để đáp ứng chương trình mới rất khó. Sở đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh xây dựng kế hoạch trung hạn và ngắn hạn để đầu tư nâng cấp theo hướng chuẩn hóa theo quy định mới. 

Ông Luân cho biết: Chương trình GDPT mới có 3 phần: Kiến thức cơ bản; thực hành thí nghiệm; trải nghiệm để hình thành các kỹ năng cần thiết cho học sinh. Do cấu trúc thay đổi nên điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện dạy học cũng phải điều chỉnh và thay đổi, nâng cấp  mới đáp ứng được...

Nhiều địa phương ĐBSCL tỷ lệ trường tổ chức bán trú còn rất thấp. Ảnh minh họa
Nhiều địa phương ĐBSCL tỷ lệ trường tổ chức bán trú còn rất thấp. Ảnh minh họa

Tập trung nguồn lực đầu tư

Để triển khai Chương trình GDPT mới, các địa phương đang tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp. Năm 2020 cơ bản đảm bảo cho khối lớp 1 triển khai chương trình mới, các năm tiếp theo sẽ cần nguồn lực lớn hơn dành cho khối lớp khác... Trong giai đoạn 2017 - 2020, Đồng Tháp đầu tư 1.876,4 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học. Riêng năm 2020, tỉnh tăng cường cơ sở vật chất (316 tỷ đồng), trong đó  đầu tư cho cấp tiểu học 126,2 tỷ đồng (270 phòng học, 274 phòng chức năng); mua sắm thiết bị 62,28 tỷ đồng... 

Trên cơ sở kết quả rà soát, xác định nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học giai đoạn 2021 - 2025 phục vụ cho việc triển khai chương trình mới, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ phối hợp Sở Tài chính xây dựng Kế hoạch đầu tư xây dựng kiên cố hóa trường học, xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng và mua sắm trang thiết bị. Theo đó, dự toán tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.020,379 tỷ đồng (chi phí kiên cố hóa trường, lớp 216,125 tỷ đồng; chi phí xây dựng bổ sung 1.098,854 tỷ đồng; chi phí thiết bị 705,400 tỷ đồng)…

Theo bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ngành GD-ÐT thành phố luôn được quan tâm, ưu tiên đầu tư. Tuy nhiên, một số quận trung tâm có sĩ số học sinh tăng cao, cơ sở vật chất không theo kịp. Do quỹ đất xây trường không còn, nên không đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày và mỗi lớp 1 phòng khi triển khai chương trình mới... Thành phố đang nỗ lực thực hiện các giải pháp như rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp để đáp ứng Chương trình GDPT mới cho các năm học tới.

Về giải pháp đầu tư nguồn lực cho Chương trình GDPT mới, theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, tỉnh ưu tiên số một nguồn lực để sửa chữa trường xuống cấp, hư hỏng. Kế đến là xây dựng trường đạt chuẩn gắn liền với xây dựng Nông thôn mới, không đầu tư dàn trải. Song song đó là xoá điểm lẻ, tập trung đầu tư cho điểm chính. Việc đầu tư hướng đến mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn theo tiêu chí mới…, ngành đang tham mưu UBND tỉnh 3 đề án: Sắp xếp trường lớp học và đội ngũ giáo viên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Từ đề án này tiếp tục tham mưu Đề án đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi trẻ em; Đề án sửa chữa, xây mới mà trọng tâm là sửa chữa, nâng cấp những trường hiện có... Khi  đề án được phê duyệt sẽ dồn sức tập trung nguồn lực theo phân kỳ đầu tư ngắn hạn, trung hạn, dài hạn đến năm 2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.