Đất cho trường học: Thiếu trường lớp, thầy trò cùng chịu áp lực

GD&TĐ - Thiếu trường lớp, giáo viên, trong khi số trẻ đủ tuổi đến lớp đông khiến không ít địa phương phải giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày, giảm lớp tổ chức ăn bán trú, thậm chí “vượt rào” sĩ số lớp so với quy định... ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học cũng như hoạt động.

Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (Quận 12) có HS đông nhất TPHCM với 90 lớp. Ảnh: Dũng Nguyễn
Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (Quận 12) có HS đông nhất TPHCM với 90 lớp. Ảnh: Dũng Nguyễn

Học sinh tăng, số lớp học 2 buổi/ngày giảm

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2020 - 2021, TP tăng khoảng 54 nghìn em, nâng tổng số học sinh (HS) tại TP lên trên 1,7 triệu em. TP dự kiến đưa vào sử dụng 90 dự án với 1.371 phòng học mới (trong đó số phòng học tăng thêm là 868 phòng), nhưng chỉ bảo đảm chỗ học cho con em trên địa bàn. Hiện tỷ lệ HS tiểu học được học 2 buổi/ngày ở thành phố mới đạt 73%. Trong khi đó, năm học 2020 - 2021, các địa phương triển khai Chương trình GDPT tổng thể 2018, yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày với HS tiểu học, sĩ số 35 em/lớp… nên khó khăn chồng khó khăn.

TPHCM hiện có 18/24 quận, huyện bảo đảm chỗ học cho HS lớp 1 để triển khai thực hiện chương trình mới. Các quận còn lại gồm: Gò Vấp, Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh vẫn cần phải “gỡ khó” do HS quá đông. 

Tại Quận 12, bình quân mỗi năm dân số tăng hơn 20 nghìn dân, vì vậy kéo theo sĩ số HS tăng nhanh. Cụ thể năm học 2020 - 2021, quận có hơn 10 nghìn HS vào lớp 1, nhưng không có trường tiểu học mới nào được đưa vào sử dụng. Trên địa bàn chỉ có 22 trường tiểu học công lập, nên quận này đã phải nâng sĩ số các lớp lên 50 em/lớp và giảm tỷ lệ các lớp đang học 2 buổi/ngày để đủ phòng học cho HS lớp 1.

Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (Quận 12) có tổng số HS vào lớp 1 năm nay là khoảng 1.000 em, được chia thành 19 lớp. Theo cô Huỳnh Thị Tuyết Hoa, Hiệu trưởng nhà trường, tổng số HS của trường năm học mới này hơn 4.500 HS, với tổng cộng khoảng 90 lớp. Năm trước, trường có 12 lớp được học 2 buổi/ngày, nhưng do sĩ số của trường quá cao, năm học 2020 - 2021, toàn bộ HS của trường chỉ được học 1 buổi/ngày. 

Là quận có số HS tăng nhanh hàng năm, ông Tạ Tân - Trưởng phòng GD&ĐT Quận Tân Phú cũng cho biết: Năm học 2020 - 2021, quận có hơn 7 nghìn HS lớp 1. Trong khi đó, tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở tiểu học trên địa bàn quận chỉ đạt khoảng 30%. “Năm tới HS lớp 5 lên lớp 6 khoảng 5 nghìn em, nếu nhận vào HS lớp 1 tương ứng cũng chỉ bảo đảm cho các em học 1 buổi/ngày. Đây là bài toán rất khó mà quận Tân Phú vẫn… không tìm thấy lời giải”, ông Tân nhấn mạnh.

Tương tự tại huyện Bình Chánh, năm học này có hơn 10 nghìn HS vào lớp 1. Riêng ở hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, các em lớp 1 phải học 1 buổi/ngày do số HS tại đây tăng cao. Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Hai xã nói trên có khoảng 250 nghìn dân, 7 trường tiểu học công lập nhưng chỉ đáp ứng đủ chỗ học 1 buổi cho con em trên địa bàn.

Theo thầy Nguyễn Văn Nguyện - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Vĩnh Lộc A), năm học 2020 – 2021, trường đón gần 800 HS, chia thành 20 lớp, nâng tổng số HS của trường lên khoảng hơn 2.300 em. Không chỉ riêng khối 1 mà các khối lớp học cũng chỉ được học 1 buổi/ngày. 

Đắk Nông hiện tại thiếu khoảng 500 giáo viên đứng lớp.
Đắk Nông hiện tại thiếu khoảng 500 giáo viên đứng lớp.

Trường “hạn chế” nhận học sinh

Năm học 2020 - 2021, dù tuyển dụng thêm 241 giáo viên, tỉnh Đắk Nông vẫn thiếu 449 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non. Thầy Thái Mai Tịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Quảng Hòa (huyện Đắk G’Long - Đắk Nông) chia sẻ: Năm học 2020 - 2021, triển khai dạy 2 buổi/ngày, nhà trường buộc phải bảo đảm tối thiểu một giáo viên/lớp khối 1. Tuy nhiên, theo thầy Tịnh, hiện tại trường thiếu 4 giáo viên dạy môn chung Toán và Tiếng Việt. Không những vậy, do trường ở vùng sâu, vùng xa và đa số HS là người đồng bào dân tộc thiểu số chưa được đi học trước đó, nên khi bước vào lớp 1 khó tiếp cận với Chương trình sách giáo khoa mới.

Không chỉ tại các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông, ngay tại TP Gia Nghĩa (Đắk Nông), bài toán thiếu giáo viên cũng khiến ngành Giáo dục “đau đầu” tìm lời giải. Cô Lê Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng Vàng (TP Gia Nghĩa) trao đổi: Mấy năm trở lại đây, trường luôn trong tình trạng thiếu giáo viên. Theo cô Nguyên, năm học này trường có khoảng hơn 600 HS, với 39 cán bộ, giáo viên. Do thiếu hơn 5 giáo viên, trường ưu tiên tuyển sinh đúng tuyến. “Nhà trường mong muốn ngành Giáo dục tỉnh và các cơ quan ban ngành quan tâm, có phương án điều động giáo viên từ trường thừa đến trường thiếu để các trường có đủ giáo viên  giảng dạy cho HS”, cô Nguyên chia sẻ.

Bà Phạm Thị Hà, Trưởng phòng GD&ĐT TP Gia Nghĩa thông tin: Năm học 2020 - 2021, các trường trên địa bàn thành phố thiếu khoảng 150 giáo viên các cấp. Đặc biệt, số lượng giáo viên mầm non thiếu nhiều nhất.

Theo ông Đoàn Văn Phương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đắk G’Long (Đắk Nông), thiếu GV mầm non khiến hơn 2 nghìn HS ở bậc học này có nguy cơ không được đến trường. Nhiều bậc phụ huynh cũng ý kiến, yêu cầu các trường phải nhận HS. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên nên nhiều trường đành “bất lực”. “Trong số hơn 2.000 em HS có nguy cơ không được đến trường có vài trăm em đang theo học ở các trường tư thục. Còn lại hơn 1.000 HS, chủ yếu ở các vùng sâu vùng xa chưa được đến trường”, ông Phương tâm sự.

Bên cạnh việc thiếu giáo viên, địa phương cũng thiếu nhiều phòng học và trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy. Vị trưởng phòng giáo dục huyện cho hay, địa phương đang thiếu khoảng 365 phòng học, phân bổ đều các trường trên địa bàn huyện. Hiện huyện đầu tư, xây dựng được 74 phòng học.

“Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Đắk Ha) và Trường Tiểu học, THCS Trần Quốc Toản thiếu nhiều phòng học nhất. Không chỉ vậy, ngay tại trung tâm huyện, nhiều trường cũng thiếu trang thiết bị dạy, học từ bậc mầm non đến THCS. Địa phương cũng mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ để thầy, trò yên tâm dạy và học”, ông Phương chia sẻ.

Để có đủ chỗ học cho HS, tăng sĩ số/lớp được nhiều nhà trường tính đến. Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hoà (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng: Sĩ số quá đông, thầy cô sẽ khó bao quát hết trong một tiết học gói gọn 35 phút. Các hoạt động nhóm, ngoài giờ lên lớp cũng khó quản lý, kém hiệu quả như sĩ số theo chuẩn. Về diện tích phòng học, bố trí 35 em/lớp sẽ khác với việc 50 em/lớp. Nếu có không gian rộng, giáo viên có thể để thêm tủ sách của lớp, hòm thư Điều em muốn nói, trang trí lớp học xanh… Học 1 buổi/ngày, HS sẽ không có điều kiện tham gia môn tự chọn ở buổi 2 (tuỳ từng trường buổi hai dạy cờ vua, nhịp điệu, đàn, võ…). 

Trường Tiểu học Bình Trị 2, (quận Bình Tân - TPHCM), năm học 2020 - 2021 có 20 lớp 1, tuy nhiên chỉ có 10 lớp được học 2 buổi/ngày. Với các lớp còn lại sẽ học 7 buổi/tuần, tức là có 2 ngày học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của phòng GD&ĐT. Với HS học 7 buổi/tuần, các em học 4 tiết Tiếng Anh/tuần. Với các em học 1 buổi/ngày chưa dạy Tin học, một số môn tự chọn năng khiếu chưa thể triển khai. 

Thiếu giáo viên ở bậc mầm non khiến nhiều HS có nguy cơ không được đến trường.
Thiếu giáo viên ở bậc mầm non khiến nhiều HS có nguy cơ không được đến trường.

Giải pháp tình thế

Theo ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, nguyên tắc tuyển sinh là tạo điều kiện cho tất cả con em trên địa bàn có chỗ học, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất gặp khó khăn nên chỉ đáp ứng được việc học 1 buổi. Về vấn đề này, phòng đã tham mưu với UBND quận về phương án phải chấp nhận “vượt chuẩn” về sĩ số HS cao hơn so với quy định, đồng thời giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học để có đủ chỗ học cho tất cả HS trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình GDPT 2018, phòng lên phương án dạy học 5 buổi/tuần, dành 10% tổng số phòng học của 1 trường để dạy học cho tất cả HS lớp 1 (thêm 1 buổi/tuần) đáp ứng việc dạy học theo chương trình mới.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhận định: Trước mắt, các địa phương triển khai theo tinh thần dạy tối thiểu 6 buổi/tuần, tức HS học 6 buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7, bảo đảm yêu cầu tối thiểu của chương trình. Sở sẽ hướng dẫn các trường tổ chức dạy học trong điều kiện không duy trì được 2 buổi/ngày. Cụ thể, mỗi buổi học sẽ gồm 5 tiết, tối thiểu 6 buổi/tuần, nơi nào đủ điều kiện sẽ triển khai dạy học 7 buổi hoặc 8 buổi/tuần; chủ yếu cho các hoạt động trải nghiệm, tăng cường thể chất…

Theo ông Trần Sĩ Thành – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông, ngành Giáo dục đã tuyển dụng được 241 giáo viên. Trong đó, có 144 giáo viên mầm non, 26 giáo viên tiểu học, 21 giáo viên THCS và 50 giáo viên THPT. Việc tuyển dụng giáo viên đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học. Tuy nhiên, hiện tại địa phương vẫn đang thiếu 449 giáo viên. Cụ thể, bậc học mầm non thiếu nhiều nhất (157 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 142 giáo viên, cấp THCS thiếu 137 giáo viên, cấp THPT thiếu 13 giáo viên). Huyện thiếu giáo viên nhiều nhất là Đắk G’long với khoảng 300 giáo viên.

Theo ông Thành, ngành Giáo dục đã có kế hoạch tuyển dụng, sử dụng và sắp xếp lại đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, luân chuyển giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu. Ngoài ra, những địa bàn gần nhau có thể dạy liên trường. Giải pháp này cơ bản sẽ kịp thời, bảo đảm cho các em HS đến trường. Sở GD&ĐT cũng đã báo cáo Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, không cắt giảm số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của tỉnh Đắk Nông năm 2021 theo lộ trình tinh giản biên chế 10%. Đồng thời đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, thẩm định bổ sung số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông của tỉnh Đắk Nông.

Cần phải tính đến giải pháp lâu dài, bền vững để triển khai thực hiện chương trình mới, HS học 2 buổi/ngày không chỉ ở tiểu học mà các cấp học khác. TP sẽ có những phương án chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học tiếp theo về chỗ học và thực hiện chương trình mới. - Ông Dương Anh Đức (Phó Chủ tịch UBND TPHCM)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.