(GD&TĐ) - Thông kê tại Thư viện Quốc gia, có khoảng 30.000 bạn đọc thường xuyên, số bạn đọc ở các thư viện cấp tỉnh, huyện có khoảng 1.000 – 2.000 người, ở thư viện hoặc phòng đọc cấp xã là 100 -200 người nghĩa là số người đọc thường xuyên ở các thư viện chỉ chiếm vào khoảng 8 - 10 % dân số…
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: gdtd.vn) |
Đó là những con số được đưa ra tại Hội thảo văn hóa đọc và ngày đọc sách Việt Nam vừa mới diễn ra tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia trong hoạt động xuất bản, in, phát hành và thư viện đã bàn về thực trạng văn hóa đọc hiện nay, vai trò phát triển văn hóa đọc trong sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam và các giải pháp để duy trì văn hóa đọc trong thời kỳ mới.
Theo kết quả điều tra xã hội học do một số nhà nghiên cứu của Viện Văn học tiến hành năm 2010 ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với đối tượng là thanh niên có độ tuổi từ 15-30, cứ 100 thanh niên có gần 30 người thường xuyên đọc (sách văn học); 56 người thỉnh thoảng đọc; 10 người hiếm khi đọc và 10 người không bao giờ đọc. Như vậy, có thể thấy ở khu vực khác như địa bàn nông thôn và miền núi thì tỷ lệ người thỉnh thoảng đọc, hiếm khi đọc và không bao giờ đọc sẽ ở mức cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH-TT-DL nhận định, một thực trạng đáng quan tâm là xu hướng đọc hiện nay ít nhiều có biểu hiện lệch lạc khi thanh, thiếu niên có xu hướng đọc những truyện tranh với những nỗi dung đơn giản vô bổ, thậm chí thiếu lành mạnh, ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận, đặc biệt các sách dày, nhiều tập. Thời gian rảnh rỗi phần lớn dành cho văn hóa nghe nhìn.
Trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Đảng và nhà nước ta xác định một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của ngành văn hóa là phải “Xây dựng lại phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”. Tại Hội thảo về văn hóa đọc, các chuyên gia đã đề cập nhiều giải pháp để phát triển văn hóa đọc, hình thành thói quen đọc sách cho các em học sinh, phát triển thư viện phòng đọc trong các nhà trường, đầu tư cho sáng tác để có nhiều sách hay phục vụ công chúng.
Trong tham luận gửi tới Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam cho rằng, việc hình thành một môi trường đọc thuận lợi, kéo người đọc đến với sách báo là con đường để chúng ta từng bước hiện thực hóa chủ trương xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn, việc sớm có Ngày đọc sách Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết và chính đáng.
Theo ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch thường trực Hội xuất bản sách Việt Nam, không thể phủ nhận sự hấp dẫn và tác dụng to lớn của văn hóa nghe nhìn nhưng nó không thể thay thế được văn hóa đọc truyền thống. Vì lý do này, việc đề nghị nhà nước công nhận một ngày sách Việt Nam là rất cần thiết, ông Kiểm nói.
Rất nhiều giải pháp được các diễn giả nêu ra trong hội thảo nhằm cải thiện tình trạng "lười đọc sách" hiện nay: Tăng cường hệ thống thư viện nhà trường và tủ sách dòng họ; lập các câu lạc bộ đọc sách cho trẻ em; đào tạo bổ sung đội ngũ biên tập viên lành nghề; thành lập phố sách ở Hà Nội và TP.HCM, tổ chức ngày đọc sách ở VN...
Tuy nhiên, để đạt được kết quả khả quan, cần nhiều giải pháp đồng bộ, các chính sách khuyến khích đọc và bài học thực tế từ việc đọc sách của chính những người làm sách - những công chức văn hóa.
Theo các ý kiến tại Hội thảo, Ngày 21/4 hàng năm có thể được chọn là Ngày đọc sách của Việt Nam.
Lộc Hà