Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết tháng 10, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước ước đạt trên 355.616 tỷ đồng, bằng 47,43% tổng kế hoạch và bằng 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
15 bộ, ngành và 41 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước nhưng có tới 29 bộ, ngành và 22 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Tỷ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải cao không đồng đều. Một số địa phương được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Như vậy có thể thấy, đến thời điểm này, thời gian để có thể giải ngân trên 95% vốn kế hoạch được giao không còn nhiều là áp lực lớn đối với các bộ, ngành, địa phương, nhất là những nơi đang có tỷ lệ giải ngân thấp.
Lý giải về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng chậm, Báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Bộ KH&ĐT cho biết, nguyên nhân là do tính đặc thù về tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, việc làm thủ tục giải ngân vốn đầu tư công thường được dồn vào thời điểm kết thúc năm ngân sách.
Nguyên nhân nữa là bởi những khó khăn, vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Cụ thể, việc phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư một số dự án chưa phù hợp dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, năng lực của một số chủ đầu tư và nhà thầu thi công còn hạn chế làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn dự án.
Do khó khăn về nguồn thu ngân sách địa phương bảo đảm chi đầu tư phát triển. Theo đó, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương được giao năm 2024 là 432,3 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 89 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2023.
Số vốn kế hoạch ngân sách địa phương được giao tăng thêm chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết nhưng do thị trường bất động sản có nhiều biến động, kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất chưa thực hiện dẫn đến hụt thu nên chưa có nguồn vốn để bố trí cho các dự án đầu tư công.
Đặc biệt, còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc. Không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công...
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, Bộ KH&ĐT đề nghị đơn vị liên quan cần cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát. Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà. Kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công. Các đơn vị cần quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý…
Đây là những giải pháp có thể giải quyết những khó khăn hiện hữu. Tuy nhiên, về lâu dài để bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế xin - cho, cần thiết phải sửa đổi Luật Đầu tư công với tinh thần đột phá về cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sẽ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát...