Giải ngân vốn đầu tư công không như kỳ vọng

GD&TĐ - 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến ngày 30/9, ước giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 320.566 tỷ đồng, bằng 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.

31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước. Một số địa phương được giao kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm tỷ lệ chung của cả nước như TPHCM (được giao hơn 79.263 tỷ đồng nhưng mới chỉ đạt 21,29% kế hoạch), Hà Nội (được giao hơn 81.033 tỷ đồng nhưng cũng chỉ đạt 38,88% kế hoạch).

Đánh giá về tiến độ này, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, không đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này được cho là do chậm sửa đổi những vướng mắc về chính sách. Việc phân bổ kế hoạch vốn các năm chậm trễ, phân bổ nhiều lần. Nhiều dự án ách tắc do giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng. Tại nhiều địa phương, tâm lý cán bộ e dè, không dám làm cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân…

Giải ngân vốn đầu tư công có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, hầu như năm nào cũng trong tình trạng phải “thúc ép”. Như năm nay, thời gian chỉ còn vỏn vẹn hai tháng nhưng mới chỉ giải ngân đạt hơn 47%, trong khi theo đúng tiến độ, hết quý III/2024 giải ngân vốn đầu tư công phải đạt khoảng 60 - 80%.

Trước yêu cầu cấp thiết này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Công điện số 104/CĐ-TTg, trong đó yêu cầu tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc trong giải ngân; giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan. Đồng thời chỉ rõ vướng mắc ở dự án nào, khâu nào, đề xuất giải pháp tháo gỡ cụ thể. Thanh toán khối lượng hoàn thành cho các dự án ngay khi đã đầy đủ hồ sơ.

Công điện nhấn mạnh, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực.

Chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn và có phương án điều chỉnh vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng cao hơn trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương, địa phương theo quy định.

Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, bám sát quá trình xử lý của các cơ quan chuyên môn để kịp thời giải trình, hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Khắc phục triệt để tình trạng vốn chờ dự án, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Đây là những việc làm trước mắt, cần được triển khai quyết liệt và hiệu quả. Tuy nhiên, về lâu dài, để hạn chế đến mức tối đa, tiến tới chấm dứt tình trạng “đủng đỉnh” trong giải ngân vốn đầu tư công, cần phải sửa đổi một cách toàn diện Luật Đầu tư công nhằm tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019 cũng như các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát...

Đặc biệt, việc sửa đổi phải thể hiện rõ tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không tạo cơ chế xin - cho. Có như vậy, đầu tư công mới thực sự là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ