Tuy là chỉ của một dòng họ nhưng “ngôi chùa” lại được cả làng và dân quanh vùng thờ cúng. Sở dĩ có lý do như vậy vì “ngôi chùa” vốn nổi tiếng từ nhiều năm nay là hễ cứ bị hạn hán, dân làng mở cửa chùa “cầu mưa”.
Lạ thay cứ cầu mưa là được toại nguyện. Không những thế “ngôi chùa” này còn nổi tiếng trong thiên hạ vì khắp làng trên xóm dưới đều đồn rằng chùa có pho tượng biết đi “chu du” rồi lại trở về một cách bí ẩn. Vậy đâu là sự thật?
Pho tượng bí ẩn biết đi
Nằm ngay bên cạnh con đường đất đỏ bụi mù mịt thuộc địa phận làng Thượng Lâm (xã Thanh Lâm, Lục Nam, Bắc Giang), “ngôi chùa” 3 gian và một phòng thờ hậu bên trong. Từ trước đến nay dòng họ Nguyễn của làng Thượng Lâm vẫn trông coi, thờ phụng.
Theo cụ Nguyễn Thị Giang - 80 tuổi, người trông giữ, am thờ đã được lập tính ra cũng được ngót nửa thế kỉ. Như câu chuyện dòng họ Nguyễn truyền lại thì ngày đó, cụ tổ trong dòng họ Nguyễn còn nhỏ, thường hay đi chăn trâu cùng những đứa trẻ trong làng cạnh con sông nhỏ trong vùng.
Một hôm khi đang nô đùa tắm dưới con sông thì cụ bỗng thấy một vật lấp lánh trôi đến, những mục đồng bèn hò nhau vớt lên xem thì thấy đó là một bức tượng được sơn son thếp vàng khá đẹp.
Sau đó những đứa trẻ đem tượng giấu vào một bụi cây giữa cánh đồng, hằng ngày chúng đi chăn trâu là mang theo đồ ăn thức uống hay hoa quả để… mời tượng ăn.
Lũ trẻ coi bức tượng như người bạn của mình rồi tự tưởng tượng ra những điều linh ứng của bức tượng. Không biết là thực hay hư nhưng lũ trẻ cầu khẩn cho trâu hằng ngày không ăn lúa, hôm nào cũng no bụng và lạ thay là từ đó trâu cứ thả tự do, bọn trẻ chơi tha hồ nhưng trâu cũng chẳng động đến một cọng lúa, hôm nào trâu cũng được no bụng.
Lâu dần lũ trẻ cũng quên đi bức tượng và trò cúng bái đó, nhưng cụ tổ dòng họ Nguyễn lúc dựng nghiệp nhớ lại chuyện linh ứng của bức tượng ngày xưa bèn bỏ tiền xây dựng một cái am thờ cúng cẩn thận pho tượng.
Từ khi xây dựng không chỉ người họ Nguyễn mà còn cả những người dân quanh vùng biết đến pho tượng cầu khẩn linh ứng. Thế nhưng, trong những năm đó xảy ra một câu chuyện li kì là pho tượng bỗng dưng biến mất một cách bí ẩn.
Hôm đó vào ngày rằm nên người trông coi ngôi chùa của họ Nguyễn mở cửa dọn dẹp để cúng khấn, thế nhưng nhìn lên ban thờ thì không thấy tượng đâu cả, hốt hoảng cứ tưởng bị trộm nhưng khi mọi người xem xét lại thì không thấy dấu vết bị cạy phá cửa, chìa khóa cũng chỉ có một chiếc do người trông coi nắm giữ, không hiểu bằng cách nào pho tượng lại biến mất được.
Tìm kiếm mãi không thấy tung tích pho tượng nên mọi người đinh ninh là pho tượng đã mất. Đến nửa tháng sau vào ngày Mùng một như thường lệ am thờ lại được mở, người trông chùa bỗng giật mình hoảng hốt khi thấy pho tượng sừng sững ngồi yên vị ở bệ thờ như cũ.
Từ đó người ta tin bức tượng là “thần phật linh thiêng” biết tự đi “chu du thiên hạ để cứu nhân độ thế”. Nên từ sau những lần “biến mất”, dân làng cũng chẳng lo gì đi tìm và chờ đợi pho tượng sẽ quay lại yên vị ở chùa cũ.
Cứ “cầu mưa” là được
Không chỉ kỳ bí với câu chuyện về pho tượng bí ẩn, mà am thờ nhỏ còn được người dân quanh vùng vô cùng tín cẩn vì linh ứng trong việc cầu mưa.
Theo như lời người dân nơi đây thì “chùa” đã từng cứu dân làng thoát khỏi nhiều đại hạn, mất mùa. Theo cụ Giang và các bậc cao niên trong vùng thì tục lệ cầu mưa ở đây xuất hiện từ nhiều năm nay.
Tuy chỉ là một am thờ nhỏ nhưng hễ cứ năm nào trời hạn hán thì các bậc cao niên sẽ mở một đại lễ “cầu mưa” ở tại “ngôi chùa” này mà không phải ở chùa chính của làng. Và như lời các cụ trong làng khẳng định thì chưa năm nào “cầu mưa” mà không được.
Tục truyền từ những năm đầu của thế kỷ trước, ở miền Bắc hạn rất to, hồ ao sông sối cạn khô cả. Mùa màng đứng trước nguy cơ mất trắng, đến vụ mới mà không có nước cày bừa.
Dân làng và các bậc chức sắc bèn nhờ thầy cúng ra tay khấn cho mưa xuống, nhưng những thầy cúng trong vùng dù “cao tay” đến đâu cũng “bất lực”, khấn vái mãi chẳng thấy hạt mưa nào.
Các bậc cao niên trong dòng họ Nguyễn bèn mở cửa am để cầu khẩn, không ngờ sáng mở cửa thì chiều giông gió nổi nên mù mịt, mưa tầm tã như trút nước. Năm đó dân làng thoát khỏi đại hạn, người dân quanh vùng biết tiếng mang lễ vật đến để tạ ơn rất nhiều.
Từ đấy hễ cứ năm nào trời hạn hán, lâu không mưa là dân trong vùng quanh đó lại đến nhờ dòng họ Nguyễn mở cửa để cầu mưa. Lần cầu mưa theo cụ Giang gần đây nhất của dân làng là vào vào mùa thu năm 1997.
Giải mã sự thật
Để kiểm chứng những câu chuyện huyền bí của ngôi chùa dòng họ Nguyễn, chúng tôi đã tìm gặp những người dân sống trong thôn. Anh Nguyễn Đức Chung, nhà gần đó khi được hỏi chỉ cười và nói: “Đúng là có chuyện cầu mưa thật, nhưng chưa ai dám khẳng định là mưa do “cầu được”.
Có khi là hạn lâu quá thì cũng phải đến ngày mưa chứ. Còn chuyện tượng phật biến mất bí ẩn thì chỉ là những câu chuyện truyền miệng mà thôi, chứ tôi không được chứng kiến”.
Cũng có ý kiến đặt ra rằng có thể do muốn tăng sự linh thiêng cho ngôi chùa và bức tượng Phật nên có những người mê tín dị đoan đã nhằm đúng ngày cố định giấu bức tượng Phật đi rồi lại đem để lại vị trí cũ để người dân tin là bức tượng biết “vi hành” mà đến chùa cúng lễ nhiều hơn.
Nhưng thực tế qua tìm hiểu, thì phía dòng họ Nguyễn cũng không thu lợi từ các hoạt động cúng lễ, còn việc khẳng định có việc giấu bức tượng Phật hay không thì đến nay không có ai đứng ra chứng minh việc này.
Cũng như anh Chung, ông Nguyễn Văn Hiệp - Cụm trưởng của thôn và là người trong dòng họ Nguyễn - nói: “Chuyện thì ít nhiều có thật nhưng thêm nếm vào mà thành”.
Rồi ông kể: “Lúc nhỏ tôi được nghe trưởng họ nói là pho tượng từ lúc đem về thờ được đồn thổi là có rất nhiều vàng giấu bên trong nên đã bị kẻ trộm đến “nẫng” đi nhiều lần. Nhưng không hiểu lý do làm sao mất nhiều ngày lại được kẻ trộm trả lại y nguyên chỗ cũ, có lẽ là không tìm được gì trong pho tượng.
Cách đây nhiều năm tượng cũng bị một người thôn bên sang lấy trộm đem về, khi có người biết người ta lại ôm trả lại. Lần nào cũng vậy nên nhiều người không rõ chuyện thì tin rằng tượng biết đi “vi hành” thật.
Theo đề nghị, ông Hiệp đã dẫn chúng tôi ra tận “ngôi chùa” để mục sở thị bức tượng đồn thổi là biết đi “chu du”. Theo quan sát thì đây là một bức tượng được khắc từ gỗ, đứng trên 3 bệ tháp, tháp trên đỉnh bông hoa sen một tay chỉ lên trời, còn một tay chỉ xuống phía dưới. Bao quanh tượng là vòng cung có hai con rồng vươn lên trên đỉnh ôm lấy vầng quang mặt trời.
Ông Hiệp cũng như những bậc cao niên trong thôn không rõ tượng tên tuổi là gì và tạc vị thánh nào. Vậy là những câu chuyện huyền bí về “ngôi chùa” và bức tượng được truyền miệng mà thành.
Cũng từ những lời truyền miệng ấy mà từ một am thờ của dòng họ đã trở thành chùa chung cho tất cả dân trong vùng. Và cũng từ câu chuyện đó mà am thờ trở nên nổi tiếng nhiều năm nay ở vùng quê yên bình này.