Giải mã 'cơn sốt' sinh viên Ấn Độ du học Anh

GD&TĐ - Khoảng 140.000 người Ấn Độ học tập tại Anh trong năm 2022 và con số này đang tăng lên.

Ấn Độ có số lượng sinh viên quốc tế lớn nhất tại Anh.
Ấn Độ có số lượng sinh viên quốc tế lớn nhất tại Anh.

Khát vọng du học và tìm việc làm ở nước ngoài từ lâu đã phổ biến tại Ấn Độ.

Tại đất nước 1,4 tỷ dân, việc cạnh tranh vào các trường đại học hàng đầu là rất khốc liệt nhưng triển vọng việc làm sau khi tốt nghiệp lại ảm đạm. Nền kinh tế Ấn Độ dứng thứ 5 thế giới nhưng tỷ lệ thất nghiệp lên tới 8%, tính đến tháng 4 vừa qua. Tỷ lệ thất nghiệp sau đại học thậm chí cao hơn ở mức 18%.

Trong bối cảnh trên, du học nói chung và Vương quốc Anh nói riêng là điểm đến được đông đảo người dân nước này lựa chọn. Năm 2022, 770.000 sinh viên Ấn Độ du học và con số này đang tăng 10% mỗi năm.

Vì chi phí du học tương đối đắt đỏ nên trước đây, chỉ các gia đình thuộc tầng lớp trung, thượng lưu mới đủ điều kiện cho con cái ra nước ngoài học tập. Nhưng giờ đây, nhiều gia đình thuộc tầng lớp thấp hơn cũng sẵn sàng thế chấp nhà cửa, vay mượn các khoản tiền khổng lồ để con cái du học. Họ coi đây là “khoản đầu tư đáng giá trong dài hạn”.

Nhiều năm trước, số lượng người Ấn Độ học tập tại Anh giảm nhưng sau Brexit, khi Vương quốc Anh cam kết tăng số lượng sinh viên quốc tế lên 600.000 người vào năm 2030, đà phục hồi đã trở lại. Ngày nay, sinh viên Ấn Độ xin thị thực học tập và làm việc tại Anh đã tăng vọt. Ấn Độ là quốc gia có số lượng sinh viên quốc tế tại Anh lớn nhất, chiếm hơn 40% vào năm 2020.

So với Mỹ, Vương quốc Anh có lợi thế về mối quan hệ lịch sử và văn hóa. Hơn nữa, chi phí du học Anh rẻ hơn so với du học Mỹ, quy trình đăng ký tốn ít thời gian và chi phí hơn.

Đơn cử, các chương trình thạc sĩ tại Anh thường chỉ kéo dài một năm nên chi phí tiết kiệm hơn. Khoảng 70% sinh viên Ấn Độ ở Vương quốc Anh đang theo học sau đại học.

Chị Trisha Uberoi, 26 tuổi, lớn lên tại Delhi, Ấn Độ đã học ngành Kinh doanh tại Đại học Nottingham, Anh, vào năm 2015, sau đó tiếp tục học lên thạc sĩ tại Đại học Bath. Hiện nay, chị sống và làm việc cho một công ty phần mềm tại London, Anh.

Quyết định du học của Trisha xuất phát từ mong muốn thoát ra khỏi những hạn chế xã hội của Ấn Độ, nhất là với phụ nữ. Cô gái trẻ chọn Vương quốc Anh thay vì Mỹ vì chi phí thấp hơn và quá trình xét tuyển bớt cạnh tranh hơn.

Năm 2022, Vương quốc Anh và Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận công nhận văn bằng, khiến Vương quốc Anh càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt sinh viên Ấn Độ.

Chị Sanam Arora, Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên Ấn Độ tại Vương quốc Anh, cho biết, điểm thu hút lớn nhất của Vương quốc Anh là cấp thị thực việc làm cho sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp nên thanh niên Ấn Độ có cơ hội ở lại nước này làm việc.

Thị thực này cũng đem lại nhiều giá trị cho Vương quốc Anh vì phần lớn du học sinh Ấn Độ theo học khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Đây là những lĩnh vực khan hiếm nguồn tuyển dụng tại Anh.

Chính vì vậy, sau khi Chính phủ Anh thông báo cấm sinh viên quốc tế đưa người thân đến nước này để hạn chế người nhập cư, nhiều du học sinh Ấn Độ đã phản đối. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng thông báo có thể làm suy yếu các đàm phán thỏa thuận thương mại giữa hai nước.

“Lĩnh vực giáo dục đại học phải nỗ lực rất nhiều để xây dựng lại danh tiếng của Vương quốc Anh đối với sinh viên quốc tế. Lệnh cấm mới đây có thể khiến sinh viên Ấn Độ mất niềm tin vào du học Anh”, chị Arora bày tỏ.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.